- Các doanh nghiệp, cơ sở thu mua 5 loại quả của Việt Nam gồm vải thiều, nhãn, dưa hấu, chuối và thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc đang gấp rút khai báo "lý lịch" để có một hồ sơ rõ ràng về nguồn gốc, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm để kịp hoàn thành trước ngày 1/7 tới.
Ngược lại, các loại quả của Trung Quốc nhập vào Việt Nam cũng sẽ phải ghi rõ nơi trồng, cơ sở đóng gói, xuất khẩu. Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, đây là cơ sở để cơ quan quản lý hai nước có thể truy xuất được nguồn gốc hàng hoá.
Ngoài ra, nhờ việc đăng ký, chứng nhận nguồn gốc rõ ràng 5 loại trái cây, việc kiểm tra, quản lý của các cơ quan chức năng hai nước cũng dễ dàng và chặt chẽ.
Nhãn cũng phải đăng ký lý lịch. (Ảnh: khuyennong)
Triển khai ì ạch
Tuy nhiên, công việc triển khai đăng ký "lý lịch" cho 5 loại trái cây đang rất ì ạch. Tại Bắc Giang, từ 25/5, Sở NN&PTNT tỉnh đã thông báo tới các nhà vườn về việc đăng ký nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Song, đến thời điểm này, mới chỉ có 5% diện tích, tương đương 2.900/39.000ha vải của toàn tỉnh đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, 40% số vải thiều trên địa bàn xuất sang Trung Quốc.
Tương tự, Hải Dương hiện có 14.000ha vải nhưng đến nay cũng mới chỉ có 4.700ha được đăng ký nguồn gốc, xuất xứ và nhãn hiệu.
Dự kiến, ngày 26/6 tới, tại Hà Nội, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo triển khai việc đăng ký xuất khẩu 5 loại trái cây nêu trên sang Trung Quốc, hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như người dân hiểu rõ hơn về công việc này.
Còn Hưng Yên, một vựa nhãn của miền Bắc, đến ngày 17/6, cũng cho hay hiện vẫn chưa có báo cáo về số lượng đăng ký để gửi về Cục Trồng trọt.
Số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy, hiện mới chỉ có 31 tỉnh, thành có danh sách các doanh nghiệp, cá nhân gửi về Cục để đăng ký xuất khẩu 5 loại quả sang Trung Quốc, đạt gần 50%.
Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá tốc độ đăng ký như vậy là quá chậm.
Sau ngày 18/6, nếu tỉnh nào chậm thì sẽ phải chịu trách nhiệm bởi đến 25/6, Bộ sẽ chốt danh sách để gửi cho cơ quan chức năng của nước bạn về những doanh nghiệp Việt Nam đăng ký và có chứng nhận nguồn gốc xuất khẩu 5 loại trái cây.
Tuy nhiên, ông Phùng Hữu Hào lại khẳng định, hai bên đã thỏa thuận rằng sẽ cập nhật thường xuyên danh sách các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu, chứng nhận nguồn gốc, còn thời điểm 1/7 là bắt đầu thực hiện chứ không phải đã chốt danh sách.
Làm quen với chuyên nghiệp
Theo Cục Trồng trọt, hiện mỗi năm nước ta đang xuất khẩu khoảng 270.000-300.000 tấn trái cây, đạt giá trị gần 100 triệu USD. Còn số liệu từ Tổng cục Hải quan, riêng năm 2008, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch 1,9 tỷ USD về các loại nông sản. Tiềm năng thị trường rất lớn bởi mỗi khi vào vụ, khoảng 80% trái cây Việt Nam vẫn tiêu thụ trong nước.
Việc đăng ký "lý lịch" cho trái cây, nhất là đối với các nhà vườn, với bà con nông dân, bước đầu sẽ gặp nhiều khó khăn. Lâu nay, bà con luôn phó mặc việc tìm đầu ra cho tư thương hay các doanh nghiệp đầu mối.
Bản thân nhiều doanh nghiệp, hoặc chưa ý thức được lợi ích thiết thực của việc đăng ký, hoặc thiếu thông tin nên đến nay vẫn rất mù mờ, chưa triển khai.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm vượt qua giai đoạn bỡ ngỡ, làm quen để tiến tới chuyên nghiệp hoá trong việc xuất khẩu nông sản. Đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và các tiêu chuẩn về chất lượng khi hội nhập chính là cơ hội để mở rộng sản xuất.
Ngay từ bây giờ, người sản xuất và các địa phương, doanh nghiệp cần hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu có giá trị hàng hóa lớn, áp dụng bộ tiêu chí GlobalGAP hoặc VietGAP trong quá trình thâm canh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh gắn kết “4 nhà” bảo đảm được đầu ra cho sản phẩm và hiệu quả kinh tế cho người trồng.
Và việc áp dụng thỏa thuận đăng ký cho trái cây trước 1/7 được xem như một áp lực để nông sản xuất khẩu của Việt Nam sớm đẩy nhanh quá trình này.
-
Ngọc Hà