Nhà đất phía Tây Hà Nội: khan hàng hay bị làm giá?
Cập nhật lúc 05:37, Chủ Nhật, 25/04/2010 (GMT+7)
Nhiều người cho rằng, hiện tượng "khan hàng" chỉ là "chiêu" của đầu nậu chứ thực chất không có chuyện sốt nóng đất dự án khu vực phía Tây Hà Nội.
>>> Công ty 1/5 lại ’mê dụ’ khách hàng dự án Thanh Hà!/ Khởi tố hình sự vụ bán khống đất Thanh Hà/ Mua đất khu đô thị Thanh Hà: Đầu tư như… đánh bạc?
Đối với một số dự án này, nhà đầu tư thường "lướt sóng" dưới hình thức đặt cọc theo % vốn ban đầu với chủ đầu tư, sau đó rao bán hoặc "chốt lãi" tại các văn phòng môi giới.. Có một số thì tìm đất gần dự án, giá từ 8 triệu đến hơn 10 triệu/m2 để "lướt".
Giá nhà đất khu vực phía Tây Hà Nội liên tục bị "thổi". Ảnh: VNN. |
Giới buôn bất động sản hiện nay thường nhằm vào những dự án bắt đầu triển khai bởi theo họ, giá trị sinh lời ở đây là tiềm năng. Nhà đầu tư tìm kì vọng sẽ có nhiều giao dịch với các đơn vị thứ phát, khả năng sinh lợi nhuận nhiều hơn ("ăn" tiền chênh).
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Ở An Khánh nếu giá BĐS có sốt thì đó là sốt ảo thôi, chứ không phải sốt thật. Là sốt ảo nên nó rất bất thường, lên một lúc rồi xuống, có điều kiện thì lại lên, lên mà không có vốn để duy trì nó thì nó lại xuống. Trước ngữ cảnh, cả nhà đầu tư và người mua đều mong muốn vào sự kì vọng cho mình. Tuy nhiên, “cung” bao giờ cũng thấp hơn “cầu” nên nhà đầu tư bao giờ cũng chịu thiệt”.
Đôi khi, do nắm thông tin mù mờ, nhiều nhà đầu tư chạy theo số đông, cuốn mình theo cơn “lốc” ảo mà không biết rằng: Những nguy cơ, rủi ro rất có thể xảy ra bất cứ lúc nào và người thiệt không ai khác ngoài là chính họ. Dự án Thanh Hà (Hà Đông) là một ví dụ.
Việc xuất hiện những cơn “sốt” ảo trên thị trường là chuyện “thường ngày ở huyện”. Các đơn vị thứ phát thu mua một số khối lượng lô đất nhất định đẩy giá lên nhanh, có thể từ 25 triệu đẩy lên 30 triệu, thứ nhất không có giao dịch, thứ hai là tạo nhiều thông tin ảo ra ngoài thị trường gây tâm lý sốt ruột cho nhà đầu tư khiến họ phải nhanh chân mua ngay trước khi BĐS lại tăng giá. Vì vậy, có thể, việc tăng giá phần lớn do các "đầu nậu" tạo nên nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn.
Thậm chí, có những dự án, chủ đầu tư chưa công bố bán hàng, chưa GPMB xong nhưng vẫn được thông tin là "khan hàng", là "sốt xình xịch". Chỉ đến khi công an vào cuộc, khởi tố vụ án thì mọi chuyện mới vỡ lẽ.
Ông Phạm Trung Hà, Tổng Giám đốc Cty CP Bất động sản Hòa Phát cho biết, chính tâm lý đám đông của nhà đầu tư một phần tạo nên những cơn sốt bất thường ở một số dự án. Ông Hà cho rằng, nhà đầu tư cần bình tĩnh khi lựa chọn các sản phẩm bất động sản phù hợp và biết sàng lọc thông tin vì ngay cả trên báo, cũng xuất hiện những thông tin trái chiều về phân khúc thị trường nào đó.
"Nhiều công ty quản lý bất động sản hiện nay đưa ra những báo cáo thị trường nhằm mục đích hướng nhà đầu tư đi theo các phân khúc mà đơn vị đó đang quản lý, tiếp thị. Vì thế, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ để lựa chọn cho mình sản phẩm bất động sản phù hợp để đầu tư. ", ông Hà khuyến cáo.
Theo kinh nghiệm của giới "sành" trong lĩnh vực này, nếu chưa có nhu cầu cấp thiết thì không nên vội vã xuống tiền, đặc biệt là các dự án phía Tây Hà Nội.
Anh Phạm Minh Tuấn, trưởng phòng kinh doanh của Sudico – chủ đầu tư dự án Nam An Khánh khẳng định: Thời gian này, chủ đầu tư Sudico chưa bán sản phẩm trực tiếp cho khách hàng. Trong năm nay hoàn thành xây dựng xong kế hoạch maketting quảng bá đô thị mới, dự tính đầu năm tới sẽ tung ra thị trường bán lẻ.
Về hiện trạng thi công, hiện tại, giai đoạn 1 đã có đường và có hồ nhân tạo, đủ điều kiện kinh doanh. Các lô đất, mốc giới đã bàn giao cho các đơn vị thứ phát tương đối gần hết, dự án đang tiến hành xây dựng theo đúng tiến độ hoàn thành.
Điều đó có thể thấy rằng, không thể có chuyện khan hàng, sốt nóng hay thiếu hụt cung cầu gì đối với một số dự án ở phía Tây Hà Nội bởi cho tới thời điểm này, chủ đầu tư chưa có phương án kinh doanh, chưa bung hàng.
Nguyên nhân dẫn tới việc nhà đầu tư đổ xô đi mua BĐS ở khu vực phía Tây bởi, khu vực phía Tây được mệnh danh là mảnh đất hàm rồng, về mặt nhận thức hoặc cảm quan nhà đầu tư nhận thấy khu vực này hứa hẹn về cảnh quan, sinh hoạt, hạ tầng đi lại thuận lợi,…
Bên cạnh đó, giá BĐS khu vực phía Tây được chào bán với giá rẻ, đồng thời có thể đầu tư rải rác, nay một đồng, mai một đổng rải ra nhưng đến cái đích nhất định lại thu được lợi hơn rất nhiều so với những gì họ đã đầu tư. Đấy là bài toán mà sẽ tính đến và BĐS là một trò chơi mà mọi người đều có quyền tham gia.
Song, lý do không kém phần quan trọng đó là tâm lý đám đông. Có người ví von: “Khi có 10 người chạy về An Khánh thì chắc chắn người thứ 11 sẽ chạy về An Khánh. Nếu 10 người kia chạy chỗ khác thì người thứ 11 sẽ chạy chỗ khác chứ chưa chắc đã chạy về An Khánh. Về lợi ích trước mắt, có thể người ta chỉ nhìn thấy lờ mờ nhưng điều thúc đẩy họ mua đất lại là do đám đông. Họ luôn tâm niệm: 10 người đa số chắc chắn sẽ đúng”.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý đối với những dự án bất động sản được cho là "hot" bởi hiện nay các đầu nậu địa ốc rỉ tai nhau, muốn "đẩy" được "hàng" ở giá cao, chỉ cần tung vài chiêu "nóng sốt", "khan hiếm" là ít nhiều tạo nên một làn sóng ảo tại khu vực đó. Thậm chí, chấp nhận "đền bù" tiền đặt cọc để "giữ hàng".
-
(Theo Landtoday)
,