– Đảm bảo bình ổn giá trong dịp Tết cũng là giải pháp kiềm chế lạm phát quay lại, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu làm việc với UBND TP Đà Nẵng ngày 13/1 Ảnh: HC |
Ngày 13/1, tại buổi làm việc của đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu với UBND TP Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho hay, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu trong cả nước dự kiến tăng 10 – 20% vào dịp Tết sắp tới.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng lạc quan cho biết, nguồn cung về gạo hiện rất dồi dào.
Lượng gạo tồn kho của cả nước hiện khoảng 1,5 triệu tấn, trong khi miền Nam đã bắt đầu thu hoạch lúa Đông Xuân từ nay cho đến cuối tháng 3.
Do vậy, chắc chắn sẽ không xảy ra đột biến về nguồn cung mặt hàng gạo.
Nguồn cung thịt gia súc, gia cầm cũng khả quan do năm nay ít xảy ra dịch bệnh. Trong cả nước, lượng thịt bò tăng 14%, gia cầm tăng 12%, thịt heo tăng 14,5%... so với năm ngoái.
Tuy nhiên, do thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng nên giá thịt cũng sẽ có chiều hướng tăng. Bên cạnh đó, giá đường cũng sẽ tăng do giá thế giới đang ở mức cao và cả nước đang phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn…
Đánh giá tổng quan tình hình, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Canh Dần trên cả nước sẽ dồi dào hơn hẳn mọi năm, song vấn đề cần quan tâm nhất là phải đảm bảo bình ổn giá, không để xảy ra sốt giá hoặc biến động thị trường gây ảnh hưởng đến đời sống và việc mua sắm Tết của người dân.
Theo ông, việc giá cả tăng trong dịp Tết nhiều khi không phải do mất cân đối cung - cầu mà xuất phát từ yếu tố tâm lý. Đó cũng là bài học thấm thía mà cả nước từng trải qua trong cơn sốt gạo cách đây ít lâu, do tâm lý chạy theo tin đồn, theo phong trào của người dân, trong khi các ngành chức năng thiếu biện pháp xử lý kịp thời, linh hoạt.
“Chúng ta nói nhiều về bình ổn giá cả thị trường nhưng nếu không giao trách nhiệm cụ thể, đến lúc xảy ra biến động thì không biết ai chịu trách nhiệm. Không đảm bảo nguồn cung thì sẽ không cách gì bình ổn giá cả.
Đà Nẵng có cách làm hay là xác định 19 mặt hàng cần bình ổn giá trong dịp Tết, làm việc với các doanh nghiệp để họ chủ động chuẩn bị nguồn phục vụ và có sự hỗ trợ về vốn, chính sách. Đến nay đã chuẩn bị lượng hàng khá lớn hơn 140 tỷ đồng. Như vậy, nếu xảy ra biến động giá cả do đầu cơ hoặc các nguyên nhân khác thì ngân sách TP phải chi để bình ổn thị trường sẽ không nhiều!”– Phó Thủ tướng nhận định.
Ông nhắc lại kinh nghiệm điều hành giá xăng dầu: Chính phủ có Nghị định về bình ổn giá xăng dầu từ lâu nhưng mỗi năm vẫn phải bỏ ra 54.000 tỷ đồng để bình ổn giá.
Với cơ chế điều hành mới, Nhà nước nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu, yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo mức dự trữ trong khâu lưu thông, đồng thời tạo ra cơ chế để doanh nghiệp quyết định giá cạnh tranh với nhau.
Từ đó không chỉ tạo được sự bình ổn giá xăng dầu mà còn góp phần giảm ngân sách mà Nhà nước phải chi ra.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm này để áp dụng với các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết và hướng dẫn các địa phương thực hiện.
Ông nói: “Ở đây có liên quan đến vấn đề quy định quản lý Nhà nước. Khi mình quy định tốt, khoa học thì Nhà nước đỡ mất tiền, các doanh nghiệp có điều kiện tham gia bình ổn giá, đảm bảo nguồn cung, không để xảy ra sốt giá một cách không cần thiết!”.
Ông cũng nhấn mạnh, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là không để lạm phát quay lại. Việc bình ổn giá cả trong dịp Tết sắp tới cũng chính là giải pháp để kềm chế lạm phát. Chỉ cần sốt giá vài mặt hàng là tỷ lệ lạm phát sẽ bị đẩy lên ngay lập tức.
Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương phải rất chú trọng đến sản xuất vụ Đông – Xuân trong bối cảnh cả nước nhiều khả nặng bị hạn hán nặng. Nếu miền Nam được mùa mà miền Trung, miền Bắc thất bại vụ Đông – Xuân thì cũng không thể bình ổn giá gao được.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý về chương trình quốc gia phát triển chợ đầu mối và chợ vùng sâu, vùng xa. Do trước đây làm tràn lan, không hiệu quả nên chương trình đã dừng lại. Trong khi đó, việc phát triển hạ tầng thương mại là hết sức cấp thiết để đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
Do vậy, ông yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì cùng các bộ, ngành hữu quan rà soát từng dự án ở các địa phương, từ đó xây dựng cơ chế kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, có chính sách hỗ trợ về đất đai, lãi suất…
“Thị trường bán lẻ của chúng ta rất lớn, nhưng để khai thác và phát triển đòi hỏi phải gắn với hạ tầng thương mại.
Trong điều kiện chúng ta đã mở cửa theo WTO, nếu không kích thích được các thành phần kinh tế trong nước đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, đến khi nước ngoài vào nắm hết chỗ thì đừng nói gì đến bình ổn giá cả, chủ động thị trường!” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
-
Hải Châu