- Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị tăng thu cho ngân sách 4.166 tỷ đồng và giảm chi tới 2.731 tỷ đồng - kết quả kiểm toán năm 2008 về niên độ ngân sách 2007 nêu rõ. Đáng lưu ý, những kiến nghị của KTNN về xử lý tài chính đối với niên đội ngân sách 2006 chỉ đạt có 67%.
Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái. (Ảnh: H.Yên)
Chuyển cơ quan điều tra 1 vụ, thanh tra 5 vụ
Chủ trì họp báo công bố kết quả kiểm toán thu - chi ngân sách năm 2007 sáng 23/7, ông Lê Minh Khái, Phó Tổng KTNN, cho biết, mặc dù thu ngân sách đều đạt và vượt mức dự toán 16%, song tình trạng thất thu vẫn rất lớn.
Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị tăng thu cho ngân sách tới 4.166 tỷ đồng. Trong đó, từ thuế nội địa 1.203 tỷ đồng; thuế xuất nhập khẩu 1.415 tỷ đồng; phí, lệ phí 155 tỷ đồng; thu về đất 1.049 tỷ đồng, thu từ xổ số kiến thiết 75 tỷ đồng và thu khác ngân sách 269 tỷ đồng.
Điều đáng nói, chi tiêu tiền ngân sách vẫn hết sức lãng phí, vô tội vạ. KTNN đã kiến nghị giảm chi 2.731 tỷ đồng, các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý để nộp vào kho bạc 616 tỷ đồng; các khoản phải nộp và hoàn trả cho ngân sách 7.715 tỷ đồng.
Có thể nói, những hạn chế trong việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án chính là thủ phạm gây thất thoát của công. Có những dự án phải thay đổi tổng mức đầu tư, tổng dự toán nhiều lần.
Có dự án quyết định đầu tư nhưng không có tiền để triển khai, quá thời gian quy định lại phải lập lại dự án; rồi lựa chọn địa điểm xây dựng không phù hợp, phải dừng cả dự án.
KTNN cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài sản; kịp thời bàn giao đưa tài sản vào sử dụng; điều chuyển, thu hồi, xử lý 172 xe ôtô, 159 xe máy, 1 tàu công tác; thu hồi 753 ha đất...
Chẳng hạn, Dự án xử lý nước thải KCN Vĩnh Niệm - Hải Phòng vốn đã cấp phát 3 tỷ đồng và Dự án xử lý nước thải khu du lịch Vịnh Tùng Dinh - Cát Bà - Hải Phòng 23,52 tỷ đồng, hoàn thành rồi không hoạt động;
Hạng mục vườn ươm Thanh Táo, Công trình tuyến tránh Hà Nội - Cầu Giẽ đầu tư 1,2 tỷ đồng đến nay bỏ hoang...
Ngoài ra, tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún chậm được khắc phục, dẫn đến nhu cầu vốn cho các dự án vượt quá khả năng ngân sách. Điều này dẫn đến tình trạng có dự án phải kéo dài gần 20 năm.
Điển hình, Dự án đầu tư xây dựng trường Đại học Hàng Hải triển khai từ năm 1981 đến nay chưa xong do không bố trí đủ vốn.
Tổng nhu cầu vốn cho các dự án đã phê duyệt đến 31/12/2007của Hải Phòng là 12.871 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương hàng năm chỉ khoảng 1.401 tỷ đồng.
Như vậy nếu Thành phố dừng đầu tư xây dựng các công trình mới thì phải sau 9 năm nữa mới đầu tư xong những công trình đã phê duyệt.
Ông Lê Minh Khái cho biết, đã có những sai phạm đặc biệt ở một số doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước buộc KTNN phải chuyển 1 hồ sơ sang cơ quan điều tra, 5 hồ sơ sang cơ quan thanh tra.
Đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật là Công ty Thương mại và Đầu tư phát triển Hà Nội (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) khi đã làm thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.
DN này đã cho thuê mặt bằng đất, nhà đẹp với giá rẻ hơn thị trường; đầu tư không tuân thủ trình tự kỹ thuật và có biểu hiện mua một số vật tư thiết bị nhưng không đưa vào công trình; ký kết hợp đồng một số đối tượng là thuộc người nhà Ban giám đốc công ty...
Có 5 hồ sơ mà KTNN cũng đã kiến nghị chuyển sang cơ quan thanh tra, đó là các trường hợp của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng NN&PTNT, Bộ TN-MT, Hội Nông dân Việt Nam và Tổng cục Hải quan. Sai phạm chủ yếu là do một số dự án sử dụng sai mục đích, không hiệu quả nguồn vốn Nhà nước.
"Nhờn" kiến nghị xử lý của Kiểm toán?
Qua kiểm tra kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo và nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện xử lý tài chính năm 2007 còn thấp, chỉ đạt 67,3% tổng số kiến nghị, trong đó phần kiến nghị tăng thu chỉ đạt 56,6%.
Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các đơn vị đối với niên độ ngân sách năm 2006 đến ngày 8/4/2009:
Đơn vị tính: Tỷ đồng
Nội dung |
Số kiến nghị |
Số thực hiện |
Tỷ lệ (%) |
1 |
2 |
3 |
4=3/2 |
Tổng cộng |
4.664 |
3.138 |
67,3 |
1. Tăng thu NSNN |
2.764 |
1.566 |
56,6 |
2. Thu hồi do chi sai chế độ |
218 |
149 |
68,1 |
3. Chuyển quyết toán năm sau |
524 |
485 |
92,6 |
4. Ghi thu - ghi chi NSNN |
656 |
521 |
79,4 |
5. Giảm cấp phát, giảm khác |
502 |
417 |
83,1 |
"Tỷ lệ này là quá thấp so với mức 89% khi thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán niên độ ngân sách 2006", ông Khái thừa nhận. Điều này chứng tỏ ý thức chấp hành kết luận kiểm toán chưa nghiêm, hoặc liệu có vấn đề chất lượng kiểm toán hay cơ quan có sai phạm hết tiền?
Trước chất vấn của báo chí, ông Khái lý giải, nhiều vấn đề kiến nghị xử lý tại thời điểm đó cơ chế chưa đầy đủ hoặc quy định chưa rõ.
Ví dụ KTNN yêu cầu phải nộp lại ngân sách, nhưng khi yêu cầu thực hiện, các đơn vị này lại báo cáo với cơ quan chức năng Nhà nước cho cơ chế thực hiện.
Kết quả là không nộp ngân sách nhưng vẫn triển khai thực hiện kiến nghị của KTNN. Trong khi đó, số liệu xử lý tài chính không ghi vào được sổ sách nên khi so sánh về số lượng là tỷ lệ đạt thấp.
Thứ hai, đúng là có những đơn vị vì lý do khó khăn tài chính, vốn nên cũng không thực hiện được.
"Hiện KTNN đang rà soát lại toàn bộ các kiến nghị chưa thực hiện để làm việc với Bộ Tài chính, Chính phủ, Ủy ban Tài chính Quốc hội xem xét lại để có quyết định cuối cùng về việc này", ông Khái nhấn mạnh.
Về trách nhiệm của cá nhân có sai phạm trong việc quản lý sử dụng tài sản Nhà nước, lãnh đạo cơ quan KTNN cho rằng, tuy đã có hướng dẫn xử lý từ cuối năm 2007 theo Luật Phòng chống tham nhũng, song việc kiểm điểm xử lý cá nhân người đứng dầu DN, cơ quan có sai phạm vẫn rất phức tạp.
Trong kiểm toán 2008 về niên độ ngân sách 2007, KTNN đã kiến nghị hơn 20 điểm với các bộ ngành DN về hành vi, trách nhiệm liên quan đến tài sản công dẫn tới kém hiệu quả.
-
Hà Yên