221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1252876
Thủ đô đói điện vì thiếu… lưới truyền tải
1
Article
null
Thủ đô đói điện vì thiếu… lưới truyền tải
,

 - Năm 2010-2011, Thủ đô Hà Nội đứng trước nguy cơ bị đói điện vì… không đủ trạm biến áp, đường dây tải điện về.

Địa bàn Hà Nội không có các nhà máy điện lớn. Do đó, lưới truyền tải điện từ các nguồn điện tại các tỉnh thành khác như Hoà Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang… đóng vai trò là nguồn cung cấp điện chính cho Hà Nội.

Theo quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội, giai đoạn 2006-2010, Hà Nội cần xây mới 6 trạm 220kV và 26 trạm 110kV, nâng công suất 1 trạm 220kV và 20 trạm 110kV. Đến năm 2010, công suất truyền tải của các trạm biến áp 220kV cho Hà Nội cần bổ sung là 1.625MVA và các trạm 110kV là 2.159MVA.

Mô tả ảnh.
Lưới điện phải ổn định, tin cậy mới đảm bảo cung ứng điện cho Hà Nội. (ảnh:theo Danang)

Mục tiêu trên cho thấy, lưới điện Hà Nội đến năm 2010 phải tăng thêm 86% công suất trạm 220kV và tăng thêm 82% công suất trạm 110kV.

Thế nhưng, báo cáo Bộ Công thương về hiện trạng cấp điện cho Hà Nội mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 100% các công trình 220kV trên và 83% lưới 110kV vẫn không được đưa vào vận hành. Các công trình này đã bị chậm tới 2-5 năm so với tiến độ trong qui hoạch.

Hệ lụy là, toàn bộ hệ thống lưới truyền tải hiện tại của Hà Nội đến nay bị quá tải nặng. Đây là lý do chính dẫn tới hàng loạt sự cố mất điện liên tục trên địa bàn Hà Nội đúng ngày nắng nóng đỉnh điểm, phụ tải tăng cao đột biến hồi tháng 6/2009. 

Cần 4.600 tỷ đồng cho lưới điện Hà Nội

Để triển khai các công trình lưới điện cấp bách cho Hà Nội năm 2010-2011, EVN cho biết nhu cầu vốn cần khoảng 4.600 tỷ đồng. 

Các công trình sẽ phải đảm bảo theo tiến độ đề ra. Cuối năm 2009, vận hành đường dây 500kV Quảng Ninh - Thường Tín, tháng 3/2010: lắp máy 2 trạm 500kV Thường Tín, tháng 3/2011: vận hành đường dây 500kV Sơn La - Hiệp Hoà và trạm 500kV Hiệp Hoà.

Trước tháng 6/2010, Hà Nội phải bổ sung lắp đặt  750MVA và trước tháng 6/2011 bổ sung 625MVA công suất các trạm 220kV.

Cuối năm 2011, đầu năm 2012, Hà Nội cần đưa vào vận hành trên 600MVA để đảm bảo cấp điện cho các năm tiếp theo. 

Ngoài ra, một loạt các đường dây, trạm biến áp 110kV tổng công suất 1.068MVA  cũng phải vận hành đồng bộ để nâng cao độ tin cậy cung ứng điện.

Hầu hết các công trình lưới truyền tải chủ chốt của Hà Nội đang phải gánh công suất quá lớn như trạm 500kV Thường Tín, ba trạm 200kV là trạm biến áp Chèm, Mai Động, Hà Đông. Lưới 110kV cũng tương tự. Hà Nội có 31 trạm 110kV thì 8 trạm đã đầy tải và 15 trạm quá tải.

Nhiều đường dây 220kV, đặc biệt là đường dây từ Thuỷ điện Hoà Bình về Hà Nội và hầu hết hệ thống đường dây 110kV từ các trạm 220kV tải điện cho nội thành cũng luôn phải vận hành căng thẳng. 

Trao đổi với VietNamNet, ông Bùi Duy Dụng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ vẫn là vướng giải phóng mặt bằng.

Có vô vàn lý do cho sự chậm trễ này. Ví dụ, các trạm 220kV Tây Hồ, Long Biên, Tây Hà Nội không thể vận hành trước 2010 là do vị trí trạm bị thay đổi, hoặc không thoả thuận được về vị trí xây trạm.

Các nhánh dây 110kV cấp điện cho trạm 110kV Linh Đàm, Trôi, Văn Quãng cũng không thoả thuận được tuyến đi. Các tuyến dây điện phải bám theo các đường giao thông theo quy hoạch của thành phố nên đã phải điều chỉnh tuyến nhiều lần, phụ thuộc tiến độ công trình giao thông.

Trường hợp trạm 220kV có thể vào đúng tiến độ năm 2010 như trạm Vân Trì, Thành Công thì đường dây cấp điện cho trạm này vẫn chưa biết khi nào sẽ vận hành.

Hiện nay, EVN đã đề xuất Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai các cơ chế ưu đãi để tháo gỡ nút thắt về mặt bằng cho các công trình lưới điện Hà Nội.

Cụ thể, Chính phủ cho phép UBND thành phố Hà Nội tạm cấp quyền sử dụng đất thuộc mặt bằng thi công công trình điện, hoặc có thể thoả thuận với chủ đầu tư về diện tích sử dụng đất cho công trình điện nếu diện tích này chưa có trong quy hoạch sử dụng đất. Sau đó, mọi thủ tục pháp lý sẽ hoàn thiện sau.

Ngoài ra, EVN cũng đề nghị Chính phủ xem xét bố trí nguồn vốn ưu đãi cho các công trình này.

Nếu như, các vướng mắc trên không sớm được giải quyết thì nỗi lo tái diễn “thảm cảnh” mất điện giữa những ngày nóng đỉnh điểm như hồi tháng 6/2009 của Hà Nội là chưa dứt. Hơn nữa, yêu cầu cấp điện tin cậy, ổn định là một nhiệm vụ quan trọng cho đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp tới.

  • Phạm Huyền

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,