221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1232196
Sàn vàng lại nở rộ
1
Article
null
Sàn vàng lại nở rộ
,

 - Nhà đầu tư trên sàn vàng không phải bỏ nhiều tiền mặt, không phải chờ T+4, vòng quay của dòng tiền cũng nhanh hơn chứng khoán... khiến thị trường này ngày càng nhiều tài khoản mới được mở. Đây là lý do các sàn vàng đang thừa thắng xông lên.

Kinh doanh sàn vàng vẫn được xem là “mảnh đất màu mỡ” chưa được khai thác hết, khiến nhiều tổ chức, cá nhân đang ấp ủ dự án mở sàn vàng hoặc làm đại lý nhận lệnh giao dịch vàng.

Sức hút của sàn vàng vẫn rất lớn đối với không ít nhà đầu tư mới. (Ảnh: Ca Hảo)

Nhà đầu tư vẫn lao vào sàn vàng

Một thực tế cho thấy, sàn vàng đang ăn lên làm ra, trong số các hoạt động đem lại lợi nhuận cao cho ngân hàng thì sàn vàng chiếm một tỉ lệ không nhỏ.

Ví dụ như 6 tháng đầu năm 2009, trong số hơn 1.200 tỉ đồng lợi nhuận của ACB thì có tới hơn 554 tỉ đồng thu nhập từ hoạt động kinh doanh doanh vàng.

Hay như sàn vàng của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã đóng góp đến 120 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận hơn 915 tỷ đồng của Eximbank, mặc dù sàn này chính thức đi vào hoạt động chưa đầy một năm.

Không chỉ có các ngân hàng, các tổ chức, cá nhân lập sàn vàng cũng thắng lớn. Theo ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tài chính Vàng Thế Giới (VTG), mặc dù VTG mới được mở chưa đầy một tháng, tuy nhiên cho đến nay VTG đã có hơn 1.000 tài khoản của nhà đầu tư với khối lượng giao dịch bình quân trên 100 nghìn lượng mỗi ngày.

Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh Vàng Toàn Cầu (GGB) mặc dù chính thức đi vào hoạt động chưa đầy 3 tháng, nhưng có khối lượng giao dịch khá lớn, với hơn 1.000 tài khoản của nhà đầu tư tương đương với “anh cả” cùng ngành ra đời trước đó.

Sàn vàng là "mảnh đất màu mỡ" cho các doanh nghiệp. (Ảnh: L.H)

Ông Lê Trọng Thủy, Phó tổng giám đốc GGB cho biết, những ngày thấp điểm tại sàn GGB khối lượng giao dịch khoảng 300 ngàn lượng, riêng những ngày cao điểm lên tới hơn 600 ngàn lượng.

Theo Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sen Vàng Nguyễn Ngọc Trường Chinh, giá trị giao dịch hàng ngày của hai sàn chứng khoán khoảng từ 2.000 – 3.000 tỉ đồng ngày (những ngày có giá trị giao dịch tương đối lớn) chẳng thấm vào đâu nếu so với khối lượng giao dịch của toàn thị trường vàng. 

Trong khi đó, sự dịch chuyển của giới kinh doanh chứng khoán sang đầu tư vàng là không nhỏ. Do tính thanh khoản cao, mua bán theo quyền chọn (Options) phương thức này cho phép nhà đầu tư dự đoán xu hướng thị trường để vay vàng và chọn đánh lên hoặc đánh xuống (đánh lên là mua vàng, chờ giá vàng lên bán và đánh xuống tức vay vàng bán, chờ giá vàng xuống mua vào).

Với mức phí 2.000 đồng lượng mỗi lần giao dịch thành công, tính ra riêng khoản doanh thu về phí giao dịch đã mang lại khoản thu không nhỏ, đó là chưa kể đến nguồn thu từ các dịch vụ phái sinh khác.

“Các tổ chức, cá nhân đua nhau lập sàn vàng là điều không có gì ngạc nhiên, vì mở sàn vàng là thắng.”, ông Chinh nhận định.

Các sàn vàng đang “nối dài tay”

Thời gian qua, cả nước có khoảng 20 sàn vàng hoạt động chính thức và hàng trăm đại lý nhận lệnh. Mặc dù cơ quan chức năng có quy định không cấp phép mới sàn vàng, nhưng đây là loại hình kinh doanh “siêu lợi nhuận”, nên dự kiến trong thời gian tới loại hình kinh doanh này sẽ còn nở rộ.

Hiếm có lĩnh vực nào mà đầu tư buồn nhiều hơn vui như ở sàn vàng. (Ảnh: L.H)

Theo ông Thủy, trung bình một đại lý của GGB giao dịch bình quân khoảng 5.000 lượng/ngày. Mức phí hoa hồng của đại lý nhận lệnh giao động khoảng 1.000 đồng/lượng. Trong khi đó, mức đầu tư để trở thành đại lý nhận lệnh giao dịch vàng chỉ khoảng 100 triệu đồng.

Khi thành lập với 5 đại lý, cho đến thời điểm hiện tại GGB đã có 36 đại lý trên toàn quốc, thậm chí tại thị xã biên giới Châu Đốc (An Giang) cũng có một đại lý.

Sau chưa đầy một năm mở cửa hoạt động, tính đến nay trung tâm giao dịch vàng Eximbank – SJC có 40 điểm giao dịch trên cả nước. Để đẩy mạnh phát triển hơn nữa, ông Đào Hồng Châu – Phó tổng giám đốc Eximbank cho biết, từ nay đến cuối năm Eximbank – SJC sẽ mở thêm 10 điểm giao dịch mới.

Còn với ACB, cho đến thời điểm hiện nay, trung tâm giao dịch vàng này đã có 150 điểm giao dịch và nhận lệnh vàng trên tổng số 205 chi nhánh, phòng giao dịch của ACB. Được biết trong thời gian tới, ACB còn triển khai chương trình liên kết với các đại lý nhận lệnh ngoài hệ thống.

Tuy nhiên, việc sàn vàng “nối dài tay” là một chuyện, còn có thu hút được nhà đầu tư hay không lại là chuyện khác. Trong cuộc đua này, ngoài việc đưa ra nhiều tiện ích dịch vụ phong phú, cạnh tranh về dịch vụ, phí... điều quan trọng không kém là các sàn vàng còn phải gia tăng mở rộng thêm nhiều hệ thống mạng lưới đại lý.

Do vậy trong thời gian tới sẽ có nhiều đại lý nhận lệnh của các sàn vàng vẫn tiếp tục nở rộ là điều không có gì ngạc nhiên.

  • Ca Hảo
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,