- Hai tuần sau quyết định tăng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng loạt tăng lãi suất huy động lên kịch trần cho phép, 10,5%. Một mặt bằng lãi suất mới đã hình thành nhưng các ngân hàng vẫn chưa thoát khỏi nỗi lo thiếu vốn.
Kỳ hạn ngắn cũng kịch trần
Một ngày sau khi tăng lãi suất cơ bản, Ngân hàng Quân đội (MB) là ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất huy động VND và USD. Lãi suất của ngân hàng này đồng loạt tăng tăng từ 0,15%/năm đến 0,3%/năm. Mức tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 9,7%/năm. Mức lãi suất VND cao nhất của ngân hàng này là 9,85%/năm dành cho tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng. Mức lãi suất cao nhất của euro và USD là 3,5%/năm.
Tuy nhiên, chỉ một vài ngày sau, hàng loạt ngân hàng khác đã tăng lãi suất với mức mạnh hơn. Từ đầu tháng 12/2009, SHB đã điều chỉnh lãi suất. Theo đó, lãi suất trả hàng tháng ở các kỳ hạn trên 8 tháng tăng từ 0,15% đến 0,2%, lãi suất trả theo tháng cao nhất đạt mức 10,45%. Mức lãi suất cao nhất lên đến 10,49% với các kỳ hạn trên 9 tháng. Bên cạnh đó, lãi suất USD cũng được điều chỉnh tăng từ 0,4% đến 0,9%, mức cao nhất lên 4,5%.
Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất kịch trần. (Ảnh: Cẩm Tú) |
Mới nhất, Ngân hàng Tiên Phong tăng lãi suất lên mức cao nhất 10,45%/năm đối với huy động tiền gửi VND và 4,15%/năm đối với tiền gửi USD. Có thể thấy, đây cũng chính là mặt bằng lãi suất mới được thiết lập và cũng chính là những mức lãi suất rất cạnh tranh trên thị trường vào thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, trên thị trường, không ít các ngân hàng đã tạo nên những đỉnh lãi suất cao hơn, các ngân hàng này không ngần ngại sử dụng hết trần lãi suất cho phép trong những đợt điều chỉnh đầu tiên. Cụ thể lãi suất cao nhất của USD hiện đã lên mức 4,5% được các ngân hàng SHB, Maritime Bank áp dụng. Trong khi đó, lãi suất huy động VND cao nhất hiện nay là 10,5% của Navibank, Việt Á Bank. Thậm chí, cả những đại gia như Ngân hàng Ngoại thương cũng có mức lãi suất lên đỉnh là 10,5% cho các kỳ hạn 12 tháng.
Thống kê mới nhất của NHNN cho biết, sau khi tăng lãi suất cơ bản, một số NHTM đã tăng lãi suất huy động VND khoảng 0,7-1,3%/năm so với tuần trước, trong đó, một số NHTM quy định mức lãi suất cao nhất là 10,5%/năm. Tuy nhiên, sau đó, các NHTM đã điều chỉnh mức lãi suất cao nhất xuống dưới 10,5%/năm để đảm bảo phù hợp với mặt bằng lãi suất thị trường. Lãi suất huy động USD áp dụng từ ngày 1/12/2009 với mức tăng khoảng 0,3-0,7%/năm, mức lãi suất huy động cao nhất đối với ngoại tệ này là 4,5%/năm (kỳ hạn trên 12 tháng).
Quan sát diễn biến tăng lãi suất của các ngân hàng từ ngày 1/12 cho thấy, họ lần lượt tăng lãi suất. Tuy nhiên, do cạnh tranh, những ngân hàng hàng công bố sau luôn tìm cách nâng lãi suất cao hơn hay thiết kế những sản phẩm huy động có những lợi thế để tăng tính hấp dẫn. Điều này cho thấy, các ngân hàng đang quan sát rất kỹ động thái của nhau. Tuy nhiên, với cách một số ngân hàng áp dụng là đưa thẳng lãi suất lên đỉnh cao nhất 10,5% thì khoảng trống để điều chỉnh của các ngân hàng gần như đã không còn.
Chưa thoát nỗi lo thiếu vốn
Khi lãi suất cơ bản chưa tăng, các ngân hàng than thở trần lãi suất khiến cho việc huy động và cho vay gặp khó, không phản ánh đúng thị trường và giá trị của đồng vốn. Các ngân hàng đều mong điều chỉnh lãi suất để tăng khả năng huy động vốn. Chính vì thế, ngay sau khi lãi suất cơ bản tăng, các ngân hàng như được cởi trói và lập tức tăng lãi suất. Tuy nhiên, tăng lãi suất không đồng nghĩa với việc vốn vào nhiều hơn.
Giám đốc nguồn vốn một ngân NHTM cho biết, lãi suất tăng nhưng lượng tiền huy động cải thiện không đáng kể. Hơn nữa, thời điểm cuối năm nhu cầu tiền mặt tăng cao, người dân và DN có xu hướng rút tiền chi dùng nhiều hơn là gửi vào.
Các ngân hàng đang khó khăn trong việc huy động vốn. (Ảnh: Cẩm Tú) |
Ông cho biết, quan sát trên thị trường hiện nay có thể thấy, lãi suất đang được tăng cao ở rất nhiều kỳ hạn ngắn. Điều này cho thấy, các ngân hàng đang có sức ép lớn về cân đối nguồn vốn. Thực tế này hoàn toàn phù hợp với công bố của NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng thường cao hơn nguồn huy động. Vì thế, đến nay các ngân hàng vẫn chưa thoát khỏi căng thẳng thiếu vốn.
Đại diện Ngân hàng Hàng hải thừa nhận, trong điều kiện các kênh đầu tư khác đã hút một lượng vốn nhàn rỗi lớn trong dân, nguồn tiền gửi tiết kiệm sẽ không dồi dào như trước. Nếu tăng lãi suất huy động lên nữa, chi phí sẽ đội lên, chênh lệch với đầu ra không nhiều, thậm chí chỉ đủ bù đắp chi phí nên các ngân hàng sẽ phải cân nhắc.
-
Phước Hà