Thất vọng trước các số liệu kinh tế thế giới gần đây, hầu hết các thị trường chứng khoán lớn ở châu Á đã sụt giảm với biên độ lớn ngay trong ngày 13/7.
Chứng khoán Nhật giảm phiên thứ 9 liên tiếp. (Ảnh: AP) |
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 2,5% xuống còn 98,10 điểm vào lúc 4h chiều tại thị trường Tokyo. Đây là mức đóng cửa thấp nhất của chỉ số quan trọng này trong suốt 8 tuần qua.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,6%, tương đương 236,95 điểm, xuống 9.050,33 điểm. Như vậy, chứng khoán Nhật đã giảm điểm 9 phiên liên tiếp.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 3,5%, tương đương 50,5 điểm, xuống 1.378,12 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 2,8%, tương đương 489,98 điểm, xuống 17.221,88 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 1,07%, tương đương 33,38 điểm, xuống 3.080,56 điểm.
Chỉ số Straits Times của Singapore giảm 1,65%, tương đương 38,14 điểm, xuống 2.269,84 điểm. Chỉ số Bombay SE Sensitive của Ấn Độ giảm 0,64%.
Một số chuyên gia cảnh báo giới đầu tư cần tiếp tục thận trọng bởi thị trường trước đó đã tăng quá nóng, trong khi một loạt số liệu kinh tế của Mỹ, Nhật Bản công bố từ đầu tháng tới nay trên thực tế không như mong đợi.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 6 tăng lên mức 9,5% với 467.000 người bị mất việc làm. Đơn đặt hàng máy móc của khu vực doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản giảm 3% trong tháng 5/2009.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6/2009 giảm 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu giảm 13,2%, thặng dư thương mại còn 8,25 tỷ USD, thấp nhất trong hai năm qua.
Những thông tin này cũng ảnh hưởng tới giá dầu thô trên thị trường châu Á trong ngày. Tính đến 13h chiều 13/7 (giờ Việt Nam), giá dầu giao tháng 8 giảm 66 cents xuống 59,23 USD/thùng, thấp nhất trong 7 tuần qua.
-
Đ.T (theo AP, Bloomberg)