- Chiều 10/2, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Theo đó, tỷ giá mới bắt đầu áp dụng từ ngày 11/2 là 18.544 đồng/USD.
Mức giá ngày tăng rất mạnh so với giá của ngày 10/2 là 17.941 đồng/USD. Đây được cho là một động thái khá bất ngờ. Giải thích điều này, Ngân hàng Nhà nước giải thích, điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng là nhằm cân đối hài hoà cung - cầu ngoại tệ, tăng cường sự lưu thông trên thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát nhập siêu và ổn định kinh tế vĩ mô.
USD tiếp tục tăng giá. (ẢNh: vnas) |
Sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng đã đồng loạt tăng tỷ giá giao dịch. Mức giá phổ biến đã lên đến mức 18.495 - 18.800 đồng/USD (mua vào và bán ra). Đây có thể coi là mức giá giao dịch USD cao nhất từ trước đến nay trong hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó, trên thị trường tự do, giá USD cũng có biến động đáng kể, lên mức 19.300 - 19.600 đồng/USD (mua vào và bán ra), tăng 300 đồng so với ngày 10/2. Tuy nhiên, theo các chủ đại lý, mức giá có thể sẽ biến động mạnh trong ngày hôm nay.
Cùng với điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi tối đa bằng USD của tổ chức kinh tế tại tổ chức tín dụng.
Cụ thể, kể từ ngày 11/2, mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng đôla Mỹ của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng) tại tổ chức tín dụng tối đa là 1,0%/năm.
Với quyết định này, theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một bước đi lớn để ứng phó với những biến động của USD có thể gây khó khăn cho nền kinh tế trong năm 2010.
Tăng tỷ giá khiến giá USD đến gần với giá trị thực sẽ khiến cho tình trạng găm giữ đôla giảm, tình trạng thiếu USD sẽ được tháo gỡ. Đây là một bước đi tất yếu khi các cân đối ngoại tệ trong năm 2010 của Việt Nam được dự báo là sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
-
Phước Hà