- Tỷ giá USD liên ngân hàng tăng mạnh thời gian qua và liên tục xác lập các kỷ lục mới. Giá USD tăng trong hoàn cảnh kinh tế có nhiều biến động, lạm phát có nguy cơ quay trở lại… đã khiến nhiều người lo lắng. Báo giới đã tìm câu trả lời từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu về việc này.
Ông Nguyễn Văn Giàu nói rằng, giá USD tăng là chuyện bình thường. Ông cũng nói thêm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục điều hành diều hành thị trường ngoại hối và lãi suất linh hoạt trong mối quan hệ với các chỉ số giá tiêu dùng, cán cân thương mại, cán cân đầu tư theo hướng khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, ổn đinh kinh tế vĩ mô.
Sau nhiều lần khẳng định không tăng giá USD, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng khiến giá USD trên thị trường tăng mạnh. Ông có thể nói rõ hơn về sự điều chỉnh này?
Chúng ta đều biết, tình hình khủng hoảng toàn cầu tác động đến Việt Nam rất nghiêm trọng. Một số chỉ tiêu như xuất khẩu có thể giảm 9,9%, kiều hối có khả năng giảm 15 – 20% (nếu năm ngoài 7,2 tỷ USD năm nay chỉ còn khoảng 6 tỷ), số lượng khách du lịch quốc tế giảm thấy rõ, FDI chưa công bố nhưng cũng có xu hướng giảm. Thực tế này, khiến các bộ, ngành phải tìm các nguồn để bù đắp.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu. (Ảnh: Hồng Nam) |
Đối với thị trường ngoại hối, từ cuối năm ngoái, ngày 26/12/2008 chúng ta đã điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng tăng 3%, đây là bước chuẩn bị cho năm 2009 được dự báo có nhiều biến động. Đến 24/3/2009 chúng ta điều chỉnh biên độ thêm 2% lên 5%. Từ đầu năm, chúng ta cũng đã điều chỉnh tỷ giá dù chỉ 1- 2 đồng/phiên nhưng đến nay cũng đã làm tỷ giá đã tăng thêm 0,16%.
Như vậy, từ cuối năm ngoái, tỷ giá đã có 5,16%. Tuy nhiên, nếu so với lạm phát hiện ở mức 4,11% và dự báo đến cuối năm là 7% thì đây là những bước điều chỉnh phù hợp.
Cơ chế điều hành thị trường ngoại hối của chúng ta là không theo tỷ giá thả nổi và không theo tỷ giá cố định mà chúng ta điều hành linh hoạt và có sự điều chỉnh về mặt nhà nước. Từ đó có thể thấy, việc điều chỉnh lên trong thời gian qua là theo diễn biến thị trường. Thực tế, từ tháng 7 đến nay tính thanh khoản của thị trường ngoại tệ thì không còn khó khăn lắm, nhưng các ngân hàng cũng kiểm soát chặt chẽ việc mua bán.
Cũng có nhiều đề xuất đặt vấn đề tại sao không phá giá thêm nữa. Nếu phá giá nữa có lợi xuất khẩu nhưng giá USD cao không nhập khẩu được thì lại không phát triển sản xuất được. Giữa hai vấn đề đó là một bài toán phải cân đối.
Giá USD liên ngân hàng tăng liên tục thời gian qua. Ảnh: VNN. |
Tăng giá USD liên ngân hàng vượt quá 17 ngàn đồng đã khiến nhiều người lo ngại về sự biến động của thị trường dù trước đó Ngân hàng Nhà nước luôn nói điều hành chính sách ngoại tệ theo hướng ổn định, ông có thể giải thích rõ hơn điều này?
Chúng ta phải hiểu, ổn định ở đây là theo một xu hướng tức là không tuyên bố phá giá đồng tiền. Phá giá đồng tiền chỉ xảy ra khi nào chúng ta tăng giá USD quá 5% hay Chính phủ tuyên bố phá giá đồng tiền. Còn điều hành thực tế phải linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Chính phủ không bao giờ phá giá đồng tiền và không cho phép làm điều đó.
Vừa qua chúng ta điều chỉnh tăng 5-10 đồng hay thậm chí 20 – 30 đồng/USD trong mỗi phiên giao dịch là chuyện bình thường của thị trường. Nguyên tắc điều hành thị trường ngoại hối và lãi suất trong thời gian tới là linh hoạt trong mối quan hệ chỉ số giá tiêu dùng, cán cân thương mại, cán cân đầu tư, cán cân thanh toán quốc tế theo hướng khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô.
Hiện nay, kinh tế đã dần bước ra khỏi khủng hoảng và đã có những cảnh báo về nguy cơ lạm phát quay trở lại. Liệu Ngân hàng Nhà nước có tính đến chuyện tăng lãi suất cơ bản hay thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt?
Điều hành chính sách tiền tệ chúng ta phải nhìn từ cái gốc cơ bản của vấn đề. Việc tăng hay giảm lãi suất, hoặc tăng giảm dự trữ bắt buộc thể hiện chính sách thắt chặt hay nới lỏng tiền tệ. Nếu phát năm nay khoảng 7% như dự báo thì việc ngân hàng đưa lãi suất cơ bản từ 14% về 7% và giữ ổn định từ tháng 2 đến nay đã được chứng minh là rất phù hợp.
Nới lỏng chính sách tiền tệ là giảm lãi suất cơ bản xuống để lượng tín dụng tăng lên. Bên cạnh đó cùng với các chính sách hỗ trợ đã cung cấp thêm nguồn vốn với chi phí hợp lý giúp DN vượt qua khó khăn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn giảm dự trữ bắt buộc để giúp các ngân hàng có thêm vốn.
Từ nay đến cuối năm khả năng thắt chặt chắc là không nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục quan điểm điều hành chính sách linh hoạt nhưng rất thận trọng.
Tuy nhiên, hiện cũng có lo ngại về tăng trưởng tín dụng. Tôi xin cung cấp một vài con số để tham khảo, quý II tăng trưởng huy động vốn 10,65%, quý III còn 4,4%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng quý II là 12,45%, quý III tăng trưởng tín dụng giảm xuống còn 7,58%. Như vậy, khả năng tăng trưởng tín dụng nóng trong những tháng cuối năm khó xảy ra.
Tôi cho rằng chúng ta đã thành công trong việc kiểm soát chặt chẽ phương tiện thanh toán, tức là không đưa tiền cung ứng ra. Bởi vì nếu phát hành tiền ra thì chắc sẽ tác động mạnh tới lạm phát. Chúng ta thực thi chính sách nới lỏng nhưng điều tiết rất thận trong, từ tháng 2 tới nay có nhiều biện pháp thích hợp để hỗ trợ chứ không chỉ có nới lỏng theo kiểu hạ lãi suất để đẩy mạnh tiền ra.
Thưa ông, trên thị trường hiện nay, các ngân hàng đã tăng lãi suất rất mạnh nhưng khả năng huy động được vốn là không cao. Nếu tiếp tục giữ lãi suất cơ bản liệu có thể ra tình trạng thiếu vốn cho vay và thanh khoản các ngân hàng có vấn đề?
Chúng tôi cũng đã dự báo sẽ có những kêu ca về vốn thiếu. Nhưng chúng ta phải hiểu đây là cơ chế thị trường, các ngân hàng cho vay trên cơ sở huy động vốn.
Còn bây giờ nếu tính nâng lãi suất cao đến mức người dân bán tài sản để gửi vào ngân hàng cũng có thể được nhưng không phải là căn cơ vì nó làm cho giá thành cao hơn, không giải quyết được tính cạnh hàng hóa.
Hiện nay, khoảng cách đầu vào và đầu ra của ngân hàng đang tiệm cận rất gần với nhau. Tới tháng 8 chênh lệch chỉ còn 1,75%. Điều này buộc các ngân hàng phải tính toán trong kinh doanh, quản lý chặt nếu không sẽ phát sinh nợ xấu.
Chính phủ đang bàn bạc về gói kích cầu kinh tế thứ hai để hỗ trợ DN sau khủng hoảng. Ông có ý kiến đề xuất gì về các biện pháp hỗ trợ DN sau giai đoạn khủng hoảng?
Các giải pháp đã được một số bộ ngành đề xuất và Chính phủ hiện nay vẫn đang bàn bạc và chưa cụ thể theo phương án nào. Nhưng tôi đã có ý kiến với các thành viên Chính phủ rằng cái gì đã quyết định rồi thì cứ làm cho hết thời hạn thì dừng. Chính sách mới phải tính toán sao cho có lợi nhất cho nền kinh tế.
Tôi nghĩ. giai đoạn giải cứu đã kết thúc, hiện nay là giai đoạn thúc đẩy tăng trưởng và an sinh. Vậy, cái nào phục vụ tăng trưởng là nhắm vào mục tiêu tăng trưởng, cái nào phục vụ mục tiêu an sinh thì cũng làm cho rõ ràng, có địa chỉ, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách.
Hiện nay, chứng khoán đang tăng mạnh trở lại, ông có thể cho biết dự nợ cho vay chứng khoán. Và liệu có xảy ra tình trạng tiền hỗ trợ lãi suất chảy sang chứng khoán?
Cho vay chứng khoán đang tăng nhanh và so với đầu năm đã tăng khoảng 70%. Từ 6.880 tỷ bây giờ là 12.000 tỷ. Đây mới là số tiền cho vay chứng khoán được các ngân hàng thống kê và thực tế là tăng vào chứng khoán thật.
Còn những nguồn vốn nào chảy vào chứng khoán như nghi ngờ của dư luận thì phải tiến hành kiểm tra mới phát hiện được. Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra nửa tháng rồi. Đặc biệt, chú ý là kiểm tra khoản 100 ngàn tỷ đồng dư nợ cho vay theo lãi suất thoả thuận. Nếu phát hiện ra sai phạm sẽ xử lý.
-
Phước Hà