Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/8, chứng khoán khu vực bất ngờ hồi phục nhẹ ở hầu hết các thị trường. Riêng chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc giảm mạnh.
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,6%, lên 113,65 điểm, tính đến 7h30 chiều tại thị trường Tokyo, đưa mức tăng trong cả tuần này lên 2,8%.
Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh. (Ảnh: CBC)
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,6%, tương đương 60,17 điểm, lên 10.534,14 điểm. Chứng khoán Nhật Bản vẫn tăng nhẹ bất chấp tỷ lệ thất nghịêp tháng 7 của nước này tăng lên 5,7%, cao hơn dự báo của các chuyên gia phân tích.
Chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc tăng 0,54%. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 0,9%. Chỉ số Bombay Sensitive của thị trường Ấn Độ tăng 0,92. Chỉ số Taiex của Đài Loan tăng 1,8%.
Cổ phiếu của Harvey Norman, nhà bán lẻ các sản phẩm điện tử lớn nhất Australia, tăng giá tới 17%. Acer Inc, công ty máy tính lớn thứ ba thế giới tăng 3,5%. Công ty máy tính Casio tăng 8,5% tại Tokyo.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,7%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 2,9%, do giới đầu tư lo ngại nước này sẽ hạn chế sản lượng thép, xi măng. Giá cổ phiếu của China Cosco Holdings, công ty vận tải biển lớn nhất châu Á về giá trị thị trường, giảm 4,7% tại Thượng Hải.
Hôm 26/8, Chính phủ Trung Quốc cho biết đang xem xét hạn chế tình trạng sản xuất dư thừa trong các ngành công nghiệp sắt thép, xi măng, cũng như một phần sản xuất than, kính và điện. Quyết định này được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc vừa công bố tăng trưởng GDP quý 2/2009 đạt 7,9%.
Những dấu hiệu về sự phục hồi của kinh tế toàn cầu đã giúp chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng điểm mạnh từ tháng 3/2009. Chỉ số này đã tăng 61% từ mức thấp nhất trong vòng 5 năm thiết lập hôm 9/3, nhờ dự đoán rằng gói kích cầu và lãi suất cơ bản thấp ở các nước sẽ giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
-
Việt Hà (theo Bloomberg, AP)