- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền cho rằng, việc bán nhà thông qua hợp đồng góp vốn đúng là có trường hợp lách luật. Còn đại diện Ủy ban Pháp luật thì nhấn mạnh, QH nên giám sát thường xuyên và có một chuyên đề về bất động sản.
>>> Bộ Xây dựng nói gì về hình thức góp vốn mua nhà?/ Bán nhà góp vốn, bí mật nào được công khai?/ Thổi giá nhà đất không chỉ... ’cò’ mới làm
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền (ảnh N.Nhung)
Liên quan đến "bong bóng" bất động sản tại Hà Nội có thể xì hơi bất cứ lúc nào do sự đẩy giá của nhà đầu cơ, thậm chí, do sự "tiếp tay" của chính các chủ đầu tư, ông Hà Văn Hiền nói với PV.VietNamNet rằng cần xem lại các quy định trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản.
"Tôi có biết chuyện này và trong quy định của mình còn những chỗ mà tất cả những chủ đầu tư, kinh doanh bất động sản không dại gì mà vi phạm cả.
Người ta đều căn cứ vào quy định của các văn bản, ngay tên gọi ’hợp đồng góp vốn’ hay ’hợp đồng bán nhà’ họ cũng đã xem xét kỹ", ông Hiền nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH lưu ý vấn đề là dự án đó là cấp mấy. Chẳng hạn, trong khu đô thị chung có dự án cấp 1, dự án cấp 2. Dự án cấp 1 là dự án đầu tư hạ tầng khu đô thị mới, dự án cấp 2 là dự án thành phần trong đó. Khi chủ đầu tư dự án cấp 2 làm nhà chung cư thì chỉ cần đóng cọc là họ có thể giao dịch rồi.
Ông Hà Văn Hiền cho biết, trong trường hợp này, phải xét xem chủ đầu tư có sai không. Theo ông, chủ đầu tư luôn dựa vào văn bản của Nhà nước và họ không dại gì vi phạm cả vì cái đó không giấu được.
"Việc lách luật đúng là cũng có. Hiểu như thế nào là xây móng, đóng 1 cái cọc cũng là xây móng. Nếu người ta lách luật không sai thì luật không cấm. Còn cơ quan nhà nước thấy rằng việc đó phải có chính sách thì ta lại phải xem xét, sửa luật".
Tuy nhiên, nhận xét về đầu cơ nhà đất, quan điểm của ông là trong thị trường, chuyện mua đi bán lại là bình thường. Nếu anh đầu cơ gây lũng đoạn thị trường thì nên dùng chính sách thuế để giải quyết, mà tới đây, Luật Thuế về Nhà đất có thể hạn chế điều này.
Ông cảnh báo, việc đưa ra một biện pháp hành chính là nên thận trọng, vì không nên để thị trường đóng băng, nhưng thị trường phát triển phải theo đúng quy luật vì còn bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng.
Thời gian vừa qua, giá nhà đất Thủ đô quá "nóng", theo ông, lỗi ở khách hàng cũng có. Họ bị lôi cuốn vào một làn sóng đầu tư lướt sóng bất động sản. Vấn đề đặt ra là khách hàng nên rất cẩn trọng khi giao dịch.
Nhờ hạ tầng phát triển nhanh và ăn theo "cơn sốt Splendora", giá nhà khu đô thị nằm trên đường Lê Trọng Tấn kéo dài tăng 10 triệu đồng/m2 (ảnh VNN).
Ông Phan Trung Lý, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cũng cho biết hiện còn lẫn lộn giữa khái niệm khu đô thị mới, khu chung cư nên bị lợi dụng, phải quán triệt kiểm tra, thanh tra.
Công việc này trước hết là Chính phủ, Bộ Xây dựng phải làm khi tổ chức thực hiện và kiểm tra thực tế.
Ngoài ra, các ủy ban của QH như Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính ngân sách nên giám sát, thậm chí giám sát thường xuyên và cũng nên có một chuyên đề về bất động sản.
Từ đó, có căn cứ phục vụ cho việc xây dựng, bổ sung sửa đổi một số quy định về pháp luật hiện hành cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới.
Trước đó, chuyên gia kinh tế, ông Đặng Hùng Võ, nhìn nhận, với nhà đầu tư nước ngoài, họ không bao giờ vi phạm luật pháp vì họ có đội ngũ luật sư rất vững. Nhưng họ là người tìm cho bằng được tất cả những lỗ hổng của luật pháp để lách. Bản chất các nhà đầu tư nước ngoài là như thế.
"Tôi đảm bảo không còn một kẽ hở nào của luật pháp mà nhà đầu tư nước ngoài họ chưa phát hiện. Ta để hổng pháp luật đó là tội của ta", ông nói.
Ví như, chế tài duy nhất Bộ Xây dựng đưa ra, quy định buộc chủ đầu tư phải bán hàng qua sàn. Còn hợp đồng góp vốn thì không bắt buộc qua sàn.
Vì vậy, dù đã hoàn thiện xong hạ tầng, họ vẫn bán hàng theo hình thức góp vốn thì pháp luật trong nước cũng không làm gì được. Ngay cả việc khi chủ đầu tư không bán hàng qua sàn thì bị xử lý ra sao, luật cũng không thấy nói. Cái này luật cần phải điều chỉnh, phải đề thêm ra các quy định.
-
Hà Yên