Đang trong mùa khan nước, thiếu điện mùa khô, báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng chỉ ra hàng loạt lỗi lớn nhỏ trong việc đầu tư các dự án thủy điện gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân những năm qua. Đằng sau những thiếu sót này một phần là do sự lúng túng trong việc tính toán, chấp thuận đầu tư vào các dự án năng lượng ở Việt Nam.
>>> Rập rình nguy cơ thiếu điện 3 tháng tới/ Thủy điện căng thẳng tột độ vì hạn hán
Dự báo ảo, hệ lụy thật
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán, năm 2010, với dự kiến đưa thêm 14 nhà máy điện mới vào hoạt động (bổ sung thêm 3.300 MW vào hệ thống) thì tổng công suất lắp đặt nguồn điện cả nước là trên 18.400 MW, cơ bản cả nước sẽ không lo thiếu điện.
Các nhà máy thuỷ điện quy mô nhỏ đã được đầu tư tràn lan. |
Song, tính đến thời điểm hiện nay, tổng công suất nguồn điện đã lắp đặt được khoảng 14.4000 MW và một phần ba trong số này là từ thủy điện. Do diễn biến bất thường của thời tiết và hạn hán, nguồn thủy điện thực tế hiện chỉ huy động được chừng một phần ba nên sự sụt giảm nguồn điện trong thực tế là rất rõ.
Xét về phương diện đầu tư vào năng lượng, cũng không thể trách các cơ quan quản lý về việc thiếu hụt điện năng do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thủy điện vì đây là nguồn năng lượng có suất đầu tư rẻ, tận dụng điều kiện tự nhiên. Cũng do tồn tại lịch sử, việc đầu tư vào các dự án thủy điện đã diễn ra từ hàng chục năm nay.
Các cơ quan quản lý vĩ mô trong vài năm gần đây nhận thấy cần phải giảm dần sự phụ thuộc này qua việc chuyển định hướng đầu tư sang các nguồn năng lượng khác để bù đắp và thay thế quy hoạch đã đến ngưỡng của thủy điện.
Song, định hướng này đã không được thực hiện nghiêm hoặc hướng dẫn đầy đủ trong quá trình phân cấp đầu tư ở địa phương. Do đó, việc đầu tư tràn lan vào các dự án thủy điện nhỏ ở địa phương thực tế không giúp ích được nhiều cho việc đảm bảo an ninh năng lượng tại chỗ, chưa nói đến các ảnh hưởng khác.
Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Trung vừa gửi cho EVN, dù 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên được đầu tư chi chít hàng trăm các dự án thủy điện trên các con sông nhưng khi phải tiết giảm điện từ nguồn điện lưới quốc gia, họ chỉ huy động được 1 triệu kWh/ngày từ các dự án thủy điện vừa và nhỏ. Ảnh hưởng của thời tiết và hạn hán khiến cho nguồn cung ít ỏi này cũng không ổn định. Phần rất lớn còn lại là 16,2 triệu kWh/ngày là do EVN phân bổ. Trong khi dự báo nhu cầu điện cho miền Trung khoảng 21,2 triệu kWh/ngày.
Báo cáo của Bộ Công Thương về kết quả kiểm tra các dự án thủy điện tại 9 tỉnh trọng điểm khu vực miền Trung và Tây Nguyên hồi tháng 3 cho thấy, việc chấp thuận đầu tư quá dễ hoặc thổi phồng hiệu quả đầu tư vào các dự án thủy điện đã và sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho đời sống và phát triển kinh tế tại các địa phương có liên quan đến dự án. Hậu quả đầu tiên là bất kể số lượng nhiều, các dự án không giải quyết được nhu cầu tăng cường nguồn năng lượng tại chỗ như đã nói ở trên, do nhiều dự án không đảm bảo hiệu quả đầu tư hoặc khai khống quy mô công suất lắp máy.
Do hiệu quả thực tế kém, người ta có quyền nghi ngờ về tiềm năng thủy điện ước tính hơn 7.500 MW từ 9 tỉnh miền Trung cộng lại, trong đó có 226 dự án (khoảng hơn 2.200 MW) còn đang nghiên cứu đầu tư, chưa kể 120 dự án siêu nhỏ khác hiện chưa có chủ đầu tư quan tâm. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến đề nghị của Bộ Công Thương loại bỏ 38 dự án đã phê duyệt và điều chỉnh quy mô 35 dự án không phù hợp khác để tránh ảnh hưởng đến những tính toán nguồn cung trong thời gian tới.
Thận trọng với dự án mới
Ở một góc độ khác, nếu nguồn thủy điện thiếu hụt trong một thời gian nhất định thì việc lấy các nguồn điện khác như nhiệt điện, điện khí... bù đắp cũng có thể giảm thiếu hụt nguồn cung. Song, việc đầu tư vào các dự án năng lượng khác cũng đang gặp nhiều vấn đề nên việc bù đắp thiếu hụt nguồn cung hiện tại và tương lai chắc chắn còn gặp nhiều khó khăn.
Lấy ví dụ như việc đầu tư vào các dự án nhiệt điện. Năm 2008, khi EVN trả lại 13 dự án điện lớn có nhắc đến hai nguyên nhân chính là thiếu vốn và thiếu nguồn than nhập do các đối tác bán than không chấp thuận bán than cho các dự án điện số lượng lớn và dài hơi, bất kể người mua có năng lực tài chính mạnh. Một số doanh nghiệp dự tính đầu tư vào các dự án điện cũng nói rằng, qua khảo sát tại nước ngoài, việc nhập than là không dễ.
Song, trong chuyến làm việc mới đây của lãnh đạo Bộ Công Thương tại Úc (quốc gia xuất khẩu than lớn thứ 4 thế giới), phía Úc sẵn sàng đàm phán với các doanh nghiệp Việt Nam về việc bán than theo hợp đồng dài hạn, kể cả liên doanh đầu tư khai thác tại mỏ. Trong thời gian tới, Úc tiếp tục gia tăng xuất khẩu than cũng như đầu tư vào khai thác các mỏ mới với trữ lượng lớn.
Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng việc một số chủ đầu tư nói không có lối ra khi đi đàm phán các dự án nhập than là không chính xác; dù quá trình từ đàm phán đến nhập khẩu được còn là quãng đường dài. Tiến trình mở cửa nhập khẩu than đã được mở thông qua việc Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Tài nguyên, Năng lượng và Du lịch của Úc ký ghi nhớ ban đầu về hợp tác năng lượng. Như vậy, việc xúc tiến thực hiện các dự án nhiệt điện cần phải được đẩy nhanh hơn, để các dự án nhiệt điện không bị “treo” nữa.
Trong quá trình phê duyệt dự án, cũng cần chú ý đến các mục đích khác phía sau của chủ đầu tư. Như việc xin phê duyệt đầu tư một trung tâm nhiệt điện lớn tại miền Đông Nam bộ, một số chủ đầu tư có thể tranh nhau nhắm đến việc đầu tư khai thác cảng biển để nhập than.
Ở đây, mục đích có cảng nhập than cho dự án điện là đúng nhưng mục đích lớn hơn phía sau là chỉ cần dự án cảng này được đưa vào khai thác, nhà đầu tư đã bắt đầu thu nguồn lợi vận tải ngay. Và lúc ấy, có thể việc đầu tư vào các dự án điện sẽ bị xếp xuống hàng sau, ảnh hưởng đến tính toán, cân đối an ninh năng lượng.
(Theo TBKTSG)