- Ba tập đoàn trụ cột về năng lượng quốc gia vừa kiến nghị Bộ Công Thương cần có cơ chế đặc thù trong việc đám phán giá mua bán đối với nhiệt điện dùng than nhập khẩu.
Đó là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Giá điện từ than nhập khẩu sẽ đắt đỏ
Ông Đậu Đức Khởi, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, hiện nay, EVN mua than nội của TKV để sản xuất điện chỉ phải trả 30USD/tấn. Đây là mức giá thấp hơn nhiều so với giá than nhập ngoại. Ví dụ, năm ngoái, than tại Indonesia có giá gốc lên tới 100USD/tấn, về tới Việt Nam là 120USD/tấn, đắt hơn than nội tới 4 lần.
Nhà máy nhiệt điện Uông Bí đang sử dụng than nội (ảnh: VNN)
Năm nay, giá than tại Indonesia đã hạ nhiều, khoảng 50-60USD/tấn song, cũng là gấp đôi giá than nội bán cho điện hiện nay.
Bản thân, giá nhiệt điện than bao giờ cũng cao hơn giá thuỷ điện. Do đó, trong tương lai, nếu các nhà máy nhiệt điện dùng than nhập thì giá điện đó sẽ không thể được như bây giờ, đắt hơn rất nhiều.
Ông Khởi lo lắng: “Chúng tôi cũng cảm thấy rất khó để đám phán được mức giá mua bán hợp lý với các chủ đầu tư. Lẽ dĩ nhiên, chúng tôi sẽ không thể mua cao, bán thấp, chúng tôi sẽ chỉ muốn đàm phán mua điện được giá rẻ.
Trong khi đó, EVN hiện là đơn vị duy nhất chịu trách nhiệm mua điện của các nhà máy để cung ứng cho toàn xã hội song, giá điện đầu ra lại do Nhà nước qui định”
Ông Khởi cảnh báo, ngày càng có nhiều đơn vị ngoài EVN tham gia nguồn nhiệt điện dùng than nhập. Nếu cơ chế đàm phán giá cho loại hình nhiệt điện này không được nghiên cứu sớm thì sẽ rất khó khăn sau này.
Những lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở. Hiện nay, các nhà máy nhiệt điện than vẫn đang dùng than nội và cũng đã xảy ra các vướng mắc trong quá trình đàm phán giá.
Ví dụ gần đây nhất là TKV và EVN đã không thể thống nhất sớm giá điện của nhà máy nhiệt điện Sơn Động khi TKV muốn bán ở mức giá 710đồng/kWh nhưng EVN thì chỉ có thể mua 678,4đồng/kWh. Nếu không, EVN sẽ chịu lỗ tới 173 tỷ đồng.
Cũng chung nỗi lo lắng này, ông Phùng Đình Thực, Phó Tổng Giám đốc PVN bày tỏ: Giá điện sản xuất từ than nhập khẩu chắc chắc sẽ cao hơn so với nhiệt điện dùng than nội hiện nay. Nếu vậy, các nhà máy than dùng than nhập chắc chắn sẽ khó khăn khi phải chào giá trong thị trường phát điện cạnh tranh.
Hiện nay, PVN được Chính phủ giao làm chủ đầu tư 3 dự án nhiệt điện than và sẽ vận hành từ năm 2013-2016.
Trên thực tế, theo lộ trình thị trường hoá, giá than bán cho các hộ tiêu dùng lớn thì không riêng thì giá than nhập khẩu, nhiệt điện sử dụng than nội cũng sẽ phải chịu mức giá tương đương.
Hiện nay, giá than bán cho điện ở mức 30USD/tấn vẫn là mức ưu đãi, bán dưới giá thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ông Trần Xuân Hoà, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TKV cho hay, năm 2010, giá điện theo thị trường và giá than bán cho điện cũng sẽ tăng theo thị trường. Dự kiến, giá than nội bán cho điện sẽ tăng lên ở mức không dưới 90% so với giá than xuất khẩu.
Điều này có nghĩa, giá thành của nhiệt điện than nội hay than ngoại trong tương lai sẽ tương đương nhau.
Trông chờ can thiệp
Cả ba tập đoàn cho rằng, Bộ Công Thương phải “cầm trịch” về việc đàm phán giá điện đối với loại hình nhiệt điện than này.
Từ năm 2012, nhiệt điện than trong nước sẽ phải dùng than ngoại (ảnh:tintucvina)
Kinh nghiệm vừa qua đã cho thấy, việc đàm phán giá mua bán điện giữa các chủ đầu tư ngoài EVN thường bị ách tắc, kéo dài mà điển hình là giữa TKV, PVN với EVN.
Như ông Phùng Đình Thực phân tích, nếu vấn đề giá điện này không thông suốt, qui hoạch điện 6 sẽ không hoàn thành được. Trong quy hoạch 6, số lượng các nhà máy nhiệt điện chiếm đa số. Các nhà đầu tư ngoài EVN có thể sẽ không vội ký hợp đồng mua than và không triển khai dự án đúng tiến độ do không chắc chắn được vấn đề về giá.
Liên quan để khả năng giá than nội cũng sẽ tăng lên, ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương cho rằng, Vụ này đã luôn khuyến cáo tới các nhà đầu tư rằng, tương lai giá than nội sẽ đi theo thị trường như vậy để họ tính toán và quyết định đầu tư.
Đáp lại kiến nghị về cơ chế đàm phán giá mua bán điện nói chung của Bộ Công Thương, theo ông Hường, Chính phủ đã cho phép xử lý theo hướng, việc đàm phán giá này sẽ không chỉ do EVN thực hiện nữa mà sẽ do Bộ Công Thương, đại diện Chính phủ thực hiện.
Tương lai, Bộ sẽ thành lập tổ đàm phán giá điện để giải quyết riêng vấn đề này. Tổ sẽ xem xét cụ thể các dự án nhiệt điện dùng than nhập để quyết định mua điện ở mức giá nào cho phù hợp.
Việt Nam sẽ phải nhập than cho điện từ năm 2012 Trong 5 năm tới, nhiệt điện than sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất điện của Việt Nam. Tính toán của EVN cho thấy, năm 2010, sản lượng điện từ nhiệt điện than là 12,144 tỷ kWh, chiếm hơn 19% tổng sản lượng điện của cả nước. Năm 2011, nhiệt điện than sẽ sản xuất đạt 16,606 tỷ kWh, chiếm 22% sản lượng điện cả nước. Tương ứng, năm 2012, nhiệt điện than chiếm 24%, năm 2013 là 29%, năm 2014 và 2015 là 34% tổng sản lượng điện toàn quốc. Trong khi đó, từ năm 2012, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than phục vụ nhu cầu trong nước. Điều này có nghĩa, đa số các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam vận hành từ năm 2012 trở đi sẽ phải dùng nguồn than nhập là chủ yếu.
-
Phạm Huyền