- Dù tăng 6,8% nhưng giá điện Việt Nam vẫn thấp nhất khu vực Đông Nam Á, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Hữu Hào, khẳng định sáng nay (26/2).
Không tăng giá điện theo giá khí
PV: Thưa ông, giá điện tăng lên một phần do giá than tăng theo lộ trình thị trường hóa. Tương tự như than, sắp tới, giá khí cũng tăng thì liệu giá điện năm nay có tăng tiếp nữa không?
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Giá điện từng bước theo cơ chế thị trường và sẽ được điều chỉnh theo các thông số chi phí đầu vào thay đổi. Ở thời điểm này, giá khí chưa tăng nên chúng tôi chưa thể tính ngay được giá điện sẽ tăng thế nào.
Bộ Công Thương khẳng định giá điện của Việt Nam vẫn thấp nhất khu vực. (Ảnh: Phạm Huyền) |
Tuy nhiên, nếu vài tháng tới, giá khí mà tăng lên thì việc điều chỉnh giá điện cũng sẽ lùi sang năm sau, vì theo Quyết định 21, mỗi năm, chỉ điều chỉnh giá điện một lần. Sẽ không có chuyện lại tăng giá điện một lần nữa ngay trong năm nay, kể cả giá khí có thay đổi.
Tiến tới sau 2012, có thể, một năm, Chính phủ cho phép điều chỉnh giá điện 2 lần, tương ứng mùa khô và mùa mưa. Ví dụ, mùa khô, các nhà máy phát điện dùng nhiều khí, nhiều than, giá thành đắt nên có thể giá điện tăng cao hơn, mùa mưa thì giá điện có thể giảm đi…
Tất nhiên, giá điện sẽ không điều chỉnh theo tuần, tháng liên tục như giá xăng được.
PV: Những người đi thuê nhà hiện nay bị bán giá điện gấp đôi, gấp ba, tới 2.500-3.000 đồng/kWh. Bộ có giải pháp gì để khắc phục hiện tượng này?
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Đương nhiên, tính giá điện như vậy là chủ nhà cho thuê đã làm sai. Chúng tôi sẽ giao cho các điện lực địa phương để kiểm tra gắt gao việc này.
Theo đúng chính sách của Nhà nước, các hộ thuê lâu dài từ 12 tháng trở lên thì cứ 4 người thuê thì được tính là một hộ gia đình, có thể lắp công tơ riêng và tính giá điện theo bậc thang bình thường. Người đi thuê nhà có thể thỏa thuận với chủ nhà để làm việc này.
Tăng giá bán lẻ, chưa đủ vốn làm điện
PV: Xin ông cho biết, giá điện mới tăng lên sẽ có ý nghĩa thế nào trong việc đầu tư đẩy nhanh các công trình điện?
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Tôi phải nói thật là ngay cả tăng giá điện với mức này, cũng không ăn thua so với nhu cầu vốn cần tới 29-30 nghìn tỷ đồng một nhà máy hiện nay, ví dụ như thủy điện Lai Châu, thủy điện Sóc Trăng…
Nếu tăng lên 1.058 đồng/kWh, với tỷ giá trên 1.900 đồng/USD hiện nay thì giá điện của chúng ta vẫn chưa tới 6 cent/kWh, chỉ ở mức 5,54 cent/kWh.
Các công tơ điện sẽ phải được chốt đúng thời hạn. (Ảnh: P.H) |
Trong khi đó, hầu hết nhà đầu tư đếu tính giá bán điện cho EVN tối thiểu lên tới 6,8cent/kWh, vượt cả giá điện mà EVN chỉ được bán cho người dân hiện nay là 5,3 cent/kWh.
Vì vậy, kể cả khi tăng giá như vậy, nhưng tính theo ngoại tệ còn chưa đến 6 cent/kWh thì ngành điện cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút được các nhà đầu tư.
Thông thường, trong một dự án đầu tư điện thì vốn vay chiếm tới 70%, vốn chủ sở hữu chỉ có 30%. Nếu dự án không hiệu quả thì ngân hàng không cho vay vốn, coi như dự án đổ bể.
Tuy nhiên, khi có lộ trình điều chỉnh rõ ràng hàng năm thì chính sách đó có ý nghĩa khuyến khích được các nhà đầu tư yên tâm làm điện.
PV: Thưa ông, giá điện của Việt Nam sau khi tăng, so với các nước trong khu vực hiện nay như thế nào?
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Tôi xin khẳng định là, với mức giá 5,54 cent/kWh thì giá điện của Việt Nam vẫn thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á, trừ một số khu vực của Lào.
Ví dụ, giá điện bình quân của Campuchia là 17,68 cent/kWh, Indonesia là 6,77 cent/kWh, Malaysia 6,7 cent/kWh, Philippines 17,5 cent/kWh, Singapor: 13,07 cent/kWh, Thái Lan 8,5 cent/kWh.
Nếu chúng ta phát điện chạy bằng dầu thì giá còn cao hơn. Chỉ có thủy điện giá rẻ hơn khoảng 3-4 cent/kWh, nhưng thủy điện đã hết nguồn.
Áp lực tăng giá điện vẫn còn lớn "Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí đã đề nghị tăng giá khí phát điện, áp dụng ngay từ ngày 1/4 tới. Nếu tăng như vậy, EVN sẽ phải chi thêm 1.200 tỷ đồng. Vì vậy, chúng tôi đã xin Chính phủ hoãn lộ trình tăng giá khí này lại. Hiện nay, áp lực số dư chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, do giá USD tăng, lên tới 11.000 tỷ đồng. Vì các khoản vay của EVN đầu tư làm điện cũng là bằng USD." Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN |
Sẽ giám sát việc tăng giá tát nước theo mưa "Việc tăng giá điện bây giờ là bình thường, sẽ làm thường xuyên hàng năm, theo chính sách thị trường hóa điện. Vì vậy, Bộ Tài chính sẽ có giải pháp để kiểm soát thị trường “hậu” tăng giá điện. Cụ thể, sẽ theo dõi sát sao cả khu vực sản xuất và tiêu dùng. Nếu ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tương giải pháp thích hợp. Thứ hai, chúng tôi sẽ đẩy mạnh, kiểm tra trên thị trường, chống lợi dụng theo kiểu tát nước theo mưa và sẽ xử lý nghiêm nên có hiện tượng tăng giá “ăn theo” giá điện bất hợp lý." Ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính |