Lợi nhuận của các công ty Trung Quốc thấp hơn dự đoán cùng những lo ngại về thua lỗ từ các khoản vay ở Mỹ, khiến chứng khoán châu Á ngày 25/8 đảo chiều đi xuống.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương hạ 0,4%, xuống 112,95 điểm vào lúc 4h11 chiều tại thị trường Tokyo. Phiên giao dịch liền trước, chỉ số này tăng 2,5%, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 19/5.
Thị trường Trung Quốc mất điểm ngày 25/8. (Ảnh: THX) |
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,8%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,5%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0.67%. Chỉ số Straits Times của Singapore tăng 0,23%. Chỉ số Bombay SE Sensitive của Ấn Độ tăng 0,59%.
Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 2,6%, sau khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo hôm 24/8 tuyên bố năng suất công nghiệp dư thừa có thể làm hạn chế tăng trưởng và các nhà hoạch định chính sách không thể lạc quan một cách "mù quáng".
Giá cổ phiếu của công ty đồng Giang Tây giảm 5,7% xuống 30,20 NDT tại Thượng Hải; Tập đoàn nhôm Trung Quốc, giảm 2,7% xuống 8,96 đôla Hồng Kông. Tập đoàn tài chính KB giảm 2,9% còn 54.000 won tại Seoul. Tập đoàn tài chính Mizuho của Nhật Bản giảm 1,8% xuống còn 225 yen, tập đoàn chứng khoán Daiwa giảm 3,2% xuống còn 551 yen.
Trong số nhóm chứng khoán tăng giá ngày 25/8, cổ phiếu của công ty NGK tăng 3,7% lên 2.270 yen tại Tokyo sau khi tờ Nihon Keizai nói rằng công ty này đã giành được một đơn hàng trị giá 60 tỷ yen (639 triệu USD) từ Abu Dhabi. Nhà bán lẻ lớn nhất Australia, Woolworths Ltd, tăng 2,2% lên 28,63 đôla Australia.
Một phần ba trong số 538 công ty thuộc chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương đã thông báo kết quả kinh doanh vượt dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong khi 18% công bố không đạt.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ khi bùng nổ năm 2007 cho tới nay đã khiến các tổ chức tài chính ngân hàng thế giới thua lỗ tới 1.600 tỷ USD. Khủng hoảng đã đẩy kinh tế Mỹ, Nhật vào suy thoái và khiến nhiều ngân hàng lớn như Lehman Brothers, Bear Stearns sụp đổ.
-
Đ.T (theo Bloomberg)