- Tình trạng “bung ra” vô tội vạ, nhà nhà làm xuất khẩu đã khiến nhiều ngành nông sản mũi nhọn của Việt Nam mất kiểm soát về chất lượng lẫn quyền chủ động trên thị trường thế giới.
Phẩm cấp quá kém là “rào cản” khiến một số loại nông sản xuất khẩu nước ta dù chi phối về nguồn cung nhưng vẫn bị các thương lái ép… bét giá.
Đây là bài toán làm “đau đầu” các hiệp hội doanh nghiệp tại tọa đàm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản 4 tháng cuối năm tổ chức ngày 24/9, tại Hà Nội.
Lấy lượng bù giá
Cà phê năm nay “rớt giá” trên thị trường xuất khẩu - Ảnh VOVnews |
Chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu cả nước, nông, lâm, thủy, hải sản có vị trí quan trọng trong đóng góp cho nền kinh tế. Trong khi hầu hết các nhóm hàng đều giảm lượng xuất khẩu do thiếu đơn hàng thì nhóm hàng nông sản vẫn duy trì được số lượng xuất khẩu tăng trưởng dương.
Theo ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất khẩu, Bộ Công thương, sơ bộ 9 tháng đầu năm, nhóm hàng nông sản đã thu về 9,42 tỷ USD, duy trì được tỷ trọng đóng góp 22% cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, sự sụt giảm quá mạnh của giá nông sản đã kéo nỗ lực của các doanh nghiệp xuống khá thấp. So với cùng kỳ năm 2008, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này vẫn giảm tới 11,8%.
“Từ tháng 7 đến nay, đơn hàng gỗ xuất khẩu đặt nhiều không làm kịp. Có điều, lượng đặt hàng tăng nhưng nhà nhập khẩu nào cũng đòi giảm giá tới 20%”, ông Ngô Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam cho biết.
Điển hình nhất của câu chuyện lấy lượng bù giá là ngành lúa gạo. Sản lượng gạo xuất khẩu 9 tháng tăng tới 33% (5 triệu tấn) nhưng giá giảm nên “chung cuộc” vẫn âm 8,22%.
Cũng như vậy, cà phê năm nay được mùa nhưng “rớt giá” trên thị trường xuất khẩu. Giá cà phê xuất khẩu bình quân đã giảm từ 2.105 USD/tấn năm 2008 xuống còn 1.479 USD/tấn. Kết quả là dù đã tăng 15,7% về sản lượng nhưng ngoại tệ thu về chỉ đạt giảm tới 18,8% so với cùng kỳ.
Các ngành nông, lâm, thủy sản khác như gỗ, rau quả, tiêu, điều… cũng trong tình trạng lấy lượng bù giá tương tự. Giữ kỷ lục “rớt giá” nhiều nhất là cao su nên dù tăng 10,3% về lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn âm tới 40%.
Những “mũi nhọn” phú quý… giật lùi
Con số âm 11,8% của nhóm nông, lâm sản có nguyên nhân trực tiếp từ suy thoái kinh tế thế giới khiến số lượng các đơn hàng giảm mạnh. Nhưng phía sau lý do bề nổi trên, sự “rớt giá thảm hại” của nông sản xuất khẩu, nhất là nhóm có khả năng chi phối thị trường như gạo, cà phê… đã bộc lộ sự lép vế của các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục Chế biến Nông Lâm sản, Bộ Nông nghiệp không ngần ngại gọi thẳng đó là sự thụt lùi của các ngành nông sản xuất khẩu này.
Theo ông, Việt Nam chỉ xuất thô là chính nhưng ngay cả xuất thô cũng làm chưa tốt. Sự bung ra tràn lan, gia đình nào cũng thành doanh nghiệp khiến quá trình sản xuất hàng xuất khẩu không được quản lý, manh mún, có nguy cơ quay lại cơ chế sản xuất tiểu nông.
Lấy ví dụ ngành chè, ông Hòa cho biết tổng lượng xuất khẩu chè 9 tháng chỉ có 100.000 tấn nhưng có tới 625 doanh nghiệp làm xuất khẩu. Sự manh mún đã kéo chất lượng, phẩm cấp và kéo luôn giá chè thụt lùi theo.
“Giá chè trên sàn giao dịch quốc tế vào khoảng 3,7 USD/kg nhưng chè Việt Nam chỉ xuất được có 1 USD/kg”, ông Hòa dẫn chứng.
Thủy sản xuất khẩu vướng vì thuế nhập khẩu nguyên liệu - Ảnh Nông nghiệp Việt Nam |
TS. Trần Thị Thúy Hoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su cũng chia sẻ câu chuyện “phú quý giật lùi” của ngành mình. Bà cho biết, trước, phần lớn cao su xuất khẩu là của Tổng Công ty Cao su nên tuân theo quy chuẩn nhưng từ khi bung ra cho mọi thành phần kinh tế thì có hiện tượng bán hàng bất chấp chất lượng.
Nguy hiểm nhất là thói quen bán hàng xô cho Trung Quốc – nước vốn không khắt khe về tiêu chuẩn – đã dần hình thành thói quen bán xô cho mọi đối tác khác.
“Vì thế, khi khách hàng Mỹ muốn nhập cao su, họ chọn Indonesia, Malaysia, Thailan… trước Việt Nam vì các nước kia có giấy chứng nhận phẩm cấp dù không nhất thiết là phẩm cấp tốt nhất nhưng chắc chắn là đúng thông số”, bà Hoa than phiền.
Chẳng riêng, chè, cao su mà cà phê, gạo… của Việt Nam cũng rơi vào tình trạng bán hàng bất chấp phẩm cấp. Ông Hòa đánh giá mua bán xô là “hình thức nổi tiếng của nông sản xuất khẩu Việt Nam” chưa kể, manh mún dẫn đến tranh mua, tranh bán: “như Hiệp hội Cà phê ca cao để cho mấy ông lái buôn Đông Nam Á thao túng chỉ vì bán hàng xô”.
Nhà nước chưa hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp
Bên cạnh sự yếu kém tự thân của các doanh nghiệp nông sản xuất khẩu, các hiệp hội cũng cho rằng có trách nhiệm không nhỏ từ phía các cơ quan Nhà nước trong đó gây bức xúc nhất là chính sách thuế.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản VASEP dẫn chứng, năm nay, tôm cá nguyên liệu thiếu nên để đảm bảo tốc độ tăng trưởng và tận dụng công suất của 600-700 nhà máy chế biến thủy sản, Hiệp hội đã nhiều lần xin giảm thuế nhập nguyên liệu xuống 0%.
Nhưng “chúng tôi luôn bị từ chối, kể cả với những loại Việt Nam không nuôi, khai thác được như cá hồi”, ông Dũng cho biết.
Cũng “trái ngang” liên quan đến thuế, ông Ngô Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội gỗ thắc mắc ngành gỗ đang khó khăn nhưng không hiểu sao, Chính phủ bỗng tăng thuế nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ 0% lại lên 10%.
Điều kỳ cục, theo ông Quyền là trong khi gỗ tạm nhập tái xuất vẫn được áp 0%.
“Hóa ra Nhà nước chỉ lo cho mấy anh buôn bán còn sản xuất tạo công ăn việc làm thì không”, ông Quyền bức xúc.
Sự thiếu sâu sát đến thực trạng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp của các cơ quan làm chính sách cũng buộc chân doanh nghiệp không ít. Thậm chí một dự thảo về thủ tục kiểm định còn bị ông Dũng bình luận “thẳng tưng” là người soạn thảo không hiểu về kinh doanh, xuất khẩu vì theo ông “doanh nghiệp đọc xong nói là về bỏ nghề luôn cho xong”.
Thực tế, những chính sách liên quan đến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản bị phản ứng ngược từ phía doanh nghiệp như vậy không hiếm. Trong khi, điều doanh nghiệp cần là tạo lập thêm các kênh tiêu thụ ngoài nước và kiểm soát chất lượng xuất khẩu lại chưa làm được.
“Tôi mong là lô hàng nào trước khi cho thông quan, hải quan cũng kiểm tra giấy chứng nhận phẩm cấp. Có mới cho xuất khẩu chứ cứ xuất không phẩm cấp thế này thiệt thòi cho nông sản Việt Nam lắm, nhất là dễ bị ép giá”, bà Hoa phát biểu.
- Phan Hùng