Trong buổi họp giữa UBND TP.HCM với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đại diện Bộ Tài chính ngày 10/4, đại diện doanh nghiệp và các hiệp hội ngành đã phản ánh về việc phải vay vốn với lãi suất quá cao từ ngân hàng khiến hoạt động của doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.
>>> Doanh nghiệp điêu đứng với lãi suất 'cắt cổ' / Lãi suất quá cao đang 'siết cổ' các doanh nghiệp/ Được vay vốn với lãi suất thỏa thuận từ 26/2
Nhiều ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay. Ảnh: VNN |
Tại buổi họp, nhiều doanh nghiệp đã than với Thống đốc NHNN rằng hiện đang phải vay vốn ngân hàng với mức lãi suất từ 16%-18%. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết hiện bình quân lãi suất huy động của các ngân hàng là 13%-14%/năm cho nên lãi suất cho vay của ngân hàng đa số là 18%, cá biệt có ngân hàng 20%, còn 16%năm thì rất ít ngân hàng cho vay.
“Muốn trả được lãi suất trên thì doanh nghiệp phải có lợi nhuận từ 25%/năm trở lên, và ngành sản xuất thì không thể đảm bảo được mức lợi nhuận đó”, ông Minh nói.
Ông Minh kiến nghị nếu NHNN cho phép ngân hàng áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận thì nên có biện pháp để tránh lãi suất thỏa thuận cào bằng, tức là doanh nghiệp nào cũng như nhau.
Ông cho rằng ngân hàng nên có quy định riêng đối với cho vay doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp thuộc ngành nông nghiệp, cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bà Lý Kim Chi, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực, thực phẩm TP.HCM, cho biết 80% doanh nghiệp trong ngành này tại TPHCM là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì thế tiếp cận được vốn ngân hàng là điều cực kỳ khó.
“Các doanh nghiệp trong hiệp hội cho biết đến hạn phải đi trả nợ cho ngân hàng nhưng vay lại thì không thể nào vay được ở mức 12%/năm, đều phải trả thêm những khoản phí khác, kéo lãi vay lên đến 18%/năm. Mức này không thể nào chịu đựng nổi”, bà Chi nói.
Vị này cũng cho biết sáu tháng vừa qua các doanh nghiệp đang hoạt động rất cầm chừng, và nếu không giảm lãi suất ngân hàng, doanh nghiệp trong nước sẽ không thể nào cạnh tranh nổi với doanh nghiệp nước ngoài chuyên nhập khẩu các mặt hàng cùng loại.
Tương tự ý kiến của các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TPHCM, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với cho vay ngắn hạn và bỏ trần lãi suất huy động.
“Để có thêm nguồn vốn với lãi suất thấp và giảm chi phí vốn cho các ngân hàng, góp phần giảm lãi suất cho vay ra nền kinh tế, đề nghị NHNN xem xét cân đối, có cơ cấu hợp lý nhằm giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và hỗ trợ cho ngân hàng thương mại thông qua nghiệp vụ tái cấp vốn, thị trường mở”, bà Hồng nói.
Các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu trong buổi họp đã thông báo một số ngân hàng lớn đã đồng thuận giảm lãi suất xuống phổ biến chỉ còn 14%-15%/năm, tương đương mức lãi suất năm 2007. Mức trên dù vẫn còn cao nhưng đã phần nào thấp hơn so với mức lãi suất từ 16%-18% mà doanh nghiệp đang gánh hiện nay.
Ông cũng cho biết Thủ tướng đã cho phép NHNN hướng dẫn các ngân hàng áp dụng lãi suất thỏa thuận đối với cho vay các dự án khả thi.
Thời gian tới, theo Nghị quyết 18/NQ-CP của Chính phủ, NHNN cũng sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại theo hướng tập trung ngoại tệ cho vay đối với những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất mà trong nước chưa sản xuất được cũng như hạn chế cho vay ngoại tệ để nhập khẩu những mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu.
“Chúng tôi đang chờ Bộ Công Thương đưa ra danh mục các mặt hàng thiết yếu được ưu tiên tiếp cận vốn ngoại tệ, hy vọng đầu tuần sau sẽ có, và tôi sẽ lập tức chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay cũng như hạn chế cho vay đối với các mặt hàng được quy định”, ông Giàu nói.
Ông Giàu nói nghị quyết Chính phủ yêu cầu tăng trưởng tín dụng năm 2010 là 25%, vì vậy từ đây đến cuối năm, NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả hệ thống khoảng 2,2%-2,3%/tháng.
Về tình hình huy động của các ngân hàng, mức tăng trưởng huy động quí 1 là 3,8%, theo ông Giàu là khả quan. “Đặc biệt tiền gửi dân cư tăng 9,2%, đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay”, ông nói.
(Theo TBKTSG)