221
442
Thị trường
kinhte
/kinhte/
1275912
Sau vụ đất “khống” Thanh Hà, Công ty 1/5 "múa" thế nào?
1
Article
null
Sau vụ đất “khống” Thanh Hà, Công ty 1/5 'múa' thế nào?
,

- Dự án Nam Đàn Plaza được Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5 (Công ty 1/5) đưa ra đối với nhà đầu tư tưởng chừng như một phương án thay thế, gỡ rối êm đẹp với những ai trót đổ tiền vào đất khống Thanh Hà. Nhưng thực tế về dự án này thì vẫn rối như… canh hẹ.

TIN LIÊN QUAN

Nam Đàn Plaza không phải dự án căn hộ

Mô tả ảnh.
Nhiều nhà đầu tư tại buổi gặp khách hàng hôm 22/4 của Công ty 1/5 đã háo hức lầm tưởng Nam Đàn Plaza là một dự án căn hộ cao cấp - Ảnh: N.N

Trong cuộc gặp mặt chính thức với khách hàng chiều 22/4, Chủ tịch HĐQT Công ty 1/5 – ông Lê Hoà Bình có nói đến giải pháp “hoán đổi” của nhà đầu tư dự án Thanh Hà bằng quyền mua giá gốc tại dự án Nam Đàn Plaza do chính Công ty 1/5 làm chủ đầu tư.

Đây là một Dự án cao ốc gồm hai toà tháp 44 và 39 tầng nằm trên vị trí đắc địa là con đường Phạm Hùng, với số vốn đầu tư khổng lồ lên đến 3.900 tỷ đồng. Và, chủ đầu tư không ai khác chính là Công ty 1/5.

Theo đó, ngoại trừ một số nhà đầu tư đã kiên quyết rút vốn ra khỏi dự án Thanh Hà thì vẫn còn không ít nhà đầu tư, vì lời quảng cáo quá “ngon ăn” từ phía Công ty 1/5 nên vẫn quyết định không rút tiền góp vốn. Thậm chí, một số còn lo không được quyền đầu tư vào dự án này.

Thế nhưng lại một lần nữa, tất cả cho thấy, không có gì là chắc chắn. Bởi, Nam Đàn Plaza là một dự án tổ hợp khách sạn, văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại, chứ dự án này không hề có một căn hộ nào được xây dựng trên miếng đất có diện tích gần 10.000m2 như nhiều người vẫn đang ảo tưởng.

Giới kinh doanh địa ốc đúc rút, tâm lý của các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường chỉ quan tâm vào các dự án đất nền và căn hộ. Bởi đầu tư vào đây thu lãi cao lại nhanh chóng thu hồi vốn. Dễ thấy, tham gia đầu tư dự án Thanh Hà vừa qua có đến 99% là đầu tư lướt sóng ngắn hạn. Với họ, việc đầu tư vào các dự án văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại không mấy hấp dẫn.

Ngay cả việc chủ đầu tư muốn chuyển đổi chức năng thành dự án căn hộ, nếu thành phố cho phép cũng phải mất khoảng 1 năm nữa để giải quyết thủ tục.

Không muốn chung thuyền!

Trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều 26/4, một trong số những cổ đông ban đầu của dự án Nam Đàn Plaza đã công khai cáo buộc Công ty Xuyên Thái Bình Dương (1 trong 3 công ty do ông Lê Hoà Bình làm Chủ tịch HĐQT) đầu tư dự án này hiện vẫn đang nợ đến 50% cổ phần mua dự án Nam Đàn Plaza.

Cổ đông sáng lập sở hữu 14% cổ phần trong dự án Nam Đàn Plaza (xin giấu tên) cho biết, cách đây 1 tháng, Công ty Xuyên Thái Bình Dương đã xin mua lại 100% cổ phần của đơn vị này, với tổng giá trị khoảng 500 tỷ đồng, nhờ tài khoản trị giá 400 tỷ đồng, được bảo lãnh bởi Ngân hàng Vietinbank.

Tin tưởng số tiền nằm trong ngân hàng trên là số tiền “sạch” (vốn tự có chứ không phải vốn chiếm dụng của nhà đầu tư) nên các cổ đông khác đã đồng ý bán toàn bộ cổ phần cho Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Song cho đến nay, phía Công ty Xuyên Thái Bình Dương mới chỉ trả được một nửa số tiền (tức khoản 250 tỷ đồng) thì dừng lại.

Theo đại diện đơn vị này, điều phức tạp là Công ty Xuyên Thái Bình Dương hiện vẫn “án binh bất động”, không chịu lựa chọn phương án giải quyết nào theo hướng hoặc hoàn trả nốt phần tiền còn lại để được sở hữu cổ phần tại dự án Nam Đàn Plaza hoặc nhận lại phần tiền đã đóng để trả lại quyền cổ đông cho đơn vị.

“Nếu chúng tôi trả lại tiền thì đương nhiên, ông Lê Hoà Bình sẽ không có quyền gì để bảo lưu với khách hàng ở dự án Thanh Hà về việc đầu tư sang Nam Đàn Plaza. Nhưng chúng tôi cũng không muốn ngồi chung thuyền với ông ấy nữa bởi ông ấy đã quá bất tín nhiệm” – vị này nói, đồng thời cho biết trong nay mai, ông và nhóm cổ đông bị nợ tiền sẽ phát văn bản giải quyết vụ việc, thậm chí có thể tính tới khởi kiện Công ty Xuyên Thái Bình Dương.

Mô tả ảnh.
Số phận chủ đầu tư dự án Nam Đàn Plaza của ông Lê Hoà Bình vẫn còn là một dấu hỏi lớn - Trong ảnh là giới thiệu quy mô, tính pháp lý dự án Nam Đàn với khách hàng của Công ty 1/5 - Ảnh: N.N

Căn cứ vào đó, hiện có hai tình huống đặt ra trong dự án Nam Đàn Plaza của ông Lê Hoà Bình. Thứ nhất, một khi bị cổ đông cũ đâm đơn kiện, khi ra pháp luật phía ông Bình sẽ phải có trách nhiệm hoàn trả tiền còn nợ đọng cho các cổ đông của Nam Đàn Plazza đầu tiên. Kế đó mới trả cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Điều này cũng có nghĩa, các nhà đầu tư nhỏ lẻ có tỷ lệ rủi ro cao một khi nguồn tiền không đủ hoàn trả.

Trường hợp ông Bình trả nốt tiền và trở thành chủ đầu tư dự án Nam Đàn Plaza thì nhà đầu tư nhỏ lẻ đi theo từ dự án Thanh Hà về đây sẽ không được “hoán đổi” theo diện tích, mét vuông sàn vì dự án này chưa làm xong móng, mà chỉ có thể được tính bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, việc bán cổ phần trong bối cảnh công ty bị mất uy tín thì cũng khó có thể huy động được số vốn hàng ngàn tỷ để tiếp tục thực hiện dự án.

Chiếm dụng vốn và “buôn dự án”?

Trao đổi với VietNamNet chiều tối 26/4, ông Lê Hoà Bình khẳng định cổ đông cũ của Nam Đàn Plaza phàn nàn việc ông chưa chuyển giao hết số tiền mua cổ phần là sự thật. Vị Chủ tịch HĐQT lý giải tình thế này là do bên ông đang làm chuyển giao vốn theo đúng hợp đồng với phía cổ đông này thì xảy ra “sự cố”, “tai nạn” ở dự án Thanh Hà, cho nên bị tạm ngưng. Còn sau này, chắc chắn hai bên phải ngồi lại để nói chuyện với nhau.

Không chỉ tiếp tục khẳng định đã có đầy đủ bằng chứng pháp lý là chủ đầu tư dự án Nam Đàn Plaza (gồm 3 cổ đông mới là Công ty Minh Ngân, Công ty 1/5, Công ty Tracotex đều do ông Lê Hoà Bình là Chủ tịch HĐQT, sở hữu 100% cổ phần), ông Lê Hoà Bình còn tự tin cho rằng nguồn vốn đầu tư cho dự án lên đến hàng nghìn tỷ này không phải là vấn đề lo lắng.

Có thể nói, nguồn tài chính của các công ty liên quan do ông Lê Hoà Bình là chủ tịch đang là một vấn đề rất nhạy cảm lúc này. Dù có bao biện như thế nào cũng không thể phủ nhận được xảy ra tình trạng bế tắc xuất phát từ việc chồng chất “buôn dự án”, lợi dụng uy tín, chiếm dụng vốn, bất chấp quy định của pháp luật trong huy động vốn từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ là có.

Về cách thức cụ thể giúp nhà đầu tư hoán đổi giữa hai dự án, ông Lê Hoà Bình cho rằng sẽ phải bàn thêm với các nhà đầu tư trong cuộc họp tới đây. Ông khẳng định dự án này có thể sẽ tạo ra một sân chơi giữa các nhà đầu tư và cổ phiếu có thể là một dạng sở hữu. Nhưng việc liệu nhà đầu tư có đồng ý với phương thức sở hữu này hay không thì ông không biết.

Mặc dù vẫn tuyên bố Nam Đàn Plaza là một điểm đến, là một sở hữu của mình và khi đồng hành, nhà đầu tư sẽ không còn phải vượt qua nhiều khó khăn gian khổ nữa, song đề cập đến đây cho thấy ông Bình vẫn chưa định hình và dám chắc được cách thức sở hữu cổ phần dự án của các nhà đầu tư như vậy sẽ là “tốt lên hay xấu đi”.

  • Nguyễn Nga – Trọng Tuyến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,