221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1233978
Bài 5: Giành lại thị trường từ… sạp
1
Article
null
Bài 5: Giành lại thị trường từ… sạp
,

 - Gần 90% hàng hóa tại Việt Nam hiện đang được tiêu thụ qua kênh bán lẻ truyền thống với độ lan tỏa bỏ xa mọi hệ thống phân phối khác. Tiếc là nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt đã gần như bị “đánh bạt” khỏi kênh bán lẻ quen thuộc này, nhường sân cho hàng ngoại cấp thấp và các công ty liên doanh nước ngoài.

Chợ đầu mối - “tổng đại lý” hàng ngoại

Mô tả ảnh.
Nhiều sạp hàng là tổng đại lý cho hàng bên kia biên giới. (Ảnh: Phan Hùng)

Dù là một trong những ngôi chợ Việt nổi tiếng nhất Việt Nam, có tên trong bản đồ tham quan Hà Nội nhưng căn cứ những gì bày trên sạp, chợ Đồng Xuân ngày nay giống một ngôi chợ Trung Quốc hơn.

Bà Đinh Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết theo khảo sát mới đây tại chợ Đồng Xuân, hàng nội chỉ chiếm có 20% ở nhóm lưu niệm, mỹ nghệ, 40% ở nhóm tiêu dùng.

Nhưng theo quan sát của phóng viên VietNamNet, có đến 70% hàng hóa tại chợ là hàng Trung Quốc, chủ yếu là vải vóc, quần áo may sẵn, giày dép, cặp túi xách, đồ gia dụng và các loại thực phẩm…

Nhiều chủ sạp trong chợ từ lâu đã trở thành “tổng đại lý” của hàng hóa bên kia biên giới, chuyên đổ hàng về các tỉnh thành từ Bắc chí Nam bằng xe tải rồi từ đó phân phối đến đến các chợ, cửa hàng tận thôn, xã.

Cứ thế hàng ngoại cấp thấp len lỏi trơn tru đến mọi ngóc ngách của đời sống và được tiêu thụ áp đảo đến nỗi nhiều mặt hàng Việt bị “cho ra rìa” ngay trên sân nhà.

Ông Lương Vạn Vinh, Giám đốc Công ty Mỹ Hảo, cho biết sở dĩ Mỹ Hảo phải vất vả tự mở các kênh phân phối về nông thôn bởi mạng lưới bán sỉ qua các chợ đầu mối đã bị thu hẹp, thậm chí có chợ, Mỹ Hảo đã mất hẳn kênh bán xà bông, nước rửa chén.

Nhưng dù doanh nghiệp có “đeo bám” thị trường đến đâu cũng không thể “lại” được độ “phủ sóng” cao và linh hoạt bắt nguồn từ các “tổng đại lý” như của chợ Đồng Xuân.

Tình hình cũng tương tự tại các các chợ lớn khác của Hà Nội như chợ Hôm, chợ Thành Công, chợ Ngã Tư Sở… hay các chợ đầu mối các tỉnh khác tại TP.HCM, Đà Nẵng…

Hàng Việt Nam đã và đang bị đẩy dạt ra khỏi kênh phân phối chợ - nơi mà các doanh nghiệp Việt lẽ ra phải quen thuộc và nắm rất chắc.

Hàng ngoại và liên doanh chia… sạp

Mô tả ảnh.
Hàng ngoại giá rẻ tràn ngập các chợ Việt. (Ảnh: Phan Hùng)

Không chỉ trú ngụ trong các chợ, hàng Trung Quốc còn có nhiều “tổng đại lý” lớn ngay tại trung tâm phố cổ Hà Nội.

Có thể “điểm danh” ngay: Hàng Ngang, Hàng Đào là “tổng đại lý” quần áo, Hàng Bồ - “tổng hành dinh” nguyên phụ liệu may mặc, Hàng Dầu chuyên giày dép, Lương Văn Can “đại lý”  đồ chơi, Cầu Gỗ chuyên đồ trang sức, quà lưu niệm, decal dán điện thoại…

Thậm chí, chợ đêm Hà Nội – điểm thu hút khách du lịch với ý tưởng quảng bá, giới thiệu sản phẩm truyền thống Hà Nội hàng Việt thực tế đã biến thành nơi bán "xôn" hàng Trung Quốc.

Doanh thu của các “doanh nhân chợ” và “doanh nhân cửa hàng” có thể lên đến bạc tỷ là bình thường. Đó là lý do các cửa hiệu trên phố cổ dù chật hẹp, mặt tiền chỉ 2-3m nhưng giá đất và giá cho thuê thuộc loại đắt nhất nhì thế giới. 

Ở cấp bán lẻ, những shop quần áo - giày dép chuyên “đánh hàng” Trung Quốc cũng thi nhau mọc lên tại các tuyến phố trung tâm Trần Nhân Tông, Hàng Cân, Bà Triệu…

Không chỉ có thời trang, các mặt hàng tiêu dùng khác như đồ gia dụng, văn phòng phẩm, lưu niệm… hàng Trung Quốc cũng áp đảo.

Nếu hàng Trung Quốc chi phối tại sạp bán lẻ trong chợ nhờ “động lực” hàng nhập lậu giá rẻ, lãi cao thì các cửa hàng, tiệm tạp hóa lại là “địa bàn” áp đảo của các mặt hàng tiêu dùng thương hiệu ngoại như Coke Cola, Pepsi, Unilevel, P&G…

Nhờ có chính sách và đội ngũ marketing chuyên nghiệp, ở một số nhóm hàng tiêu dùng như hóa mỹ phẩm, đồ uống…. các thương hiệu ngoại không chỉ “bao tiêu” được hệ thống các cửa hàng, tiệm tạp hóa mà thậm chí còn “về nông thôn” hiệu quả hơn phần lớn thương hiệu nội.

Tại nhiều làng quê, những gói dầu gội đầu Clear 5ml “giá chỉ có 500 đ” đã đánh dạt chai dầu gội đầu 200ml, 7.000 đ của Mỹ phẩm Sài Gòn. Những chai nước ngọt do nhân viên Coke Cola đẩy trên từng chiếc xe 3 bánh để tiện len vào mọi ngõ ngách giá 2000 đ đã “hất cẳng” Tribeco. Những gói bột giặt Omo, Tide được bày áp đảo trên kệ ở các tiệm tạp hóa…đã làm biệt tăm những Lix, Daso… của Việt Nam.

Và như vậy, từ đầu mối đến điểm cuối của 90% hệ thống bán lẻ, hầu như đều bày bán nổi bật nếu không phải hàng Trung Quốc thì là hàng thương hiệu ngoại.

Đây là một thực tế đầy thách thức để “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.

Giành lại từng… centimet

’Gianh
Giành lại từng centimet thị trường nội địa là cách để "người Việt được dùng hàng Việt". (Ảnh: Phan Hùng)

Bà Đinh Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ từng có lúc phải phàn nàn cho rằng, người bán hàng Việt Nam lại chủ yếu quảng cáo cho hàng ngoại thì làm sao hàng Việt nam bán được?

Trách vậy nhưng hẳn bà cũng rõ, câu này nên cho các nhà sản xuất nội địa vì bên cạnh lý do hạn chế về nguồn lực, không ít doanh nghiệp cũng chưa thực sự nỗ lực trong khâu phân phối. 

Bằng chứng là khi các xe hàng về nông thôn, tiếp xúc trực tiếp với bà con tiểu thương ở các chợ, nhiều doanh nhân mới ngỡ ngàng trước sự chào đón của họ. Đó là lý do dù có hơn một thập niên cải thiện chất lượng, dù đã ghi điểm ở nhiều thị trường xuất khẩu nhưng hàng Việt vẫn gian nan trong hành trình về lại ao nhà.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều các doanh nghiệp nội đã nhận thức được tầm quan trọng của sạp bán lẻ. Nhiều thương hiệu Việt như giày Asia, bột giặt Vì Dân, mỳ Acecook,Vifon, Duy Tân, Đại Đồng Tiến, Mỹ Hảo, Trung Thành, Rạng Đông… thay vì chỉ lo sản xuất đã nỗ lực tự xây dựng kênh phân phối riêng, bám chặt thị trường các tỉnh. 

Các doanh nghiệp Việt cũng đã thay đổi tư duy, chịu khó “o bế” đến cả nhà bán lẻ cuối cùng là các sạp hàng, cửa hàng để giành lợi thế cạnh tranh. Điển hình là cuộc chạy đua giành mặt tiền và khoảng không trưng bày của các doanh nghiệp bánh kẹo vào mùa cao điểm như tết, trung thu.

Rõ ràng, khi các chủ quầy, chủ sạp được o bế, chiết khấu tốt tự họ sẽ trở thành kênh thông tin, quảng cáo, tư vấn cho hàng Việt thay vì hàng ngoại.

Theo ông Phan Văn Minh, Phó Tổng giám đốc kinh doanh của Kinh Đô, những câu chuyện như vậy đang trở thành hoạt động kinh doanh thường ngày trong các doanh nghiệp Việt. Nhờ đó, hàng Việt tỏa về các tỉnh nhiều hơn, một số nhóm hàng tiêu dùng, gia dụng Việt đã hoàn toàn đấy được hàng Trung Quốc cấp thấp ra khỏi thị trường.

Có thể nói, cạnh tranh trên các sạp bán lẻ chắc chắn không phải là hành trình dễ dàng nhưng đó là con đường bắt buộc mà để hàng Việt chiếm lĩnh lại thị trường nội địa. Dĩ nhiên, hành trình đó chỉ thành công khi có cái bắt tay thật chặt giữa các nhà sản xuất nội với các “doanh nhân chợ”, bởi trong thập niên tới, hệ thống này vẫn là huyết mạch chính của nền sản xuất.

  • Phan Hùng
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
rrer_", r));