Chứng khoán châu Á tăng điểm phiên cuối tuần (11/9). Chỉ số khu vực có mức tăng theo tuần lớn nhất kể từ tháng 7, nhờ số liệu kinh tế Trung Quốc bỏ xa dự báo của giới phân tích.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng 0,3% lên 117,55 điểm vào lúc 3h36 chiều tại Tokyo. Tính chung 5 ngày qua, chỉ số này đã tăng tới 4,2%, mức tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 24/7.
Như vậy, chỉ số MSCI khu vực đã tăng 60% trong vòng 6 tháng qua, nhờ các dự báo kinh tế toàn cầu đã hồi phục từ đợt suy thoái tệ hại nhất sau Thế chiến 2.
Chỉ có thị trường Nhật Bản hạ điểm trong phiên cuối tuần. (Ảnh: Nydailynews) |
Chỉ số chứng khoán Shanghai Composite của thị trường Trung Quốc tăng 2,2%, trong khi chỉ số chứng khoán Hang Seng của thị trường Hồng Kông tăng 1,1%.
Trước đó, cơ quan thống kê Trung Quốc công bố các số liệu cho thấy, sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 8 vừa qua đã tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết, nước này sẽ tiếp tục kế hoạch chi tiêu mạnh tay chưa từng có để giúp kinh tế tăng trưởng mạnh. Ông cho rằng, "đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc chưa ổn định, thiếu cân bằng và vững chắc".
Từ đầu năm tới nay, chứng khoán Trung Quốc đã tăng tới 61% do tín dụng tăng trưởng mạnh.
Giá trị cổ phiếu của tập đoàn bất động sản Poly, hãng phát triển địa ốc lớn thứ 2 ở Trung Quốc về giá trị thị trường, tăng 3,3% lên 25,73 Nhân dân tệ/cp tại Thượng Hải.
Cổ phiếu của công ty máy xây dựng Hitachi tăng 2,6% lên 1.996 Nhân dân tệ/cp. Hãng thiết bị điện tử Gome, nhà bán lẻ điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc về giá trị thị trường, tăng 2,7% lên 2,30 đôla Hồng Kông/cp.
Trong phiên giao dịch ngày 11/9, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí tăng điểm mạnh do giá dầu lên cao. Cổ phiếu của CNOOC, hãng dầu khí lớn thứ 3 Trung Quốc, tăng 2,6% lên 11,06 đôla Hồng Kông/cp. PetroChina, tăng 2,1% lên 9,23 đôla Hồng Kông/cp. Nhà sản xuất dầu khí lớn thứ 3 Australia, Santos, tăng 2,5% lên 15,88 đôla Australia/cp.
Cơ quan năng lượng quốc tế đã nâng mức dự báo nhu cầu toàn cầu năm 2010 do doanh số tăng mạnh ở Bắc Mỹ và Trung Quốc. Việc này đã giúp giá dầu thô tăng 0,9%.
Nhật Bản là thị trường duy nhất tại châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch 11/9, với chỉ số chứng khoán Nikkei 225 giảm 0,7%. Trước đó, trong ngày, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, tăng trưởng kinh tế nước này đạt 2,3% trong quý 2, thấp hơn so với mức 3,7% ước tính ban đầu.
Giá cổ phiếu của Dentsu, hãng quảng cáo lớn nhất Nhật Bản, giảm 2,7% xuống 2.140 yen/cp. Công ty Nissan Motor, hãng sản xuất ôtô lớn thứ 3 Nhật Bản, giảm 2,7% xuống 615 yen/cp.
Sự suy giảm của chứng khoán Nhật một phần còn bởi sự tác động từ việc đồng yen tăng giá mạnh, lên mức 91,24 yen/USD, cao nhất kể từ tháng 2 tới nay.
-
Việt Hà (theo Bloomberg)