- Các công ty lữ hành cho biết, đến thời điểm này, tình trạng huỷ tour đi nước ngoài do lo ngại dịch cúm A /H1N1 gần như không còn. Lượng khách đi du lịch dần tăng trở lại. Song, trước diễn biến khó lường của dịch cúm, giới lữ hành vẫn rất cẩn trọng.
Nhiều người Việt Nam vẫn đi du lịch nước ngoài khi dịch cúm bùng phát. (Ảnh: zensoft.vn)
Lây lan nhanh, phủ diện rộng nhưng dịch cúm A/H1N1 không đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng con người như dịch SARS. Qua giai đoạn đầu hoang mang, du khách dần dần bão hoà trước thông tin về đại dịch. Theo ghi nhận của các công ty lữ hành, chưa có vị khách nào sau khi xuất ngoại thì bị nhiễm cúm A/H1N1. Các tour du lịch ra nước ngoài (outbound) nay gần như hồi sinh.
Khởi hành đều đặn hơn
Tại Công ty lữ hành Vietravel, tình trạng huỷ tour outbound không còn. Thậm chí, lượng khách đi sang Thái Lan, Singapore, Malaysia... vẫn bằng hay tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc đều có dấu hiệu khách tăng trở lại. Tuy nhiên, thị trường Nhật khách vẫn ở mức trung bình, còn Mỹ nói riêng và khu vực Bắc Mỹ nói chung thì chỉ đạt 80% cùng kỳ năm trước.
Các tour outbound của Trung tâm Lữ hành quốc tế Hanoi Redtour đến tháng 5/2009 cũng khởi hành đều đặn hơn. Sau khi buộc phải "đóng cửa" một số tuyến đi Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Bắc Mỹ, đồng thời dời lịch khởi hành của một số tuyến đến Mỹ thì từ đầu tháng 7/2009, các thị trường này đã được Hanoi Redtour khởi động lại.
Fiditour có duy nhất một đoàn 20 khách đi Mexico bị huỷ vào tháng 5/2009. Hiện lượng khách đã trở lại bình thường. Dự kiến mùa hè 2009, công ty này sẽ đón khoảng 35.000 khách du lịch trong và ngoài nước, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ.
Hiện nay dịch cúm vẫn lây lan nhanh, trên phạm vi rộng nhưng Tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia vẫn không có bất cứ khuyến cáo gì về việc đi lại. Vì thế, hoạt động du lịch vẫn diễn ra bình thường. Hơn nữa, các đơn vị lữ hành lớn trong nước đều triển khai mua bảo hiểm nên khách phần nào yên tâm hơn. Thông thường, khách du lịch chỉ e ngại ban đầu, khi đã quyết định đi thì ít thay đổi nên tỷ lệ huỷ tour giảm hẳn.
Anh Hoàng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vừa cùng gia đình trở về sau chuyến du hí Singapore. Chưa hết hào hứng, anh bảo: "Tôi chỉ sợ không có tiền đi du lịch, chứ dịch cúm thông thường này mình chỉ cần cảnh giác, đề phòng là ổn. Ở trong nước vài chục người đã mắc bệnh nhưng sau khi điều trị đều phục hồi rất tốt đấy thôi".
Chưa thể lạc quan
Các tour du dịch nước ngoài đã bớt "hãi" dịch cúm. Ảnh: TTO.
Tuy nhiên, giới lữ hành vẫn rất cẩn trọng trước diễn biến dịch cúm. Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hanoi Redtour, cho biết, lo nhất là dịch có thể diễn biến theo chiều hướng xấu, như số người chết tăng, nhờn thuốc khi điều trị... khi đó, tình trạng khách du lịch giảm sẽ rất căng thẳng.
Trưởng phòng Truyền thông của Vietravel Nguyễn Minh Mẫn nói thêm, tâm lý khách sợ nhất là bị cách ly ở nước ngoài để điều trị nếu bị cúm. Khách sẽ phải tách đoàn, rồi việc lo ăn nghỉ, công việc... ở nhà sẽ khiến mọi chuyện có thể rối tung cả lên. Tất nhiên, trường hợp này là rất hiếm nếu khách luôn có các biện pháp đề phòng như vệ sinh, sát khuẩn... Khi đi về, nên chủ động cách ly với gia đình.
"Trong trường hợp bất khả kháng như có tuyên bố đóng cửa biên giới chẳng hạn, giới lữ hành khác không thể làm gì hơn là tạm để cho dịch qua đi, hy sinh lợi nhuận. Khi đó, đảm bảo an toàn tính mạng khách hàng là điều cần làm, không thể chỉ tính đến việc lo tăng lượng khách", bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc đối ngoại của Fiditour, khẳng định.
Trên thực tế, ở một số doanh nghiệp, mức độ giảm lượng khách outbound là rất lớn. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng phòng Kinh doanh của TransViet, ngao ngán, lượng khách đi nước ngoài của TransViet giảm tương đối mạnh, khoảng 30%. Như thị trường Hàn Quốc, sự hấp dẫn của mức giá rất rẻ mà phía Hàn tung ra không đủ sức kéo lượng khách tăng trở lại như ban đầu.
Cúm A/H1N1 cùng với suy thoái kinh tế cũng khiến cho lượng khách quốc tế vào Việt Nam giảm mạnh. Song, đa số các công ty du lịch nhận định, nguyên nhân sự sụt giảm này là do suy thoái kinh tế chứ dịch cúm không tác động nhiều đến quyết định của khách du lịch các nước.
Hiệp hội Du lịch châu Á -Thái Bình Dương (PATA) dự báo, triển vọng của ngành du lịch châu Á thời điểm này vẫn ảm đạm. Dự tính, lượng khách du lịch đến châu Á trong năm nay sẽ giảm khoảng 4% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn trì trệ. Điển hình, số du khách đến Hàn Quốc giảm 40%, hai nước Nhật Bản và Singapore cùng có mức giảm 30%.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Du lịch, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm gần 20%. Trong đó, khách quốc tế đến bằng đường hàng không giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường hàng không suy giảm mạnh là Trung Quốc giảm 39%, Hàn Quốc giảm gần 20%, Nhật Bản giảm 9,7%, Đài Loan giảm 17%... khiến hệ số ghế trung bình khách quốc tế chỉ đạt 36,5%.
-
Ngọc Hà