Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thêm một lần lên tiếng về sự thua lỗ của Jetstar Pacific cũng như việc chưa đảm bảo đúng quy trình bão dưỡng máy bay tại hãng này. Thời gian qua báo chí nói nhiều về việc thất thoát vốn tại Jetstar Pacific Airlines (JPA), ông đánh giá thế nào về việc SCIC được giao quản lý phần vốn của Nhà nước ở Cty này lại làm mất hết phần vốn ở đây?
Từ ngày thành lập, năm 1991, JP mới là một Cty cổ phần, trong đó có phần vốn của Vietnam Airlines, tôi nhớ lúc đó là 86%. Khi ra đời và hoạt động, có lúc lỗ, có lúc lãi nhưng tổng thể mà nói đến năm 2005 là lỗ. Lỗ nghiêm trọng. Nếu nói cho đúng thì phải để cho nó phá sản.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh. |
Lúc bấy giờ, Chính phủ có bàn, muốn vực doanh nghiệp lên vì ít nhất cũng đã có thương hiệu, và muốn có sự cạnh tranh để hình thành cơ chế thị trường trong lĩnh vực hàng không. Khi đó Chính phủ giao cho Bộ Tài chính xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp.
Tôi có xem lại hồ sơ thì Bộ Tài chính có trình Chính phủ tái cơ cấu một bước, chứ chưa triệt để. Sau đó, năm 2006, SCIC ra đời và hồ sơ được chuyển cho SCIC quản lý.
SCIC lại tiếp tục cơ cấu JPA một lần nữa. Khi cơ cấu lại JPA có trình và Chính phủ cho phép tìm đối tác chiến lược nước ngoài để tái cơ cấu và vực doanh nghiệp dậy.
Trên nguyên tắc đó, SCIC đàm phán với Temasek và cho phép nước ngoài được mua tối đa 30%. Temasek thảo luận một thời gian sau thì bỏ. Sau một thời gian Quatas có đặt vấn đề và đồng ý mua 30% cổ phần tại JPA (lúc đó là 50 triệu USD).
Cho đến giờ phút này họ đã góp 45 triệu USD. Quá trình triển khai thực hiện, họ thuê tư vấn nước ngoài xây dựng phương án sản xuất kinh doanh đồng thời xây dựng bảng lương trên nguyên tắc có lãi. Dự kiến mức lãi lúc bấy giờ là từ 9 đến 27 triệu USD. Sau đó, quá trình thực hiện thì không được hiệu quả lắm.
Năm 2008, kinh tế rơi vào tình trạng lạm phát, giá xăng dầu tăng lên rất cao. Nhiều doanh nghiệp hàng không cũng bị ảnh hưởng. Các anh khác là hãng lớn nên họ vượt qua được còn JPA đang ốm yếu, vừa tái cơ cấu lại thì bị cú đó.
Cuối năm 2008, giá xăng dầu lên đến đỉnh thì lại làm nghiệp vụ Hedging xăng dầu. Làm nghiệp vụ này vô cùng rủi ro. Nghiệp vụ này cũng do HĐQT quyết.
Khi Hedging thời điểm đó, giá xăng dầu rất cao, 125 USD/thùng. Sau đó, đến quý I/2009 giá xuống thì lỗ thêm một cú nữa. Cú này có thể nói là cú knock-out, lỗ rất lớn.
Trước tình hình đó, tôi đã họp HĐQT và yêu cầu SCIC có văn bản gửi cho họ để có ý kiến về việc đó. Yêu cầu giảm chi phí, giảm tiền lương, giảm nhân công người nước ngoài. Lúc đó người nước ngoài được trả lương rất cao.
Sau đó, anh Tá (Tổng Giám đốc SCIC - PV) bay sang Úc để đàm phán với đối tác về chia sẻ chi phí đã lỗ đồng thời lập phương án tiếp tục vực Cty lên.
Tôi với tư cách Bộ trưởng cũng đã tiếp Giám đốc của Quatas toàn cầu và yêu cầu giải quyết việc này. Trước tình hình đó, tôi cũng có báo cáo cấp trên.
Khoản lỗ này ai phải chịu trách nhiệm, thưa ông?
Bây giờ phải làm rõ trách nhiệm, xem sai thế nào, ai sai trong từng việc một thì mới có thể khẳng định được.
Tôi đã rất nhiều lần đề nghị Ban lãnh đạo SCIC phải báo cáo lại. Tôi đã yêu cầu SCIC phải tìm lại toàn bộ hồ sơ giấy tờ và yêu cầu cung cấp các tài liệu xác định sai ở đâu, ai sai ai đúng.
Báo cáo thực tế cho thấy, hai phó tổng giám đốc người nước ngoài của JPA là người đã gây ra khoản lỗ 35 triệu USD khi thực hiện nghiệp vụ Heaging xăng dầu?
Tôi đang nói anh em phải đi tìm toàn bộ hồ sơ và các căn cứ từ trước đó để hoàn thiện hồ sơ về việc này. Sơ bộ thì SCIC đã có báo cáo lại.
Quy trình bảo dưỡng của Jetstar có vấn đề, các hợp đồng mua bán kỳ hạn bị thua lỗ liên tục khiến Cty này lỗ tới hàng chục triệu USD. Vậy người quản lý điều hành SCIC có báo cáo lại việc thua lỗ này cho HĐQT?
Đây chính là việc HĐQT SCIC đang yêu cầu báo cáo lại. Về vấn đề thua lỗ ở Jetstar Pacific, tôi cũng đang yêu cầu, mong muốn làm rõ ra, xem trách nhiệm thế nào.
Ở SCIC có ban kiểm soát hay không? Vai trò của cơ quan này như thế nào trong thời gian qua. Vì sao không phát hiện sớm những sai phạm báo cáo HĐQT để sớm giải quyết?
Hoạt động của Jetstar Pacific theo mô hình Cty cổ phần chứ không phải của Cty nhà nước. Ban kiểm soát của SCIC thì giám sát của các Cty nhận về và hoạt động của nó. Tôi cũng phải kiểm tra thêm.
Việc Jetstat Pacific chưa đảm bảo đúng quy trình bảo dưỡng máy bay là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua. |
Đến nay việc xác định trách nhiệm các cá nhân trong việc để thua lỗ ở Jetstar đã xác định đến đâu?
Do có yếu tố nước ngoài và phải căn cứ vào hợp đồng, điều lệ và rất nhiều việc nên vừa rồi, chính SCIC đã thuê tư vấn, luật sư quốc tế để làm rõ trách nhiệm. Thủ tướng cũng có chỉ đạo phải làm rõ việc thua lỗ. Việc này đang trong quá trình làm.
Ông có cho rằng, chính Tổng Giám đốc SCIC che giấu thông tin thua lỗ ở Jetstar với HĐQT?
Không. Các anh ấy báo cáo rất đầy đủ. Thậm chí báo cáo cả lên Thủ tướng. Các anh ấy không có ý đó đâu.
Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề để xảy ra thua lỗ ở Jetstar Pacific thực ra là liên quan đến Tổng Giám đốc Trần Văn Tá, sao ông Tá không lên tiếng mà lại tránh né để rồi Bộ trưởng và Phó Chủ tịch SCIC Hoàng Nguyên Học phải đứng ra giải trình thay?
Về hoạt động của đơn vị, không có vấn đề gì phải giấu giếm đâu. Thật sự cũng có tế nhị.
Có người đặt vấn đề SCIC trong thời gian qua quản lý hàng nghìn tỷ đồng và có thể liên kết với các ngân hàng để thu lợi từ việc đổ vốn vào các ngân hàng này dưới nhiều hình thức khác nhau? SCIC khi đó không cần kinh doanh cũng đủ hoàn thành nhiệm vụ?
Cái đó thì tôi có thể khẳng định có sự nhầm lẫn rất lớn. Tại sao lại khẳng định điều đó. Vốn đang nằm trong doanh nghiệp. Nếu có bán đi được thì anh mới lấy được tiền đó về. Khi bán đi thì có được bao nhiêu đâu.
Năm 2008 là năm thị trường suy giảm kinh khủng như thế mà vẫn bán được 1,7 lần. Đây là sự cố gắng lắm của anh em. Chúng tôi cũng muốn bán đi rất nhanh để lấy tiền về đi đầu tư. SCIC cũng đi đầu tư đấy chứ.
Còn số tiền gửi ngân hàng 838 tỷ đồng (tiền Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) mà báo chí nhắc đến là cái quỹ của Nhà nước, có ai được xơ múi đồng nào đâu.
Có người hiểu hình như ông này (SCIC- PV) trốn thuế. Phải nói số tiền 838 tỷ đồng đó là quỹ của Nhà nước. Ngày xưa Bộ Tài chính quản lý, sau đó có SCIC thì Thủ tướng giao giữ quỹ này. Còn chi khoản gì thì Thủ tướng quyết định. SCIC không được quyền động vào.
Khi phát sinh ra SCIC với chức năng kinh doanh vốn nhà nước cũng phát sinh cuộc tranh luận số tiền lãi từ quỹ này hạch toán vào đâu. Có ý kiến cho rằng, SCIC kinh doanh vốn thì phải tính vào phần thu nhập của SCIC. Có ý kiến thì cho rằng đây là tiền của Nhà nước gửi ngân hàng chưa dùng chứ không phải của SCIC.
Đây là tiền bán cổ phần ở các nơi. SCIC không được đụng vào một đồng nào cả, không có quyền gì cả, kể cả việc chi một đồng trong đó. Đây là khoản treo, nào ai dám động vào.
Theo Tiền phong