221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1219789
Du lịch châu Âu: "chớp" cơ hội của khách VIP
0
Article
null
Du lịch châu Âu: 'chớp' cơ hội của khách VIP
,

 - Rất nhiều khách VIP - những nhân vật quan trọng đứng đầu các tập đoàn, ngân hàng lớn... ở Việt Nam bị châu Âu mê hoặc, sẵn sàng chấp nhận giá tour đắt đỏ. Tới đây, sẽ có những sản phẩm giá chỉ bằng phân nửa mức mà các đơn vị lữ hành trong nước chào bán để hút khách ít... VIP hơn.

Trò chuyện với PV.VietNamNet, ông Đỗ Đức Tính, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Vietnam House, hé mở nhiều thông tin và ý tưởng mới về các tour du lịch hấp dẫn sang châu Âu. 

Vẻ đẹp của những công trình kiến trúc ở Vienne (ảnh voyages)

Một ngày đến Vienne có thể đi ba nước

- Hình dung của ông về châu Âu thế nào? Điều gì làm ông ấn tượng nhất khi đặt chân đến mảnh đất này?

- Lần đầu tôi đặt chân đến châu Âu đã quá xa rồi, cách đây gần 30 năm. Khi đó, ấn tượng khó tả lắm vì Việt Nam còn nghèo và lạc hậu nên mình như lạc vào một thế giới khác. Đấy cũng là lần đầu tôi xa quê hương - đến một nơi mà mình mới thấy qua phim ảnh, như phim của Liên Xô hay những quảng cáo rất ngắn, chỉ 10 phút với cảnh quảng trường, lâu đài, công trình kiến trúc... tất cả đều khác. Con người ở đây, tuy hồi đó còn hạn chế về ngôn ngữ, nhưng rất thân thiện.

- 30 năm đã trôi qua. Bây giờ khi sang châu Âu, những gì ở đây mà ông thấy còn nguyên, không bị phai mờ theo thời gian?

- Sau 30 năm châu Âu thay đổi rất nhiều, về thể chế chính trị, đặc biệt là sau biến động chính trị ở Liên Xô. Song, tồn tại có thể nói là mãi mãi là các công trình kiến trúc, thành quách, lâu đài... nói chung là những công trình văn hoá. Và thay đổi nữa là vẻ đẹp của hiện đại.

Chẳng hạn ở Hungary, thành phố Budapest được ví như Paris của Đông Âu - một thành phố rất đẹp nằm bên sông Danuyp mà khi đứng trước nó tôi luôn có những cảm xúc rất đặc biệt. Ở Budapest trước kia như một cô gái xinh đẹp, hiền hậu nhưng thiếu tiền mua quần áo mới, thì bây giờ nó khoác lên mình một bộ quần áo mới. Người đẹp vì lụa. Thành phố này đẹp lên rất nhiều, cảnh quan môi trường cũng thay đổi nhiều.

- Địa danh nào, con người ở đâu mà ông thấy ấn tượng nhất?

- Có lẽ là người Bungary. Cũng có thể do tôi đặt trên lên đó cách đây 30 năm nên có quá nhiều kỷ niệm. Người Bungary thân thiện, nhân hậu. Không chỉ cá nhân tôi, rất nhiều người đi du lịch đều nhận xét, người dân Đông Âu đặc biệt là vùng Bantican, rất thân thiện, hiền lành như người dân tộc.

- Nếu là người Việt lần đầu tiên sang châu Âu, ông khuyên nên đến thành phố nào, địa danh nào là tiêu biểu nhất, đại diện nhất cho châu Âu?

- Tôi đi cũng rất nhiều, nhưng có một thành phố chắc chắn rất nhiều người biết đến và thích thú, nó có thể tổng hợp của rất nhiều thứ mà người ta có thể nhìn thấy, xem được và nghe được, đó là Vienne - Thủ đô của Áo.

Thành phố này không quá lớn như Moscow, không đẹp một cách mỹ miều như Paris hoặc không thể lộng lẫy như Roma, nhưng nó đặc biệt với người mê âm nhạc bởi đó là quê hương của Mozart. Và đây là một trong những thành phố sạch nhất châu Âu. Rất sạch, rất đẹp, cái gì cũng gọn gàng.

Thành phố đó lại nằm giữa Đông và Tây, tức là cách Thủ đô Bratislava của Slovakia 70km, cách Thủ đô Budapest của Hungary chỉ 200km. Như vậy, nếu tới Vienne thì trong một ngày có thể đi ba nước, xem được rất nhiều thứ. Họ cũng có những công viên nổi tiếng, họ có những lâu đài, họ có những cung điện, những quảng trường, nhà thờ nổi tiếng. Ngoài ra, họ có những nhà hát opera mà ai am hiểu âm nhạc cũng biết đến.

Đoàn khách Việt lớn nhất chưa nổi 50 người

- Đâu là trở ngại chính khiến cho lượng du khách ra Việt Nam đến châu Âu không nhiều như sang châu Á, đặc biệt là một số nước lân cận Việt Nam như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, thưa ông? Liệu tài chính có phải là yếu tố gây trở ngại?

- Tôi nghĩ vấn đề tài chính, nếu nói không phải là vấn đề cũng không đúng. Bởi thu nhập của người Việt Nam, với tour du lịch quá đắt, lên tới 3.900-4.000 USD cho 10 ngày đi châu Âu - mà một số DN uy tín tại Việt Nam đang bán - thì không có quá nhiều người có thể bỏ ra được để đi chơi.

Một trở ngại nữa liên quan đến visa. Đặc biệt những năm gần đây, việc cấp thị thực cho người Việt Nam sang châu Âu khó khăn hơn. Đối với các công ty lữ hành, phía các đại sứ quán đòi hỏi rất nhiều thứ, như chứng minh khả năng tài chính (ngoài tiền mua tour), rồi phải có tiền đặt cọc để ràng buộc rằng người ta đi du lịch sẽ quay về. Phỏng vấn của sứ quán các nước khi cấp thị thực cũng không hề dễ dàng.

Ông Đỗ Đức Tính (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Tôi nghĩ Việt Nam với dân số gần 90 triệu người, nếu tính tỷ lệ 10% có điều kiện đi du lịch nước ngoài, đặc biệt là châu Âu, thì cũng không phải là nhỏ. Nhưng tại sao bây giờ các DN lữ hành mới đếm được số lượng, rất ít tổ chức được các tour lớn đi nước ngoài?

Tôi có tìm hiểu qua ông Nguyễn Phú Đức, trước đây là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nay là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thì được biết chưa có DN nào tổ chức được đoàn trên 50 khách Việt đi châu Âu. Nhiều nhất cũng chỉ 39 người. Mà tổ chức đi được cũng là nhờ kết hợp với hội chợ ASANTA ở Bỉ chứ không đơn thuần là du lịch.

Đối với đa số người Việt Nam khi có tiền lại không đáp ứng được tiêu chí, điều kiện về thị thực để đi. Những người có điều kiện đi lại không có tiền, ví như công chức có vị trí, có thời gian thì tiền lương không cho phép.

Trong nước, nhiều tổng công ty, tập đoàn lớn cũng có ý tưởng rất hay. Họ thưởng cho những vị trí lãnh đạo, những người làm việc tốt một chuyến du lịch ra nước ngoài. Nhưng ngay Tổng cục Du lịch cũng chưa có chiến lược để hỗ trợ cho ý tưởng đó. Các DN lữ hành thì hoạt động lẻ tẻ, đơn thuần chỉ là cá nhân muốn đi, đóng tiền thì họ tổ chức.

- Nhưng Tổng cục Du lịch cũng có lý của mình khi kêu gọi người Việt Nam trước khi xuất ngoại hãy đi du lịch trong nước trước để tiêu tiền trong nước, góp phần kích thích sản xuất? Ông có nghĩ đó là lý do chính đáng để họ không khuyến khích những ý tưởng trên?

- Tôi nghĩ cái đó là mới một chiều, bao giờ cũng phải có đi có lại. Nếu mình tìm mọi cách để thu hút khách nước ngoài vào du lịch Việt Nam thì các nước cũng muốn thu hút khách du lịch vào.

Đơn thuần một công ty du lịch Việt Nam chỉ trông mong đón khách nước ngoài mà không có khách đi thì đương nhiên đối tác ở nước ngoài, đặc biệt là các công ty lữ hành có uy tín, lại không coi trọng đối tác đó.

Họ sẽ nghĩ rằng, các ông chỉ trông mong chúng tôi vào sử dụng dịch vụ của các ông, tiêu tiền trên đất nước các ông trong khi các ông không tạo điều kiện đưa khách của các ông sang nước tôi? Tại sao người Nhật sang đây rất nhiều? Dân mình cũng muốn đi Nhật chứ. Mỹ cũng vậy, khách Mỹ sang Việt Nam rất nhiều. Do vậy, nên có cơ chế hỗ trợ để người Việt Nam cũng được sang Mỹ, ít nhất là đi du lịch để khám phá.

Hít thở không khí Tây, ăn đồ Việt Nam

- Vậy, làm thế nào để có giá tour tiết kiệm và hấp dẫn nhất với khách?

- Chúng tôi có những điều kiện mà phải tận dụng.

- Ông có thể nói cụ thể hơn?

- Chẳng hạn như nếu khách đi sang châu Âu thì tiết kiệm đầu tiên là từ thủ tục visa. Thay vì như các công ty du lịch trong nước phải làm việc với các đối tác nước ngoài, có hợp đồng và phải trả một khoản tiền không nhỏ để hai bên cùng tổ chức tour, chúng tôi có thể trực tiếp kết hợp với một công ty lữ hành trong nước hoặc làm độc lập mà không phải trả tiền cho ai cả.

TIN LIÊN QUAN
Vietnam House vừa qua đã mua ASPEN Travel, mà gốc gác là một trong số 4 công ty lữ hành nổi tiếng ở Hungary. Họ có đầy đủ hệ thống, từ khách sạn đến nhà hàng... trong đó quan trọng nhất là thương hiệu. Do đó, nhờ có sẵn hệ thống hạ tầng ở nước ngoài nên chúng tôi tự cân đối được giá.

Thứ hai, chúng tôi sử dụng hạ tầng đã có là hệ thống khách sạn đang sở hữu, tổng cộng khoảng 50 phòng, có thể đón được đoàn khách 50-70 người.

Đặc biệt, có đoàn lớn hơn trăm người mà tới đây VietNamNet tổ chức đi thì đó là kỷ lục của Việt Nam rồi (cười).

Khi đó, nhu cầu lên tới hàng trăm phòng thì chúng tôi có thể làm việc với bạn bè, đồng nghiệp bên kia hỗ trợ. Chúng tôi cũng có thể điều chỉnh lại giá, có thể giảm tới 50% cho khách. Tại Đức, Vietnam House cũng có những hệ thống khách sạn tương tự.

- Trong cơ cấu giá tour thì ăn uống, vận chuyển cũng chiếm tỷ trọng lớn, có cách nào để giảm thiểu chi phí?

- Bây giờ người ta đi du lịch thường để khám phá nhiều thứ, trong đó có ẩm thực Song, khám phá chỉ là thưởng thức chứ không phải ngày nào cũng như ngày nào chỉ bắt người ta ăn những món lạ, đặc biệt là người Việt Nam.

Kinh nghiệm cho thấy, kể cả các đoàn của Bộ, ngành, tỉnh đi nhiều nhưng thường là khách muốn được đi ngắm cảnh, hít thở không khí Tây nhưng ăn đồ Việt Nam.

Chúng tôi tổ chức nấu ăn theo kiểu Việt Nam. Vietnam House có nhà hàng nấu món ăn Á chứ không phải đưa khách vào các nhà hàng Tây đắt đỏ, nhất là chi phí trà nước. Giá thành cho một suất ăn ở Đức có thể lên tới 25-30 USD, nhưng nếu nấu ăn ngay tại khách sạn mình ở vừa rất ngon, vừa hợp với người Việt mà giá chỉ 5-7 USD. Vào nhà hàng, một chai rượu có thể phải trả 15 EUR, nhưng chai rượu đó mình mua chỉ 2,5 EUR.

Sắp tới, phối hợp với Saigontourist và Công ty CP Truyền thông Sáng tạo VietNamNet, Vietnam House sẽ tổ chức chuyến đi cho 160 trưởng đại diện đại lý từ Hungary vào Việt Nam. 

"Chúng tôi mời những đại lý - người thực sự làm du lịch sang Việt Nam, chứ không mời lãnh đạo các công ty, tập đoàn lữ hành. Họ mới chính là người tư vấn trực tiếp cho khách", ông Tính cho biết. 

Kết hợp mỗi thứ một ít, giá tour chúng tôi làm bằng chỉ bằng phân nửa giá của các đơn vị lữ hành khác.

Nhưng đó cũng chỉ là một vấn đề, quan trọng hơn cả là thị thực. Chúng tôi đã có quan hệ, nói thẳng là có lòng tin với đại sứ quán các nước nên xin thị thực cũng dễ dàng hơn nhiều. Nói điều này có thể không đúng với quy chế lắm, nhưng khi người ta có lòng tin thì khác.

Chẳng hạn, khách không cần phải đến đại sứ quán xin hồ sơ, phỏng vấn. Vietnam House được uỷ quyền trực tiếp phỏng vấn và chịu trách nhiệm trước sứ quán. Đây là điều không phải ai cũng làm được.

- Tổ chức tour làm hài lòng tất cả du khách rất khó, đặc biệt khi đối tượng là người có tiền, có học thức. Làm thế nào để chiều hết họ?

- Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều đoàn đi, kể cả những khách mà Việt Nam gọi là rất VIP. Ở đây VIP là những nhân vật quan trọng của các tập đoàn lớn, như chủ tịch HĐQT, giám đốc ngân hàng... Ví như công ty Bia A., chỉ là vị giám đốc một bộ phận trong công ty lương tháng 60-70 triệu đồng cũng là khách VIP, chưa nói đến chuyện tổng giám đốc lương hàng trăm triệu.

Họ có những yêu cầu riêng mà mình phải đáp ứng, chiều đúng ý. Chẳng hạn, họ không cần đi tham quan nhiều mà phải đến các địa danh này, địa danh kia... Từ sân bay, khi đưa tiễn phải đi cửa VIP chứ không phải bắt xếp hàng chờ làm thủ tục. Khi đó, chúng tôi có công văn đề nghị cửa khẩu hay kết hợp bộ phận VIP của sân bay để chiều khách, để khách cảm thấy xứng đáng với đồng tiền bỏ ra.

Thậm chí, có những người rất mê âm nhạc. Họ yêu cầu 4h chiều tới Vienne thì 6h30 phải vào nghe hoà nhạc (mà vé đó phải mua trước cả năm), nhưng chúng tôi phải mua được vé rồi ra sân bay đón họ, đưa họ về khách sạn tắm rửa ăn uống trước khi vào nhà hát. Những khách đó là rất VIP.

Có rất nhiều ý tưởng hay mà phía VietNamNet đề xuất, sắp tới sẽ được thực hiện, như tổ chức cho doanh nhân ra nước ngoài. Đây không đơn thuần là du lịch mà còn những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các doanh nhân nước ngoài, những nhân vật nổi tiếng, dự một hội thảo chuyên ngành để học hỏi... mà trước đó các đơn vị trong nước không có điều kiện tổ chức.

- Xin cảm ơn ông.

  • Hà Yên (thực hiện)

      

    Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
     hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !

    Đường dây nóng:               (091)356-4657        hoặc (04)3772-2729
    Email:
    bvkh@vietnamnet

                  

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,