(TinnhanhVietNamNet) - Có tình trạng làm giá khiến đất ở khu vực phía Tây Hà Nội sốt ảo. Số người đến tìm hiểu thông tin đất đai khá nhiều nhưng lượng giao dịch ít thành công.
Trục đường chính đi lên quần thể du lịch Ba Vì. (Ảnh: theo ATP) |
Sau 2 ngày đi kiểm tra 5 huyện Thường Tín, Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai và Mê Linh, đoàn kiểm tra tình hình bất động sản theo chỉ đạo của Thủ tướng nhận thấy đất ở đây "sốt" là do "cò" làm trò đẩy giá.
Trả lời trên Báo Tiền phong ngày 27/5 của ông Vũ Xuân Thiện - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, có tình trạng làm giá, khiến đất ở nhiều nơi sốt ảo.
Nguyên nhân là do một số người đầu cơ mua đất trước đó, rồi tạo ra sự khan hiếm giả và tung thông tin không chuẩn để đẩy giá cao, bán kiếm lời. Thậm chí, có hiện tượng nhiều người dân chân lấm tay bùn đã trở thành "cò" đất và cấu kết với nhau đẩy giá đất lên cao cho giới đầu cơ hưởng lợi rồi kiếm hoa hồng.
Trước đó, khoảng tháng 4, Hà Nội đã công bố đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, trục Thăng Long và trung tâm hành chính quốc gia mới sẽ được chuyển lên Ba Vì. Do đó, giá đất ở các khu vực xung quanh, nhất là ở dọc đường Láng - Hòa Lạc và huyện Ba Vì đã tăng đáng kể, thậm chí gấp 200-300%.
Được biết, khi chưa có quy hoạch này thì đất ở đây được bán bằng sào. Nhưng sau khi có đồ án quy hoạch này, đất đã được cắt ra bán thành miếng. Tuy nhiên, các cán bộ địa chính ở đây đã cảnh báo, giao dịch chủ yếu là trao tay nên rất rủi ro.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng phòng Tài nguyên huyện Ba Vì trả lời Báo điện tử Vnmedia rằng, trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, giao dịch mua bán đất trên địa bàn huyện tăng khoảng 20-30%, giá đất một số khu vực tăng khoảng hơn 20%.
Theo ông Sơn, tỷ lệ như vậy là quá thấp và không đủ để khẳng định đây là cơn sốt đất. Mặt khác, người mua chủ yếu vẫn là giới đầu cơ chứ không có người mua để xây nhà ở thực. Còn người dân khi có nhiều người đến hỏi mua nên cũng tự nâng giá cao lên.
-
Cẩm Anh (tổng hợp)