- Trong năm 2010, thị trường nhà đất sẽ là cuộc giằng co quyết liệt giữa một bên là các chủ đầu tư và đại diện bán hàng với một bên là người mua hàng.
Thị trường đi xuống vì… tâm lý
Sau khi các chủ đầu tư tung hàng ào ạt ra thị trường, thị trường bất động sản (BĐS) đã quay ngoắt 180 độ, do dư cung. Trên thị trường, giờ không còn cảnh người mua hàng tranh cướp nhau mua hàng bằng mọi giá nữa.
Nguồn cung căn hộ có nhiều, nhưng các chủ đầu tư không chịu hạ giá bán khiến người dân có nhu cầu vẫn phải tiếp tục thăm dò. (Ảnh: Trọng Tuyến) |
Để giữ giá và không để thị trường rơi vào cảnh đóng băng, nhiều chủ đầu tư đã thực hiện chiến lược bán hàng nhỏ giọt và có những hình thức tiếp thị mới tới khách hàng để kích thích thị trường.
Hiện, đa số chủ đầu tư có hàng bán ra tại thời điểm này đều kéo dài thời gian đóng tiền mua nhà cho khách hàng.
Chẳng hạn, sản phẩm tại Khu đô thị Dương Nội của Nam Cường, dự án Tricon, Mulberyland hay Indochina Plaza Hà Nội… để bán được hàng, chủ đầu tư đều có chính sách kéo dài thời hạn nộp tiền rất linh hoạt cho khách hàng.
Tuy nhiên, dù đã tạo điều kiện… hết cỡ để khách có thể mua hàng. Nhưng, do hầu hết các chủ dự án đều không có chính sách giảm giá bán nên lượng người đến mua hàng vẫn rất ít.
Cũng trong thời điểm này, ngân hàng đã có những động thái thắt chặt cho vay đầu tư BĐS và tăng lãi suất khiến thị trường nhà đất càng trầm lắng.
Ông John Gallander, Giám đốc chi nhánh Kninght Frank Việt Nam, công ty tư vấn và định giá BĐS uy tín hàng đầu thế giới của Anh quốc cho rằng: xu hướng tăng lãi suất ngân hàng tại Việt Nam dẫn đến nguồn cung BĐS và nhu cầu người mua bị ảnh hưởng.
Phân tích sự đi xuống của thị trường BĐS Hà Nội hiện nay, ông John cho biết: thị trường tài chính có 3 thị trường chính là vàng, chứng khoán và BĐS. Nếu một trong 3 thị trường có vấn đề thì nhà đầu tư ngay lập tức sẽ chuyển sự chú ý sang thị trường khác.
Nhưng hiện tại, cả ba thị trường này tại Hà Nội đều trầm lắng. Nguyên nhân của tình trạng này chính là yếu tố tâm lý của nhà đầu tư chưa sẵn sàng và họ đang chờ đợi một sự thay đổi nào đó để tiếp tục nhập cuộc.
Ông Trần Như Trung, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường của Savills Việt Nam cũng cho biết: Xu hướng của nhà đầu tư là họ chỉ nhập cuộc khi thị trường có dấu hiệu đi lên. Vì lúc ấy lợi nhuận và khả năng quay vòng đồng vốn là nhanh nhất.
Vì vậy, chừng nào nhà đầu tư còn chưa sẵn sàng nhập cuộc thì thị trường BĐS còn điều chỉnh và chưa thể thoát khỏi cảnh ảm đạm.
Được đặt vào vị trí "trung tâm", người mua nhà hiện nay có nhiều lựa chọn để tìm được cho gia đình một nơi sinh sống tốt hơn. (Ảnh: Trọng Tuyến) |
Dòng tiền vẫn trong dân
Trong năm 2010, nguồn cung BĐS vẫn tiếp tục tăng và nhu cầu mua nhà đất của người dân vẫn rất lớn. Thế nhưng, người có tiền và có nhu cầu dường như chưa sẵn sàng cho việc đầu tư vào mua BĐS, ngay cả khi họ có rất nhiều cơ hội và điều kiện chọn hàng.
Nhiều chuyên gia BĐS nhận định, thị trường BĐS năm 2010 sẽ là cuộc giằng co quyết liệt giữa một bên là các chủ đầu tư, các đại diện bán hàng và một bên là người mua hàng.
Chính việc làm sao để lôi kéo khách hàng đến mua sản phẩm của mình đã khiến các chủ đầu tư luôn phải đặt khách hàng ở vị trí trung tâm. Vì vậy, ngoài việc đảm bảo những cam kết về chất lượng, tiến độ công trình, chủ đầu tư còn phải có những chiêu cạnh tranh mới lạ, hấp dẫn.
Ông Trần Như Trung cho biết, trước kia, thị trường chỉ có vài mặt hàng đơn điệu, chủ yếu căn hộ cao cấp, trong khi nhu cầu thị trường rất lớn nên sản phẩm có bao nhiêu, giá cả thế nào, chất lượng có tốt hay xấu, chủ đầu tư cũng bán được hết hàng.
Nhưng tình hình hiện nay đã khác. Rất nhiều chủ đầu tư đã tìm đến nhà tư vấn trước khi thực hiện dự án hoặc trước khi dưa hàng ra bán ngoài thị trường.
Bởi, muốn dự án thành công và bán được hàng, chủ đầu tư phải biết đối tượng khách hàng của mình là ai, nhu cầu của họ cần những gì và phương thức bán hàng sẽ ra sao…
Ông Trung cho biết thêm: Hiện nay, người mua BĐS có xu hướng chọn mua những sản phẩm được thiết kế tốt, chất lượng đảm bảo, có không gian sống an toàn, thân thiện với môi trường và đảm bảo sự đồng bộ của hàng loạt cơ sở hạ tầng khác.
Vì vậy, nói khách hàng có nhu cầu mua thật, nhưng không phải trên thị trường, có cái gì họ cũng mua.
Từ năm 2010 đến năm 2012, cả nước sẽ có rất nhiều dự án BĐS đưa hàng bán ra thị trường. Thế nhưng, theo ông Trung, có rất ít dự án trong số đó, chủ đầu tư có những nghiên cứu bài bản về khách hàng. Vì vậy, khả năng thành công của những dự án này rất thấp. Những dự án như thế chỉ "ăn may" bán được hàng, nếu thị trường có những nhân tố đột biến.
Trong khi, nền kinh tế trong nước, đặc biệt Hà Nội vẫn đang trên đà tăng trưởng, với mức tăng trưởng khá cao thì thị trường chứng khoán và BĐS lại ảm đạm và tiếp tục đi xuống.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, khi các thị trường tài chính ảm đạm, không có giao dịch thì dòng tiền vẫn còn đang luẩn quẩn trong dân chúng.
Nếu thực sự dòng tiền vẫn đang nằm trong tay người dân và vì yếu tố tâm lý, người dân vẫn tích trữ, chưa dám đầu tư vào đâu thì đó chính là cơ hội tốt để các chủ dự án BĐS có thể kiến tạo lại dự án, phát triển thị trường và lôi kéo được lượng khách hàng nhất định đến với những dự án của mình.
-
Trọng Tuyến