- Mặc dù được dự báo là lượng khách đi du lịch dịp 30/4-1/5 năm nay không quá căng, nhưng giới đầu cơ phòng khách sạn tiếp tục ém hàng, sẵn sàng hét với giá cao ngất nếu khách đi du lịch tăng đột biến.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mệt vì "nước đến chân mới nhảy"
Nhóm bạn gia đình hơn 20 người của chị Hoàng Hạnh ở Hà Nội dùng dằng mãi mới quyết định đi Đà Nẵng rồi ghé Bà Nà nhưng khách sạn không còn phòng mà đặt, vé máy bay cũng hết sạch từ 29/4-2/5. Các lựa chọn khác thì bãi biển Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) xa quá, Cửa Lò (Nghệ An) cũng mới đi năm 2008. Cuối cùng, cả nhóm đành phải "chốt" Cát Bà (Hải Phòng).
Không chỉ chị Hạnh, bất kỳ khách du lịch đi tự do nào nếu bây giờ mới đặt phòng sẽ nhận được câu trả lời hết phòng, hoặc đành chấp nhận mua với giá cao.
Khách du ngoạn trên vịnh Hạ Long (ảnh Trần Thế Dũng) |
Nhiều đơn vị lữ hành cho biết, đến nay, khách đăng ký mua tour dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 bắt đầu tăng nhanh. Tại Hanoitourist, ở tất cả các tour chỗ gần như đã bán hết, chỉ còn rất ít khách hàng đã đăng ký nhưng chưa đặt cọc. Còn Công ty du lịch Thệ Hệ Trẻ (TP.HCM), khách dự kiến sẽ tăng 10%, tương đương 900 khách.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Trưởng phòng Tiếp thị Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, đã có khoảng 5.000 du khách đăng ký tour dịp này, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của nhiều đơn vị khác, lượng du khách đi chơi 30/4-1/5 chắc chắn tăng so với ngày thường nhưng chưa chắc đã tăng đột biến.
Nguyên nhân, lễ kỷ niệm giải phóng đất nước (35 năm) là năm chẵn nên TP.HCM sẽ có nhiều sự kiện mà khách còn nấn ná ở nhà xem nhiều hoạt động tại thành phố. Hơn nữa, tâm lý khách đi du lịch đợt hè bao giờ cũng chờ đến sát ngày nghỉ mới quyết định.
Trao đổi với PV.VietNamNet, đại diện hai hãng hàng không nội địa cũng cho hay, việc tăng tải phục vụ khách dịp cao điểm như 30/4-1/5 đã triển khai và áp dụng từ trước. Tức là, trong kế hoạch khai thác thường lệ, hàng không đã đưa phần tăng tải những ngày cao điểm vào.
Hiện các hãng đang theo dõi diễn biến và chờ đến gần ngày nghỉ, nếu khách tăng đột biến mới tính chuyện tăng tải tiếp.
Khách sạn cũng bắt tay với "cò"
Trên thực tế, lượng phòng khách sạn vẫn còn tương đối nhiều, nhưng lại thuộc "sở hữu" của giới đầu cơ.
Một bảng giá phòng được đơn vị thu gom chào công ty du lịch dịp Tết Nguyên đán 2010 (ảnh PV). |
Ông Lữ Thuận Minh, Trưởng phòng Du lịch nội địa Công ty CP Dầu khí Sài Gòn - SPSC, cho biết, giá phòng khách sạn 3 sao khoảng 280.000 đồng/đêm nay bị đội lên gấp đôi, khoảng 560.000 đồng. Công ty phải làm việc thẳng với khách sạn, chấp nhận mức giá cao hơn.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, Trưởng phòng Du lịch nội địa Công ty CP du lịch Tân Định (Fiditourist), số lượng phòng confirm (xác nhận) tại khách sạn của công ty không được nhiều do bị "cò" gom, bán lại với giá chênh lệch ngất ngưởng.
Bị thổi giá nhiều nhất là các khách sạn thấp sao, 1-3 sao ở các điểm du lịch nóng như Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Đà Nẵng, Phan Thiết... Với khách sạn cao sao, số tiền đặt cọc cao nên "cò" găm ít hàng hơn.
Một giám đốc đơn vị lữ hành phía Nam kêu ca, trong khi công ty ông không có đủ phòng để đặt cho khách đoàn thì "một ngày đẹp trời", ông nhận được bản giá chào của "cò" với mức cao ngất ngưởng, khó có thể làm tour. Vị này than thở, chưa bao giờ "cò" lại làm mưa làm gió như năm nay. Thậm chí, một số khách sạn cũng hợp tác với cò để đẩy giá phòng lên cao.
Tại các bãi biển phía Bắc mà người dân ưa thích như Sầm Sơn, Cửa Lò, Cát Bà, hiện tượng giữ phòng, tạo khan hiếm ảo cũng xảy ra.
Do vậy, để tránh bị "móc túi" oan vào các dịp nghỉ lễ đông đúc, khách du lịch nên chọn các công ty lữ hành uy tín. Đối với khách đi lẻ, đi tự do, tốt nhất là trước khi trả tiền bất kỳ dịch vụ gì cũng phải hỏi giá cho "lành".
-
Hà Yên