- Trung tâm Thương mại - Đầu tư và Du lịch Đắc Lắc cho biết, trên đà “tụt dốc” về giá từ nửa tháng trở lại đây, giá cà phê nhân xô trên thị trường Đắc Lắc ngày 25/6 chỉ còn 21.500 đồng/kg - mức giá thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Do tính toán sai, nhiều doanh nghiệp đang lỗ nặng.
Cố tình lũng đoạn thị trường
Một chuyên gia cà phê nhận định, chưa lúc nào giá cà phê trên thị trường thế giới có sự biến động nhanh với biên độ lớn như hai tuần qua. Giá cà phê giao dịch tại thị trường thế giới ngày 10/6 đang đứng ở mức 1.557 USD/tấn sau đó liên tục giảm mạnh, xuống 1.547 USD/tấn (ngày 12/6), 1.472 USD/tấn (ngày 16/6), 1.370 USD/tấn (ngày 22/6) và hôm nay (25/6) chỉ còn 1.325 USD/tấn.
Khoảng cách giá trên thị trường thế giới chỉ sau hai tuần chênh lệch nhau 232 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam thua thiệt vì không nắm bắt được thông tin thị trường. (Ảnh: agroviet)
Do giá cà phê trên thị trường thế giới giảm mạnh đã kéo giá trong nước từ 25.400 - 25.500 đồng/kg vào ngày 10/6 xuống còn 21.500 đồng/kg vào sáng 25/6, giảm tới 4.000 đồng/kg.
Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 3 năm qua kể từ năm 2007, khi giá cà phê vừa vượt khỏi sự trầm lắng để đạt đỉnh 42.000 đồng/kg hồi đầu năm 2008.
Ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cao cấp về cà phê, cho rằng, giá cà phê thế giới sụt giảm vừa qua là có lý của nó khi cà phê chè (arabica) khan hiếm do Columbia - nước sản xuất chính - bị mất mùa, đẩy giá lên cao. Người tiêu dùng chuyển sang dùng cà phê vối (robusta).
Theo ông Nhạn, lẽ ra giá cà phê robusta phải tăng. Tuy nhiên, các nhà đầu cơ tính toán, năm tới giá cà phê vẫn ở mức cao vì sản lượng cà phê của Brazil dự kiến đạt thấp. Chính vì vậy, họ dồn dập mua để dự trữ sẵn trong kho.
Việc họ cố tình dùng động tác kỹ thuật để gom được giá rẻ, vì thế không có gì lạ, nhưng đã gây biến động mạnh trên thị trường.
Tính toán sai, thiệt hại nặng nề
Trong nhiều ngày liền, giới đầu cơ ngừng mua để đẩy giá xuống thấp. Do thiếu thông tin, phía doanh nghiệp Việt Nam đã dự báo sai diễn biến giá, đồng thời đua nhau đầu cơ, chấp nhận mua hàng hóa trong nước với giá cao, chờ cơ hội chốt giá trên thị trường London cao hơn.
Chỉ tính số hợp đồng đến hạn chốt giá tháng 7 đã tới 18.000 lot, tương ứng 180.000 tấn (khoảng 20% sản lượng cà phê niên vụ 2009). Nắm bắt được tình trạng này, các nhà nhập khẩu nước ngoài, quỹ đầu cơ đã dìm giá để có cơ hội hốt hàng giá thấp.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê đang lỗ nặng do mua phải lúc giá cao, chưa kịp xuất hàng thì nay phải chịu lỗ tới gần 100 USD/tấn.
Trả lời báo giới, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Hòa, nói rằng, tại thời điểm này, do áp lực chốt giá, chuyển thời gian hợp đồng rất lớn buộc một số hợp đồng phải chuyển giao từ tháng 7 sang tháng 9, mất phí 35 USD/tấn. Thậm chí, nếu chuyển sang tháng 11 mất tới 50 USD/tấn.
Tuần qua, có doanh nghiệp ký hợp đồng giao xa được nhà nhập khẩu ứng trước 70% hợp đồng, giá giao dịch xuống mạnh dưới cả giá đã ứng trước, hợp đồng tự động thanh lý. Chỉ trong một ngày, nhà đầu cơ mua được 5.000 lot (tương ứng 50.000 tấn) cà phê giá rẻ của Việt Nam.
Không nên bán tống bán tháo
Ông Đoàn Triệu Nhạn cho rằng, các DN và bà con không nên quá lo lắng mà bán tống bán tháo với mức giá thấp. Khi càng đổ xô ra bán, thị trường cà phê thời gian tới càng thêm ảm đạm. Khi đó, chỉ đầu cơ là có lợi, còn mình thua thiệt. Hơn nữa, các vụ trước cà phê vẫn được giá nên không phải bà con không có tiền, quá khó khăn mà phải đẩy mạnh bán ra.
Theo ông Nhạn, hiện nay, sản lượng cà phê của Việt Nam còn khoảng 100.000 tấn của vụ trước, cộng với khoảng 200.000 - 300.000 dự kiến thu hoạch vào cuối năm, như vậy có tổng cộng 400.000 tấn cà phê xuất khẩu. Trong khi đó, giá cà phê xuất khẩu robusta còn chưa tới đáy mà trồi sụt thất thường.
Ông Nhạn dự báo, thường thì giá thấp nhất là vào vụ 3, thời điểm giáp hạt. Ông An cũng nhận định, sau đợt "quét" hàng này, lượng hợp đồng tồn đọng giảm bớt, ít nhất tháng 8/2009 giá mới có cơ hội phục hồi.
Ngoài ra, đến tháng 7-8, Brazil và Columbia thu hoạch cà phê nhưng do sản lượng không cao, các nước này không thể bán nhiều vào đầu vụ. Tiêu dùng cà phê dự báo vẫn tăng không giảm nên giá sẽ sớm tăng trở lại.
Song, điểm yếu dẫn tới các doanh nghiệp luôn thua thiệt là tính liên kết không cao, doanh nghiệp không bảo được nhau. Đơn cử, tổng công suất nhà máy chế biến cà phê hiện nay vượt quá sản lượng cà phê Việt Nam, song tỷ lệ xuất khẩu cà phê qua chế biến chưa vượt 30% sản lượng.
-
Ngọc Hà