- Ngày 25/3, Bộ Công Thương đã triệu tập cuộc họp với các Hiệp hội, tập đoàn, Tổng công ty lớn nhằm tìm kiếm giải pháp "trị" nhập siêu. Suốt nhiều giờ đồng hồ, hàng loạt ý kiến, đề xuất, phân tích, mổ xẻ được đưa ra.
>>> Đầu năm, nhập siêu tới 1,3 tỷ USD / Việt Nam nhập siêu 12 tỷ USD / Chưa cộng nhập vàng, nhập siêu đã vượt 10 tỷ USD / Nhập siêu không quá 10 tỷ USD, rất khó
Rút cục, cuộc họp kết thúc nhưng không có biện pháp nào trị được nhập siêu hiệu quả ngay tức thì.
Bế tắc vì phụ thuộc “cả vào lẫn ra”
Dược phẩm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu - Ảnh Phan Hùng
Theo ước tính của Bộ Công Thương, nhập siêu quý I/2010 vào khoảng 3,51 tỷ USD, chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu, vượt quá chỉ tiêu khống chế dưới 20% Quốc hội đã thông qua. Đây là con số đáng báo động khiến Bộ Công Thương lo lắng bởi nền kinh tế mới đi được ¼ chặng đường năm 2010.
Dù hàng loạt giải pháp khẩn cấp đã được Bộ này đưa ra hoặc đề xuất lên Chính phủ như ban hành hạn ngạch thuế quan, áp dụng cấp phép nhập khẩu tự động, tăng thuế nhập khẩu... nhưng đều không “phanh” được tốc độ nhập khẩu.
Thậm chí, Bộ Công Thương đã tiến hành cả giải pháp siết chặt tiêu dùng nhằm hạn chế lượng nhập khẩu. Những mặt hàng bị xếp vào diện xa xỉ như ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, xe máy, nước hoa, mỹ phẩm, rượu ngoại....đều phải áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu khác nhau.
Nhưng tất cả các biện pháp đó không đủ chặn đà nhập siêu. Ngược lại, nhập siêu đang có xu hướng nhích lên, khác hẳn với diễn biến cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Công thương Nguyễn Thành Biên thừa nhận, hiệu quả kiềm chế nhập siêu thấp là bởi các biện pháp đang áp dụng hiện nay chủ yếu tập trung vào hàng tiêu dùng trong khi tỷ trọng của nhóm này rất thấp, chỉ chiếm 8,8% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Nói cách khác, đối tượng cần tập trung chưa trúng nên không có mấy tác dụng.
Nhìn vào biểu nhập khẩu 3 tháng qua cũng có thể thấy tốc độ tăng cao nhất đều rơi vào nhóm nguyên, phụ liệu, thiết bị. Điển hình là bông tăng 147%, sợi các loại tăng 127%, cao su 77%, phân bón 24%, giấy 2,8%, phôi thép 106 %, thép thành phẩm 12%, kim loại khác cũng hơn 100%...
Không chỉ tốc độ mà thực tế tỷ trọng của nhóm hàng này cũng chiếm tới 82,6% tổng kim ngạch nhập khẩu, gấp gần 10 lần nhóm hàng tiêu dùng. 3 tháng đầu năm, nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu (hàng cần nhập khẩu) đã tăng 35,3%.
Tới đây thì Bộ Công Thương có vẻ “bó tay” vì nhóm này là đầu vào chủ yếu của… đầu ra - xuất khẩu. Mà ai cũng biết, muốn hạ nhập siêu phải đẩy mạnh xuất khẩu, muốn đẩy xuất khẩu buộc phải tăng … nhập khẩu.
Điển hình cho câu chuyện này là ngành dệt may - ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Bên cạnh việc đóng góp lớn nhất kim ngạch cho xuất khẩu (không kể dầu khí), ngành này cũng có “thành tích” rất lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm.
Ông Nguyễn Tiến Trường, Phó TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam dẫn chứng, để xuất khẩu được 1,46 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm, dệt may này đã phải chi tới 991 triệu USD nhập bông, vải, sợi, nguyên phụ liệu.
Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực nhưng cũng đóng góp chủ lực cho kim ngạch nhập khẩu vì lệ thuộc nguyên phụ liệu nhập về- Ảnh Phan Hùng |
Tương tự, theo ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội giấy, 60% nguyên liệu sản xuất của ngành giấy phụ thuộc nhập khẩu, mỗi năm, bột giấy nhập 100 triệu, giấy loại 200 triệu USD.
Các ngành xuất khẩu mũi nhọn khác cũng trong tình trạng như vậy. Thậm chí ngay cả nhóm nông – lâm thủy sản vốn được cho là thế mạnh của Việt Nam cũng phải nhập nguyên liệu như điều, gỗ, thủy hải sản….về phục vụ cho xuất khẩu.
Rõ ràng, với cơ cấu phụ thuộc cả đầu vào lẫn đầu ra của nền kinh tế không khó hiểu vì sao dù Bộ Công Thương tìm đủ mọi cách, nhập siêu vẫn tăng đều đặn suốt hơn 20 chục năm qua.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cũng thừa nhận “với tình hình xuất nhập khẩu những tháng đầu năm, việc thực hiện mục tiêu kiềm chế nhập siêu năm 2010 ở mức 20% kim ngạch xuất khẩu, tương đương nhập siêu 12,2 tỷ USD là rất khó đạt”.
Đề xuất thì nhiều, hiệu quả rất thấp
Dù gần như năm nào cũng bị “xới lên” để tìm giải pháp chống nhập siêu nhưng rất ít giải pháp đã đề xuất được thực hiện triệt để, tới nơi tới chốn.
Đơn cử, để giảm nhập siêu, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lên danh mục các mặt hàng máy móc trong nước đã sản xuất được, kiểm soát nhập khẩu vật tư máy móc thiết bị toàn bộ.
Nhưng ông Ngô Văn Trụ, Phó Vụ trưởng Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho biết, việc kiểm soát chưa hiệu quả. Cụ thể, nhiều bộ phận điều khiển của nhà máy nhiệt điện, máy biến áp dùng trong các nhà máy điện.... trong nước đã sản xuất được nhưng vẫn phải nhập.
Chẳng hạn, máy biến thế 500 KV cách đây 5 năm trong nước chưa sản xuất được nên cho nhập với mức thuế ưu đãi 5% nhưng giờ vẫn duy trì mức thuế đó dù sản xuất nội địa đã đáp ứng được khiến biến thế Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam. Hệ thống thiết bị của các nhà máy nhiệt điện cũng phần lớn là hàng Trung Quốc do họ thắng thầu thi công và “thầu” luôn khâu cung cấp thiết bị, thậm chí cả nhân công.
Các Hiệp hội, doanh nghiệp cũng tỏ ý bức xúc vì lý do tương tự như ngành giấy, hóa chất, thép… đều trong tình trạng công suất trong nước dư thừa nhưng không hiểu sao vẫn cho nhập khẩu ồ ạt.
Cũng liên quan đến những giải pháp “nói nhiều hơn làm” là phát triển công nghiệp phụ trợ. Ông Huỳnh Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho rằng, để kiểm soát nhập siêu ngoài biện pháp thương mại, điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề vẫn là Chính phủ cần ban hành nghị định về quy hoạch, phát triển công nghiệp phụ trợ để chủ động về nguyên phụ liệu.
Buồn là đề xuất của ông Thắng chẳng hề mới. Nó đã có trên bàn các vị làm quy hoạch hơn một thập kỷ. Vậy là mỗi khi muốn cản nhập siêu lại đụng rào cản nguyên – phụ liệu mà nguyên phụ liệu thì phải chờ… phát triển công nghiệp phụ trợ. Còn phát triển công nghiệp phụ trợ đang tiếp tục chờ… phê duyệt.
Rõ ràng, hạn chế nhập siêu không phải là câu chuyện một sớm, một chiều nhưng nếu không bắt tay vào thực hiện ngay các đề xuất đã có một cách triệt để và tới nơi tới chốn thì khó mà có thể giải được bài toán nhập siêu.
-
Phan Hùng