- 669 triệu đồng thu về trong vòng chưa đầy 24h. Con số ấn tượng trên là doanh thu bán hàng của 24 doanh nghiệp trong chiến dịch "Đưa hàng Việt về nông thôn" diễn ra từ tối 2/7 đến trưa 3/7 tại Lục Ngạn, Bắc Giang.
“Cắm mặt xuống đất”… bán hàng
Vũ Hồng Điệp, Tổ trưởng quản lý kênh phân phối mới tại miền Bắc của Ace cook “than vãn” một cách vui vẻ như vậy, sau hơn chục tiếng vã mồ hôi đứng bán hàng.
Hơn 700 thùng mỳ Ace cook đã hết veo, sáng 3/7 phải “bơm thêm” hàng từ đại lý mới phục vụ kịp bà con nông thôn Lục Ngạn.
“Đấy là Ace cook còn hết quà khuyến mại rồi, chứ không thì khéo không ngẩng mặt lên được mất”, Điệp khoe.
Chưa đầy 24h, Ace cook đã bán được 700 thùng mỳ. (Ảnh: Phan Hùng) |
Ở góc đầu chợ, Phí Ngọc Chung, ông chủ của Công ty Trung Thành tuy “nhăn nhó” vì nắng, nhưng liên tục gật đầu hài lòng trước đám đông tập trung quanh xe nước mắm, tương ớt Trung Thành…
Các quầy hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, bánh kẹo Kinh Đô, Vinatexmart, thực phẩm Vissan, Bóng đèn phích nước Rạng Đông, nhôm Kim Hằng… cũng đều đông nghẹt người xem và mua sắm, nhất là sau 7h tối.
Rất nhiều người ôm nguyên một thùng mỳ, bánh kẹo, nước giải khát… với lý do “tranh thủ hàng xịn giá rẻ”, dù thực tế giá chỉ giảm 5-10%.
Tuy nhiên, bất ngờ lớn nhất thuộc về Nhựa Chí Thành. Lần đầu làm quen với thị trường miền Bắc, doanh nghiệp phía Nam này đã đạt doanh số bán hàng cao nhất trong đoàn: 100 triệu đồng. Xe tải hơn 2.000 chiếc mũ bảo hiểm của Chí Thành gần như bị “vét” hết. Có người còn mua hẳn 1 thùng hàng để về bán lại.
Điều khiến ông Nguyễn Công Tâm, giám sát bán hàng của Nhựa Chí Thành, “sung sướng" nhất là sự đón chào quá mức mong đợi của người dân địa phương.
“Mới bán có mấy tiếng thôi mà đã có 5 tiểu thương đến gặp tôi xin làm đại lý phân phối rồi. Công ty đã quyết định mở ngay một kênh phân phối tại thị trường phía Bắc, chứ không chịu để trống nữa”, ông Tâm hồ hởi.
Bác nông dân này đang thử giày vải Thượng Đình. (Ảnh: Phan Hùng) |
Mở thêm và củng cố kênh phân phối tại các xã vùng xa cũng là “kết luận” của ông Lương Vạn Vinh, Tổng Giám đốc Mỹ Hảo, sau thành công của phiên chợ. Đích thân từ TP.HCM ra Bắc Giang đứng bán hàng, ông Vinh nhận thấy nhu cầu thị trường nông thôn ở cả ba miền đều rất lớn, chỉ có điều hàng Việt chưa tiếp cận tốt.
Đây cũng là trăn trở của bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) – nhà tổ chức chuyến hàng Việt về quê này.
“Người tiêu dùng phía Bắc hóa ra có sức mua rất tốt và cũng tín nhiệm hàng Việt lắm, nhưng lâu nay các doanh nghiệp Việt lại để họ cho nhà sản xuất Trung Quốc chăm sóc mất”, bà Hạnh nhận xét.
Giành lại thị trường nội địa
Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại Lục Ngạn đã thành công rực rỡ, nhưng khi sự hồ hởi vì bán được hàng qua đi, các doanh nghiệp mới “ngộ" ra được rất nhiều điều. Đặc biệt, chuyến khảo sát chợ huyện Lục Ngạn, tiếp xúc với các tiểu thương sáng 3/7 khiến nhiều doanh nghiệp phải suy nghĩ.
Bà Hạnh kể, một chị tiểu thương đã kéo bà lại nhận xét rất thật “tôi vào chợ tối qua rồi, hàng dệt may Việt Nam mẫu mã cũng được, nhưng giá cả không thể cạnh tranh được với hàng của tôi”.
“Hàng của tôi” mà chị nói đa phần là quần áo Trung Quốc giá rẻ.
Mũ bảo hiểm Chí Thành giá 180.000 đồng, nhưng hoàn toàn tự tin trước mũ bảo hiểm Trung Quốc 40.000 đồng. (Ảnh: Phan Hùng) |
Câu nói của chị phản ánh một thực tế đầy thách thức với hàng Việt.
Xác nhận điều này, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang Nguyễn Mạnh Hà cho biết năm nào cũng vậy, sau vụ thu hoạch vải người dân có dư tiền nên nhu cầu mua sắm lớn. Đó chính là lúc “hoàng kim” của hàng Trung Quốc, tranh thủ dịp người dân tiêu tiền, trong khi doanh nghiệp Việt lại bỏ trống địa bàn.
Bác Hoàng Văn Lý, đi 10km đến mua 2 chiếc phích nước Rạng Đông mỗi chiếc 110.000 đồng cho biết: “Đến đây mới mua được phích Rạng Đông chứ ra chợ toàn hàng Trung Quốc thôi”. Một chị mua chảo nhôm Kim Hằng cũng cho hay, xoong chảo nhà chị toàn hàng Trung Quốc vì muốn mua hàng Việt cũng chẳng biết thương hiệu nào đảm bảo.
Chiến dịch “Đưa hàng Việt về nông thôn” Do Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao, thông qua Trung tâm BSA tổ chức với mục tiêu chiếm “não phần” của người tiêu dùng nông thôn. Từ đầu 2009 đến nay, BSA đã thực hiện thành công 4 phiên chợ đưa hàng Việt về quê tại An Giang, Khánh Hòa, Trà Vinh và Bắc Giang. Kế hoạch tiếp theo là Bình Định (10 - 11/7) và các địa phương Bến Tre, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, Đồng Nai… |
Sáng 3/7, nhiều tiểu thương tại chợ huyện Lục Ngạn đã níu đoàn doanh nghiệp lại thắc mắc: “Sao chỉ bán có 2 ngày thôi, sao không kéo dài 6 ngày, hàng Việt mình cứ đưa về đây chúng tôi bán cho chứ xưa nay chỉ toàn hàng Trung Quốc đến mời chào”.
Sự chào đón của người dân đã cho thấy sự thành công của chuyến hàng Việt về quê.
Nhưng làm sao nối dài điều đó thành những kênh phân phối lâu dài, “bám rễ” thật sự là điều bà Kim Hạnh băn khoăn: “Doanh nghiệp Việt có cái dở là chưa quan tâm đến những vùng nông thôn, nếu có quan tâm thì không làm đến nơi đến chốn".
Sự lo lắng của bà Hạnh rất có cơ sở. Bởi điều quyết định sức mua, ngoài chất lượng, giá cả, mẫu mã chính là sự dễ mua, dễ tiếp cận.
Hàng Việt dù tốt đến mấy, nhưng nếu để người dân đi hàng cây số mới mua được cũng không thể cạnh tranh được với hàng ngoại phục vụ tận cửa.
Giành lại đất của hàng nhập ngoại trong vài giờ không khó, nhưng về lâu dài cần phải có nhiều quyết tâm và cả tiền bạc đầu tư.
-
Phan Hùng