- Công ty kinh doanh vàng đang siêu lợi nhuận, còn nhà đầu tư gánh nguy cơ nhiều rủi ro, trao đổi với VietNamNet chiều 11/11, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả thị trường cảnh báo.
Ông đánh giá thế nào trước sự tăng giảm kỳ lạ của giá vàng hôm nay (11/11/2009)?
Giá vàng trong nước phụ thuộc hai yếu tố chính, do giá thế giới và do cung cầu. Tuy nhiên, ở yếu tố thứ hai, nó chịu tác động lớn của tâm lý của nhà đầu tư.
TS Ngô Trí Long (ảnh: VNN)
Vàng đang tăng lên rất vô lý, tăng cuồng phong. Hiện, giá vàng trong nước có lúc chênh lên 3-4 triệu đồng/lượng so với giá thế giới.
Trong nước, do nguồn cung có hạn, tâm lý một số nhà đầu tư cho rằng, đồng tiền đang mất giá nên họ đã đi rút tiền tiết kiệm đổ xô mua vàng nhằm đảm bảo giá trị tài sản.
Đặc biệt là hôm qua và hôm nay, một số thông tin đưa ra tác động rất nhanh tới thị trường. Một số công ty vàng đưa ra lời khuyên, không nên đầu tư ngắn hạn vì đầu tư vàng lúc giá cao là rủi ro. Nhưng họ cũng khuyên, nếu đầu tư dài hạn thì được. Dân tình nghe thế, cũng vẫn đổ xổ đi mua vàng để… đầu tư dài hạn. Như vậy, cầu về vàng tăng đột biến. Cung vẫn giữ nguyên. Điều này khiến cho giá vàng hôm nay đã tăng đột biết và quả là, không theo một qui luật gì cả.
Sự bát nháo trên thị trường hoàn toàn là do yếu tố tâm lý.
Theo ông, có điều gì đáng lo khi đi mua bán vàng và USD hiện nay?
Trong bối cảnh này, việc đầu tư vàng là nguy hiểm. Bởi vì, khi chúng ta cứ hi vọng lợi nhuận cao thì tất yếu, rủi ro sẽ rất lớn. Chưa bao giờ lại có cảnh, sáng giá 29 triệu đồng, 3h chiều rơi hẳn xuống 26 triệu/lượng, cách biệt 3 triệu đồng/lượng như vậy.
Thị trường vàng bát nháo, nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro (ảnh: Nguyễn Nga)
Cái gì cũng phải tương xứng nhau. Giá trong nước và giá thế giới phải là 2 cái bình thông nhau.
Hoặc như, khi giá USD tăng mạnh, lại có thông tin đồn rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ nới biên độ giao dịch từ 5% lên 10%. Tỷ giá liên ngân hàng tăng một chút nhưng giá USD chợ đen lại tăng mạnh. Tất cả là do yếu tố tâm lý tác động rất mạnh. Cuối cùng, Thống đốc Ngân hàng đã tuyên bố không có tăng biên độ.
Cứ 15 phút, giá vàng lại thay đổi, theo ông, ở đây, ai là người được lợi?
Người kinh doanh ở hiệu vàng chỉ là khâu trung gian, là cầu nối mua vào và bán ra. Do vậy, những người này càng kích giá lên thì càng được lợi. Hiện nay đang là tỷ lệ, cứ 10 nhà đầu tư, thì 9 anh mua, 1 anh bán, nên giá vàng mới nhảy như vậy.
Các công ty vàng dựa trên sự chênh lệch lượng bán lượng mua để quyết định công bố mức giá. Khoảng này rất rộng mà họ có thể phán đoán được. Họ có thể tính toán được bán lúc nào, mua lúc nào để không lỗ.
Tôi thấy, các nhà kinh doanh vàng này đang đạt siêu lợi nhuận. Nhiều người cũng nói, từ đầu năm đến nay chỉ có những công ty vàng là thắng lớn. Còn rủi ro thì rơi vào nhà đầu tư và đầu cơ. Tôi chỉ có thể nói, nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo, tránh tâm lý đám đông, nắm bắt thông tin cho chuẩn xác chứ đừng quyết định mà thiếu cơ sở thực tế.
Ông đánh giá ra sao về việc Ngân hàng Nhà nước cho nhập vàng trở lại?
Ngân hàng lại cho phép nhập vàng trở lại là một động thái ứng phó tình hình hiện nay. Có hai quan điểm về vấn đề này. Một là, người ta sợ nhập vàng sẽ dẫn tới nhập siêu, từ đó, dẫn tới thâm hụt thương mại lớn, ảnh hưởng cân đối vĩ mô. Nhưng cái quan trọng hơn, vàng cũng là một loại tiền tệ. Do đó, nhập vàng về thì nó không như dữ trự hàng hoá. Tôi cho rằng, các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước sẽ phải xin ý kiến Chính phủ để ổn định thị trường này trở lại.
Theo ông, các nhà quản lý nên hành xử thế nào để bình ổn thị trường trong giai đoạn này nhằm giảm bớt sự bát nháo?
Tốt nhất, phải tìm ra được nguyên nhân của nó là gì và phải xử lý theo nguyên nhân và chữa bệnh ở đó. Tôi thấy, nguyên nhân ở thị trường vàng hiện nay không phải do cung cầu căng thẳng, mà do yếu tố tâm lý là chủ đạo.
Múôn xử lý vấn đề này, chính sách tung ra phải linh hoạt, mềm dẻo và phù hợp cơ chế thị trường. Sẽ không thể dùng biện pháp hành chính được mà phải dùng các biện pháp kinh tế, để giải toả tâm lý thị trường. Việc này, không chỉ Ngân hàng Nhà nước làm mà phải có bộ ngành khác cùng tham gia…
-
Phạm Huyền (thực hiện)