221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1229497
Kinh doanh gặp "vạ" vì dịch cúm
1
Article
null
Kinh doanh gặp 'vạ' vì dịch cúm
,

 - Trường học đóng cửa, trẻ em tạm thời nghỉ học, cuộc sống nhiều gia đình tại Hà Nội và TP.HCM bỗng chốc bị đảo lộn. Ý thức phòng ngừa cao độ của người dân trước dịch cúm A/H1N1 khiến nhiều lĩnh vực kinh doanh lâm vào cảnh đìu hiu.

Dễ thấy nhất là cảnh vắng vẻ tại các cửa hàng đồ dùng học sinh, quà vặt lân cận các trường học ở Hà Nội.

Giới kinh doanh lo ngại dịch cúm sẽ làm giảm sức mua đồ dùng học tập năm nay. (Ảnh: N.N)

Tại cửa hàng văn phòng phẩm số 55, phố Lê Đại Hành ngay cạnh Trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng), anh Chí - chủ cửa hàng cho biết, doanh thu một vài tuần này giảm trên 90% vì học sinh nghỉ học, không có khách.

Theo anh này, thường mấy tháng hè, lượng tiêu thụ nhìn chung giảm hơn so với thời điểm học chính thức. Nhưng năm nay, dưới tác động của dịch cúm A/H1N1, doanh thu gần như “mất hẳn”.

Chẳng buôn bán được gì” cũng là phản ánh chung của các hàng quà vặt, đồ dùng học sinh, lưu niệm gần kề các Trường Tiểu học Trung Hòa (Cầu Giấy), mầm non và tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa)… trong 1 tuần trở lại đây.

Sức mua chậm, các đại lý, nhà phân phối nghe ngóng, không dám mạnh tay nhập hàng khiến các nhà sản xuất đồ dùng học tập, quần áo, giày dép học sinh lúc này như ngồi trên lửa. 

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Qui Lực, nổi tiếng với các sản phẩm thước kẻ, ê-ke, bút, mực, màu các loại với nhãn hiệu WinQ tại TP.HCM không giấu giếm nỗi lo lắng tồn đọng hàng.

Ông cho biết, rút kinh nghiệm lượng hàng tồn kho rất lớn do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế hồi năm ngoái, năm nay dù sức tiêu thụ dự báo khả quan hơn nhưng doanh nghiệp cũng chỉ sản xuất số lượng vừa phải, bằng 70% năm trước.

Vậy mà dịch cúm hoành hành, ông đang lo ngay ngáy không khéo sức tiêu thụ năm nay còn yếu hơn cả năm trước.

So với cùng kỳ năm ngoái, sức mua hiện có vẻ chậm hơn. Nếu dịch cúm bùng phát mạnh mà các học sinh tại TP.HCM và khu vực miền Tây phải hoãn thời gian nhập học thì mức độ thiệt hại của doanh nghiệp là rất ghê gớm”, ông Thành chia sẻ. 

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, các điểm vui chơi dành cho thiếu nhi tại Hà Nội và TP.HCM cũng vắng bóng dần các khách hàng nhí.

Mô tả ảnh.

Các phụ huynh không còn thoải mái với việc đưa con em đến những nơi công cộng như trước . (Ảnh: N.N)

Giảm đến 50% lượng trẻ em đến vui chơi so với thời điểm trước khi dịch cúm lan rộng là ghi nhận của Phương Thảo, nhân viên phòng chơi Funny Land - lầu 3, thương xá Tax, quận 1, TP.HCM.

Với nhiều sản phẩm đồ chơi lắp ráp Lego, búp bê Barbie, Kurhn, mô hình xe hơi thu nhỏ và các trò vận động..., những lúc cao điểm cuối tuần, Funny Lands thu hút đến 50 em thiếu nhi cùng đến vui chơi. 

Đây cũng là điểm trông giữ trẻ em khá tiện lợi trong lúc các bậc phụ huynh tranh thủ mua sắm trong trung tâm thương mại. Vậy mà gần đây thực hiện chính sách “cách ly”, phần lớn phụ huynh không dám đưa con em mình đến vui chơi thoải mái như trước nữa.

Tình hình cũng tương tự ở phòng chơi Funny Lands thuộc Trung tâm Thương mại The Garden (tại khu đô thị Mỹ Đình) hay các phòng chơi khác tại Trung tâm Thương mại BigC, Vincom, Hà Nội.

Theo các nhân viên, cảnh nhiều bé muốn vào chơi quá, bố mẹ chiều lòng, vừa cho chơi vừa bắt đeo khẩu trang đã không còn lạ lẫm đợt này.  

Mặt hàng có sức mua giảm đáng kể tiếp theo là thịt lợn. Dù đã được minh oan rằng thịt lợn không bị "dính" cúm, nhưng theo giới kinh doanh tại các chợ nội thành Hà Nội, sức tiêu thụ cũng vẫn giảm mạnh.

Mô tả ảnh.

Hàng thịt lợn cũng giảm mạnh sức mua vì thông tin dịch cúm. (Ảnh: N.N)

Chủ quầy số 1 chợ Hôm – Đức Viên, chị Dương Thúy Liễu cho biết, sức mua những tháng gần đây sụt giảm khoảng 30%. Con số này theo ước đoán của một số tiểu thương chợ Ngọc Hà là 50% và ở chợ Thành Công là 10%.

Người tiêu dùng vẫn nghĩ thịt lợn có nguy cơ tiềm ẩn nên tâm lý chung là e sợ. 10 người mua thịt trước kia nay chỉ còn 5. Bên cạnh đó, do các trường học nghỉ, các bếp ăn và nhà hàng cũng nghỉ hoặc chỉ lấy lượng hàng bằng nửa trước đây”, chị Vũ Thị Phượng ở chợ Ngọc Hà nói.

Nguồn cung lợn dồi dào trong khi sức mua chậm khiến giá loại thịt này đang có chiều hướng đi xuống. 

Báo cáo thị trường của Bộ Công Thương tuần đầu tháng 8 cho thấy, giá lợn hơi tại Cần Thơ đang giảm 2,21%; tại Đà Nẵng giảm 2,1%; tại TP.HCM giảm 2,04% và ở Hà Nội là 1,35%.

Giá lợn móc hàm tại Hà Nội, thay vì mức 45.000 đồng/kg trước đây, nay chỉ dao động từ 36-37.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này sẽ có thể tăng cùng với sức cầu trong một vài tháng tới.

  • Nguyễn Nga
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,