- Nền kinh tế đang có xu hướng hồi phục nhưng đi kèm là những cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn. Giai đoạn hậu suy thoái đang đặt ra những yêu cầu mới đối với chính sách tiền tệ.
Chuyển hướng thế nào để vừa kích thích phát triển, vừa kiềm chế lạm phát; có cần thêm một gói kích cầu nữa không là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo "Vai trò chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hậu suy giảm".
Vẫn tranh cãi
Ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ, ủng hộ nên có một gói kích cầu nữa để trợ giúp doanh nghiệp (DN) tiếp tục hồi phục và cạnh tranh tốt hơn.
Rất nhiều DN đang hy vọng là sẽ có một lượng tiền lớn, dành cho tất cả các DN, nhưng đây là điều không thể xảy ra. Kỳ vọng như thế là rất nguy hiểm. Gói kích cầu mới, nếu có thì chỉ cần bổ sung vào các lĩnh vực cần thiết và các DN cần thiết, quy mô và mức độ hỗ trợ không thể như trước.
Giai đoạn hậu suy thoái đang đặt ra những câu hỏi mới về chính sách tiền tệ. (Ảnh: Phước Hà) |
Cùng quan điểm này, giáo sư Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính cho rằng, chưa ai có thể đảm bảo kinh tế đã hết khủng hoảng và DN đã hết khó khăn. Đó chưa kể năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam còn yếu. Vì thế, cần tiếp tục có chính sách tiếp tục hỗ trợ.
Gói kích cầu hỗ trợ mới có đối tượng nhỏ hơn, nhưng trọng điểm hơn, lãi suất hỗ trợ ít hơn, không phải 4% mà có thể là 2%. Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ giảm sốc cho DN để hạ cánh một cách an toàn.
Tuy nhiên, ngay các DN, thành phần chính được hưởng lợi từ chính sách này, cũng có những ý kiến trái chiều.
Đại diện Tập đoàn Hoa Việt cho rằng, Chính phủ nên sớm bỏ gói kích cầu. Việc duy trì chính sách này sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh gữa DN được vay và không được vay, nuôi dưỡng thói ỷ lại của các DN… đó là chưa kể phát sinh những điều chưa công bằng trong cho vay. Bỏ là tạo điều kiện cho DN hội nhập.
Ông Thái Tuấn Chí - Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn nói: “Tôi không ủng hộ có thêm một gói kích cầu ngắn hạn thứ hai. Không nhất thiết cứ phải đưa ra một gói kích cầu, khi kinh tế thế giới đã khởi sắc và sản xuất kinh doanh trong nước đang dần hồi phục.
Còn bao cấp thì sự ỷ lại không bao giờ dừng lại. Khi mà DN không chịu đổi mới thì cho dù có một hay nhiều gói kích cầu nữa trong vòng vài năm tới, họ vẫn không tiến xa được và sẽ chẳng bao giờ tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế về cơ bản”.
Ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch Vietcombank cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên xem xét đề xuất Chính phủ giảm dần, tiến tới ngừng hỗ trợ lãi suất. Bởi việc tiếp tục hỗ trợ lãi suất sẽ tạo áp lực gia tăng lạm phát, sử dụng vốn không hiệu quả, gây hệ luỵ xấu cho nền kinh tế và hệ thống ngân hàng. Ngược lại, dừng hỗ trợ lãi suất sẽ giảm áp lực bội chi ngân sách, giảm áp lực lạm phát…
Giải pháp nào để hạ cánh mềm
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, cơ chế hỗ trợ lãi suất được Chính phủ quy định thực hiện trong năm 2009 và công bố công khai nên DN không bị sốc về mặt thời điểm. Nhưng với mức hỗ trợ lãi suất 4%/năm là khá lớn, làm giảm chi phí tiền vay hơn 30%. Xét về mặt tâm lý và hoạch toán giá thành sản phẩm thì cần có thêm bước đi giảm dần về đối tượng, lãi suất để ổn định tâm lý.
Ông Giàu chia sẻ, Chính phủ đang tiếp tục theo dõi để có phản ứng phù hợp cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, chúng ta không thể mãi hỗ trợ được, vì còn những yêu cầu cạnh tranh trong hội nhập. DN phải tự nâng cao sức cạnh tranh và không nên kỳ vọng vào một điều chưa có gì rõ ràng.
Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, các biện pháp kích cầu thời gian qua chỉ là liều thuốc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, duy trì phát triển sản xuất. Khi kết thúc chương trình, các hỗ trợ lãi suất và thuế sẽ không còn, DN sẽ khó khăn hơn.
Vì thế, vấn đề đặt ra với Chính phủ là diễn biến của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đã đến thời điểm chấm dứt chưa và xu hướng phục hồi của các nền kinh tế lớn. Việc dự báo chính xác vấn đề này sẽ giúp chúng ta xác định được thời điểm điều chỉnh, thay đổi chính sách cùng với các giải pháp kích cầu kinh tế.
Mặc dù ủng hộ quan điểm không nên có gói kích cầu thứ hai, nhưng ông Nguyễn Hoà Bình đề xuất, để đảm bảo hỗ trợ cho DN phát triển trong giai đoạn hậu suy thoái cần ổn định mức lãi suất thấp.
Mức lãi suất cơ bản 7% đã được giữ ổn định trong hơn 6 tháng qua. Đây là mức lãi suất tích cực đối với ổn định thị trường, kích thích đầu tư, giảm khó khăn cho DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… yếu tố rất cần trong giai đoạn hậu suy thoái.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Lệnh – NHNN Chi nhánh TP.HCM cho rằng, để đảm bảo DN hoạt động kinh doanh bình thường và hiệu quả cần tiếp tục duy trì lãi suất ở mức xoay quanh 10,5% đối với cho vay sản xuất kinh doanh. Đây là mức lãi suất phù hợp trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
Các biện pháp kích cầu thời gian qua chỉ là liều thuốc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, duy trì phát triển sản xuất. (Ảnh: LAD) |
Thận trọng trong thời hậu suy thoái
Kinh tế 7 tháng đầu năm 2009 dần lấy lại được đà phục hồi. Trong những tháng cuối năm, dù còn khó khăn, nhưng xu hướng tăng trưởng kinh tế có chiều hướng thuận lợi. Lạm phát cũng có xu hướng tăng do tác động của chính sách tài khoá nới lỏng và tăng giá.
Sang năm tiếp theo, đà tăng trưởng kinh tế được duy trì, nhưng lạm phát có sức ép tăng. Làm sao để đảm bảo động lực tăng trưởng mà vẫn tránh được nguy cơ lạm phát cho nền kinh tế chính là điểm nhạy cảm và cái khó cho chính sách tiền tệ trong giai đoạn hậu suy thoái.
Vì thế, theo ông Cao Sỹ Kiêm, trong giai đoạn mới, khi kinh tế ổn định và phát triển nếu chính sách, không tiếp cận vấn đề mới một cách nhanh chóng thì không những không thúc đẩy phát triển, mà những thành quả đạt được cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Việt Nam cần có phản ứng nhanh nhạy với tình hình mới và ngay từ bây giờ phải xây dựng các chính sách cho giai đoạn hậu khủng hoảng.
Từ thực tế điều hành thời gian qua, ông Nguyễn Văn Giàu thừa nhận, việc thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nếu sử dụng dài hạn thì không làm tăng trưởng kinh tế mà còn làm tăng lạm phát.
Theo ông, giai đoạn hậu suy thoái là chính sách tiền tệ cần tiếp tục áp dụng mô hình kiểm soát khối lượng tiền ở mức khoảng 30%, kiểm soát lãi suất và tỷ giá, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng. Điều hành các công cụ chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và thận trọng.
-
Phước Hà