- Gần đây nhất, giữa tháng 11, tiệm vàng Tuấn Tài (số 37-39 đường Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5, TP.HCM, có vốn điều lệ 100 tỷ đồng), đã bị vỡ nợ.
>>> Thoáng chốc của tiền tan bọt nước/ Tán gia bại sản vì môi giới/ Trắng tay với đòn bẩy tài chính/ Nước mắt nhà đầu tư
Hiện nguyên nhân chưa được ngành chức năng xác định rõ, nhưng thông thường hoạt động kinh doanh vàng thua lỗ thường nhằm vào hai nguyên nhân chính: một là đánh vàng tài khoản, hai là ký quỹ mượn vàng, gặp khi giá vàng biến động quá mạnh đã dẫn đến thua lỗ. Nếu đúng vậy, thì đây sẽ là một ví dụ kinh điển về sự khốc liệt của thị trường kinh doanh vàng tài khoản.
Thị trường đầy rủi ro
Về mặt lý thuyết, kinh doanh vàng tài khoản mang lại lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên đồng thời với đó, như đã nói ở các kỳ trước, rủi ro cũng sẽ rất cao do lạm dụng đòn bẩy tài chính. Với một lệnh đánh ngàn lượng, nếu giá biến động mạnh, chỉ trong một đêm nhà đầu tư có thể mất cả trăm triệu đồng.
Rủi ro thứ hai là biến động tỷ giá. Long, một nhà đầu tư trẻ, mở tài khoản 1,5 tỷ đồng trên sàn G. Anh bị dính lệnh bán khống 200 lượng, hiện lỗ gần tỷ đồng. Tuy nhiên điều khiến anh lo sợ là tỷ giá USD/VND liên ngân hàng cứ mỗi ngày mỗi nhích lên. Đã vậy, giá khớp lệnh trên sàn luôn luôn không trùng với giá quy đổi, có lúc chênh lệch đến 50.000 đồng/lượng. “Cứ cái đà khan hiếm đô-la này, nếu tỷ giá lại tiếp tục được tăng lên, thì hàng loạt tài khoản bị dính lệnh bán như hiện nay sẽ cháy sạch, vì số lỗ tăng lên rất nhanh”, Long lo lắng.
Rủi ro thứ ba, quan trọng hơn hết, là rủi ro pháp lý. Mới đây trong kỳ họp Quốc hội, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã nói thẳng là Thống đốc không hề cấp phép cho sàn vàng, và các sàn vàng đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Một quy chế về quản lý sàn vàng đã soạn và trình đến lần thứ 10 vẫn chưa đưa ra được.
Nếu ở lĩnh vực chứng khoán, có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có luật, khi giao dịch chỉ qua hai sàn duy nhất, cùng nhất quán về giá cổ phiếu tại một thời điểm, thì các sàn vàng hiện nay mỗi sàn là một đơn vị hoàn toàn độc lập, vận hành mỗi sàn mỗi khác, giá dao động của vàng của trên các sàn cũng không hề giống nhau. Các sàn vàng tự soạn thảo “luật chơi” riêng, trong đó luôn giành phần có lợi cho mình chứ không hướng đến quyền lợi của nhà đầu tư.
Vậy nên nếu có tranh chấp xảy ra, thì phần thua luôn thuộc về nhà đầu tư, vì chưa có luật nào bảo vệ họ. Đã có rất nhiều vụ việc khi xảy ra tranh chấp, hoàn toàn không có một chuẩn mực nào để căn cứ vào đó xác định lỗi của sàn vàng, hoặc tính được thiệt hại của nhà đầu tư.
Trong số họ, có nhiều người hoàn taòn không có kiến thức về kinh doanh vàng tài khoản; nhiều người không phân biệt được mình đang kinh doanh hay đánh bạc. Ảnh: Đặng Vỹ
Thua trên mọi phương diện !
Các sàn vàng mở ra vừa cho nhà đầu tư giao dịch, đồng thời sàn vàng cũng làm nhà cái, tức cũng trực tiếp giao dịch. Chủ sàn vừa quản lý tài khoản, nắm mọi thông tin của “đối thủ”, lại làm chủ công nghệ, nên có nhiều trục trặc xảy ra như treo lệnh, sập mạng… lại không chịu trách nhiệm, đổ lỗi cho sai sót của kỹ thuật hoặc nhân viên và không chịu bồi thường.
Nhưng khi nhà đầu tư đánh thắng, “nhà cái” cũng lại đổi lỗi là do sai sót kỹ thuật và không chịu trả tiền…. Thậm chí có nhà cái còn vào cả tài khoản của nhà đầu tư để xóa dấu vết, xóa lịch sử giao dịch, làm mất đi số lãi mà nhà đầu tư đã đánh thắng.
Theo cách hiểu của nhiều người, bản thân đồng tiền trên sàn không trực tiếp sinh lợi, mà nó chỉ chạy từ túi nhà đầu tư này sang nhà đầu tư người khác, và có tổng bằng không. Tuy nhiên thực tế không hề bằng 0, mà một số sẽ chảy vào nhà cái. Riêng khoản phí giao dịch và hoa hồng chính là một khoản thu rất lớn, nó như khoản tiền “xâu” ở các sòng bạc. Tuy nhiên sòng bạc “xâu” số tiền cố định theo ván đánh, còn ở đây khoản xâu sẽ tăng theo khối lượng đặt lệnh của nhà đầu tư.
Thông thường trên thế giới, các sàn chỉ thu phí giao dịch. Nhưng các sàn vàng trong nước lại thu thêm tiền hoa hồng (commision), tổng cộng bình quân khoảng 100 USD (tức gần hai triệu đồng) cho mỗi lệnh giao dịch đặt mua hoặc bán 1 lot (83 lượng). Nếu nhà đầu tư liên tục đặt lệnh, thì số tiền phí này liên tục tăng lên và thành một khoản rất lớn. Chính đây là điểm khiến nhiều nhân viên môi giới khi đánh giùm cho nhà đầu tư, vì tiền hoa hồng, đã xuống nhiều lệnh mà không kể đến tiền của nhà đầu tư đang bị thua lỗ.
Cứ như vậy, có thể thấy, trong lĩnh vực này, nhà đầu tư thua trên mọi phương diện.
Đầu tư hay đánh bạc?
Thực ra, giao dịch vàng, ngoại hối là thị trường cao cấp, cực kỳ hoàn hảo, chỉ có điều nhà đầu tư Việt Nam đã hành xử sai so với bản chất của thị trường này.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Văn, bản chất của việc mua vàng là các tổ chức như các quỹ, ngân hàng, và nhà đầu tư… cân đối các khoản đầu tư khác nhau để giảm thiểu thua lỗ nếu ở lĩnh vực nào đó đầu tư sai. Tuy nhiên, theo ông Văn, nhà đầu tư Việt Nam một mặt do không có sự hiểu biết thấu đáo, một mặt do lòng tham, muốn nhanh chóng có nhiều tiền, đã liều lĩnh bất chấp rủi ro, và từ đó đã đi đến hành vi đánh bạc.
“Bản thân thị trường này là một nơi để người ta trao đổi, mua bán, giải quyết các nhu cầu và kế hoạch đầu tư, kinh doanh, nhưng nhà đầu tư Việt Nam lại xem đó là nơi để đặt cược kiếm tiền”, ông nói. “Đó là một cách nhìn sai lạc. Từ cách nhìn sai lạc sẽ dẫn đến hành xử bị sai, và nhà đầu tư sẽ bị thua cuộc, mất tiền là đương nhiên”.
Đánh bạc hay đầu tư, đó là câu hỏi, là thắc mắc của nhiều người, và đã có nhiều cuộc tranh luận chưa ngã ngũ. Tuy nhiên theo chuyên gia này, đánh bạc hay đầu tư phụ thuộc vào hành vi của người tham gia thị trường, cụ thể hơn là việc sử dụng đòn bẩy tài chính có chừng mực hay không. Có rất nhiều người đánh với đòn bẩy rất lớn với ham muốn kiếm tiền nhanh, và thua liên tục, nhưng vẫn cho rằng mình là… nhà đầu tư!
“Cái khó nhất là loại hình kinh doanh này vẫn còn quá mới mẻ ở Việt Nam, nhà đầu tư hoàn toàn không được học về nghiệp vụ quản lý rủi ro, nên họ đã có sự lầm lẫn đáng tiếc. Vì vậy không những không thắng, mà sẽ còn thua đến đồng tiền cuối cùng trong thị trường này”, ông Trịnh Hữu Cường, nhân viên đại diện sàn ngoại hối FXDD, trên các diễn đàn lấy nickname là CuongFX, nhận xét.
Trong các thư giao dịch với khách hàng, phần cuối của email của mình, ông Cường đặt dòng cảnh báo của Hiệp hội Giao dịch Tương lai, nội dung cảnh báo rằng loại hình giao dịch này mang tính mạo hiểm và nmức độ rủi ro rất cao và không phải phù hợp với mọi đối tượng. “Nó là con dao hai lưỡi có thể giúp bạn kiếm lợi nhuận nhiều hoặc cũng có thể khiến bạn lỗ nặng…, có thể mất một phần hoặc toàn bộ vốn mà bạn bỏ ra” - trích dẫn.
-
Đặng Vỹ