221
442
Thị trường
kinhte
/kinhte/
1260513
Mứt Tết làng nghề... "mất ngọt"
1
Article
null
Mứt Tết làng nghề... 'mất ngọt'
,

- Chậm, ế, không bán được, hàng tồn đọng nhiều đang là thực tế ở nhiều cơ sở sản xuất mứt bí, dừa, lạc thuộc làng nghề Xuân Đỉnh. Cảnh sa sút này đối lập với không khí cấp tập, sản xuất không kịp cung ứng của các doanh nghiệp lớn.

Bức tranh đối lập

Tại cơ sở Tây Hồ, chuyên sản xuất mứt bí, mứt dừa thuộc thôn Đông, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, hàng tấn bí rừng được tập kết trước sân nhà với khoảng chục nhân viên ngồi nạo vỏ, sơ chế, thái miếng.

Mô tả ảnh.
Sản lượng đưa ra thị trường tháng Tết, trước thường ở mức hàng chục tấn thì hiện chỉ còn 3-4 tấn. (Ảnh: N.N)

Trong xưởng chế biến cách đó vài bước chân, một số lao động khác làm công đoạn ngâm rửa, nấu mứt trong các bồn, bể, trên dây chuyền sản xuất thủ công, thô sơ.

Không khí làm việc khá tất bật, nhưng theo bà Nguyễn Thị Hòa - chủ cơ sở, sản xuất năm nay đã sút kém đi trông thấy.

Trước đây, trong làng có 150 hộ làm mứt bí thì nay, con số này chỉ còn 20-30 hộ. Ngay sản lượng đưa ra thị trường của cơ sở trong 2 tháng Tết, trước thường ở mức hàng chục tấn thì hiện chỉ còn 3-4 tấn.

Tương tự ở mặt hàng mứt lạc, những người lâu năm trong nghề nhẩm tính, lúc cao điểm cách đây vài ba năm, ở khu vực này có khoảng ba chục cơ sở sản xuất, nhưng nay không làm ăn được, nhiều hộ phải đóng cửa, chuyển nghề, số trụ lại hiện chỉ còn 5-6 hộ.

Dù đang vào đợt bán hàng lớn nhất trong năm song chủ cơ sở bánh mứt kẹo cổ truyền Đỗ Thế Gia - ông Đỗ Mạnh Thế không lấy làm phấn khởi gì khi sản lượng 30 tấn mứt lạc cho vụ Tết của nhà ông vẫn còn đầy ứ trong kho.

“Mọi năm, làm đến đâu, bán hết đến đấy nhưng năm nay rất chậm, hàng hầu như chưa xuất bán được bao nhiêu. Tình hình rất khó khăn” – ông Thế nói.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Nhà xưởng đơn sơ, dây chuyền sản xuất thủ công. (Ảnh : N.N)

Đến đơn vị được cho là “điểm sáng” nhất tại đây về quy mô sản xuất, dây chuyền công nghệ là Công ty TNHH Phát Việt, tuy tình hình kinh doanh thông suốt nhưng sản lượng mứt lạc cung ứng ra thị trường qua dăm ba năm nay gần như không thay đổi, trung bình ở mức 100 tấn/vụ/năm.

Như vậy, mức độ tăng trưởng về sản lượng năm sau so với năm trước của đơn vị gần như không có. Trong khi đó, thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất lớn như Bánh mứt kẹo Hà Nội (Hanobaco), Hữu Nghị cho thấy, hầu hết đều tăng sản lượng rất cao so với năm trước mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu.

Đại diện Hanobaco, chị Phương Ngọc cho biết, sản lượng mứt Tết các loại đưa ra thị trường năm nay đã tăng tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng do các đại lý bán buôn, nhà phân phối lớn tiếp tục gọi hàng cho nên giờ này, nhà máy vẫn phải tiếp tục nhập nguyên liệu, tăng ca sản xuất.

Còn tại Hữu Nghị, hơn 80% sản lượng kế hoạch trong 1.000 tấn mứt tết đã được đưa ra thị trường. Trong đó, điểm đáng chú ý năm nay là lượng đặt, nhập hàng rất lớn và liên tục từ các hệ thống phân phối hiện đại.

Đơn cử, hệ thống siêu thị Metro đã tăng gấp đôi lượng nhập hàng so với năm ngoái, chuỗi Hapro Mart cam kết doanh số bán hàng ban đầu hơn 800 triệu đồng hay BigC, Fivimart, Thái Hà… liên tục nhập bổ sung hàng.

Chộp giật… đứt hơi

Không chỉ các hệ thống phân phối lớn mới chọn những mặt hàng có thương hiệu, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ để cung ứng đến tay người tiêu dùng, mà ngay giới kinh doanh tại các cửa hàng nhỏ lẻ ở Hà Nội hiện cũng góp phần tẩy chay hàng kém chất lượng.

Chị Thu Nga, chủ shop kinh doanh thực phẩm tại chợ Vĩnh Hồ, quận Đống Đa cho biết, do người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong vấn đề an toàn thực phẩm nên hàng Tết năm nay, nhà chị không dám buôn các loại mứt tết gia công, không có thương hiệu, thậm chí cả bánh kẹo bán cân như các năm trước.

“Giá rẻ không còn là yếu tố quyết định để người dân chọn mua sản phẩm như trước. Ngay cả hàng hạt dưa, hạt hướng dương vừa qua có thông tin mất an toàn từ báo đài, tôi cũng tuyệt không kinh doanh vì có nhập về bán cũng không ai mua…” – chị nói.

Đây cũng là tình hình chung khi hàng mứt Tết không có thương hiệu nói riêng năm nay vắng bóng hẳn trên các quầy kệ tại các điểm kinh doanh bánh kẹo đầu mối như chợ Đồng Xuân, phố bánh kẹo Hàng Buồm…

Đặc biệt là bối cảnh giá nguyên liệu tăng vọt năm vừa qua, các đơn vị sản xuất nhỏ càng khó cạnh tranh hơn về giá so với các doanh nghiệp lớn nếu như muốn duy trì chất lượng.

Ghi nhận cho thấy, nếu như nhiều cơ sở sản xuất mứt bí, mứt lạc tại các làng nghề hiện đã tăng giá sản phẩm tối thiểu 50% so với cùng kỳ năm trước, có cơ sở tăng đến 100% do giá đường kính tăng gấp đôi cùng kỳ, thì mức tăng giá của các đơn vị sản xuất lớn dao động phổ biến từ 15-40%.

Mô tả ảnh.
Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ ở làng nghề Xuân Đỉnh đã và đang đứng trước nguy cơ không tồn tại nổi. (Ảnh: N.N)

Có thâm niên 20 năm trong nghề làm mứt lạc tại Xuân Đỉnh nhưng chỉ từ mùa bánh Trung thu năm 2009 trở lại đây, anh Đỗ Chiến Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Phát Việt mới thấm thía rằng, dù các yếu tố khách quan có tác động thế nào đến sản xuất thì những doanh nghiệp có thương hiệu và uy tín vẫn có lượng bán tốt.

Ngược lại, cơ sở làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, không có thương hiệu, đối phó về mặt chất lượng thì sớm muộn cũng không tồn tại nổi. Nhất là khi việc kiểm tra, rà soát của các cấp quản lý ngày càng mạnh mẽ, tiền nộp phạt có khi còn nặng hơn lợi nhuận thu được nếu làm ăn thiếu nghiêm túc.

  • Nguyễn Nga
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,