- Từ việc buông lỏng đến “siết” chặt quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm một cách đột ngột khiến không ít doanh nghiệp theo nếp cũ không kịp ứng phó với những quy định mới.
Trong vòng nửa tháng trở lại đây, ngành thú y liên tiếp phát hiện những lô hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến cơ quan này thực sự lúng túng trong việc quản lý những sản phẩm nhập khẩu này.
Lòng tin của người tiêu dùng đối với các siêu thị đang bị lung lay sau hàng loạt vi phạm của những doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm. (Ảnh: Ca Hảo) |
Điều đáng nói là những sản phẩm nhiễm khuẩn lại được bày bán trong các siêu thị, chứ không phải ngoài vỉa hè. Cách đây một tuần, trạm thú y Quận 8 (TP.HCM) phát hiện 125 lô hàng của Công ty TNHH một thanh viên thực phẩm đồ hộp Hạ Long (Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TP.HCM) tại kho lạnh của Saigon Co.op đã bị xóa câu cảnh báo “sản phẩm đã chiếu xạ”, trong khi giấy kiểm dịch thì có?
Tuy nhiên, khi giải trình trực tiếp với cơ quan thú y, ông Phan Đình Tùng, Giám đốc Công ty TNHH một thanh viên thực phẩm đồ hộp Hạ Long cho rằng, chỉ có 12 trong tổng số 125 lô hàng đó “bị rơi” mất nhãn cảnh báo!?
Gần đây nhất là vụ Chi cục Thú y Bình Dương phát hiện hơn 27 tấn thực phẩm đông lạnh của Công ty TNHH Metro Cash&Carry Việt Nam bị nhiễm khuẩn và hơn 6 tấn hết hạn sử dụng vào ngày hôm qua (13/8). Kiểm tra 18 nhóm hàng thịt đông lạnh tại các kho của Metro tại Bình Dương, Chi cục Thú y Bình Dương phát hiện 705kg thịt bò (lá cờ, bắp bò) nhiễm E.Coli và Coliform vượt 2,4 lần tiêu chuẩn cho phép và gần 27 tấn thịt gà xay nhiễm S.aureus vượt tiêu chuẩn 10 lần.
Metro là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phân phối tại Việt Nam hiện nay. (Ảnh: Ca Hảo) |
Theo công văn của Công ty TNHH Metro Cash&Carry Việt Nam gửi Chi cục Thú y Bình Dương, do cùng một sản phẩm nhưng nhập thành nhiều đợt khác nhau, khi xuất hàng chỉ lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên do đó đã sót lại những lô hàng nhập đã quá 6 tháng nhưng chưa được lấy mẫu.
Vì vậy, Metro đề nghị cách giải quyết đối với lô hàng 33,6 tấn thực phẩm vi phạm này theo hướng xin phép được chiếu xạ sản phẩm, sau đó tiếp tục bán cho người tiêu dùng hoặc chuyển đổi toàn bộ số sản phẩm này phục vụ làm thức cho cá sấu….
Trong thời gian tìm kiếm đối tác, Metro Cash đề nghị xin được lưu trữ số hàng này và toàn bộ sẽ được tách riêng khỏi kho và dán nhãn “hàng chờ xử lý”. Tuy nhiên, ông Tạ Trọng Khang, Chi cục phó Chi cục Thú y Bình Dương cho biết, hiện chi cục đã báo cáo với UBND tỉnh Bình Dương và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Bình Dương xin ý kiến giải quyết.
Nếu như trước đây, cơ quan thú y chỉ yêu cầu xuất trình giấy tờ khai nhận nhà máy chế biến, hay tên doanh nghiệp, đơn vị xuất khẩu nhưng hiện nay phải có đầy đủ cả hai, đồng thời kèm theo cả những giấy tờ chứng nhận an toàn của cơ quan thú ý nước xuất khẩu, khiến hàng về cảng rồi nhưng cứ phải nằm chờ… |
“Giải pháp xin chiếu xạ những lô hàng bị nhiễm khuẩn không thể giải quyết, bởi Cục Thú y không cho sản phẩm bị nhiễm khuẩn chiếu xạ. Ở các nước trên thế giới, cho bán sản phẩm đã qua chiếu xạ, nhưng đó là sản phẩm chưa bị nhiễm khuẩn. Đây là cách để bảo quản sản phẩm chứ không phải cách giải quyết hàng mất an toàn vệ sinh thực phẩm.” ông Khang nói.
Những ngày gần đây, hàng trăm container thực phẩm nhập khẩu đang nằm đợi lấy mẫu và làm thủ tục thông quan tại các cảng trên địa bàn TP.HCM. Ông Đỗ Bình Sanh, Giám đốc công ty TNHH DVTM-XNK Giang Hà bức xúc, không phải doanh nghiệp nào cũng vi phạm. Nếu không kịp thời có biện pháp thỏa đáng, các lô hàng không được bảo quản đúng thì không vi phạm cuối cùng cũng sẽ thành vi phạm.
-
Ca Hảo