Điểm nhấn kinh tế thế giới tuần từ 24-30/5 là lạm phát ở châu Âu giảm xuống còn 0%. Trước đó, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu, Jean-Claude Trichet, cảnh báo lạm phát trong khối có thể chuyển thành thiểu phát trong vài tháng tới.
An ninh năng lượng là một trong các vấn đề nghị sự tại hội nghị bộ trưởng năng lượng G8. (Ảnh: AFP) |
Ngày 24/5, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng nhóm G8 đã khai mạc tại thủ đô Roma của Italy. Trọng tâm thảo luận của hội nghị là các vấn đề ứng phó với sự biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh năng lượng thế giới và viện trợ năng lượng cho châu Phi.
Ngày 25/5, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tuyên bố, Tổng sản phẩm quốc dân trong quý 1/2009 của các quốc gia thành viên giảm 2,1%, mức giảm tính theo quý cao nhất kể từ năm 1960. Trong đó, Nhật Bản giảm mạnh nhất với 4%, tiếp theo là Đức với 3,8%.
Ngày 26/5, Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu công bố số liệu cho thấy, lượng đơn đặt hàng công nghiệp tháng 3 của khu vực đồng Euro giảm 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã giảm 34,2% trong tháng 2.
Đây là tháng thứ 8 liên tiếp, lượng đơn đặt hàng công nghiệp khu vực này giảm sút, chủ yếu là do khủng hoảng kinh tế làm ảnh hưởng xấu đến lượng cầu về máy móc và thiết bị.
Hôm 27/5, Ủy ban châu Âu đề xuất tăng cường vai trò giám sát của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng như vai trò của thống đốc các ngân hàng trung ương 27 nước thành viên Liên minh châu Âu, một động thái nhằm đảm bảo sự ổn định hệ thống tài chính trong khu vực.
Ủy ban châu Âu đề nghị tập trung quyền giám sát tài chính vào tay ECB. (Ảnh: AFP) |
Mặc dù hiện tại, các nước thành viên khu vực này đã sử dụng một đồng tiền chung và chịu sự điều hành của một ngân hàng trung ương thống nhất, nhưng hầu hết những điều chỉnh trong các hoạt động ngân hàng vẫn thuộc về sự quản lý của mỗi quốc gia. Do đó, kế hoạch mới kêu gọi nên có sự tập trung quyền giám sát tài chính vào tay ECB.
Doanh số bán nhà đã sử dụng của Mỹ trong tháng 4/2009 tăng lần thứ 2 trong vòng 3 tháng qua. Việc giá nhà đất hạ đã hấp dẫn người tiêu dùng. Cụ thể, số lượng nhà đã sử dụng được mua tăng 2,9% lên mức tính trung bình theo năm là 4,68 triệu căn. Mức giá nhà bán trung bình hạ 15% so với 1 năm trước đó.
Cùng ngày, Cơ quan bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) công bố, thu nhập ròng của các ngân hàng thuộc diện bảo hiểm của cơ quan này đạt 7,6 tỷ USD trong quý 1/2009, khả quan hơn rất nhiều so với mức thua lỗ 36,9 tỷ USD trong quý 4/2008.
Tuy nhiên số “ngân hàng có vấn đề” vẫn tăng lên. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, 21 ngân hàng đã phải đóng cửa, trong khi tổng số nhà băng Mỹ sụp đổ của cả năm 2008 là 25.
Hôm 28/5, bộ trưởng 12 nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhóm họp tại thủ đô Vienna (Áo) đã nhất trí giữ nguyên hạn ngạch sản xuất ở mức 24,840 triệu thùng dầu/ngày.
Giá dầu trong tuần có lúc vọt lên 66,31 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua. (Ảnh: AFP) |
Theo ông Abdullah Salem el-Badri, Tổng thư ký OPEC, tổ chức này tôn trọng các nguyên tắc về sản lượng nhằm duy trì giá dầu ở một mức hợp lý, bởi lẽ giá dầu giữ ở mức thấp sẽ nguy hại đến đầu tư sản xuất, không có lợi cho tính ổn định thị trường dầu mỏ trong tương lai.
Theo báo chí Mỹ, hôm 28/5, “đại gia” xe hơi General Motors (GM) đã đưa ra một bản đề xuất, theo đó, các trái chủ sẽ sở hữu 25% cổ phần GM, nếu họ không phản đối kế hoạch bảo hộ phá sản của GM để tái cơ cấu. GM cho biết, một nhóm đại diện cho nhiều trái chủ lớn của GM đã đồng ý với đề xuất này.
Trước đây, khi GM đưa ra đề xuất đổi nợ lấy 10% cổ phần công ty mới, chỉ có 15% trái chủ của GM chấp thuận. Do đó, GM đã phải nâng lên 25% và lập tức có thêm 20% trái chủ đồng ý.
Ngày 29/5, số liệu sơ bộ của Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu cho thấy, tỷ lệ lạm phát trong tháng 5 của khu vực đồng Euro đã giảm 0,6%, xuống còn 0%. Đây là mức thấp nhất trong vòng 17 năm qua do kinh tế trong khu vực suy thoái nặng nề và giá dầu giảm.
Chủ tịch ECB cảnh báo nguy cơ chuyển từ lạm phát sang thiểu phát ở châu Âu trong vài tháng tới. (Ảnh: AFP) |
Các nhà kinh tế dự báo, lạm phát ở châu Âu sẽ giảm xuống thành thiểu phát trong tháng 6 tới, khiến ECB phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ qua.
Trong khi đó, theo số liệu sửa đổi do Bộ Thương mại Mỹ công bố cùng ngày, quý 1/2009, kinh tế nước này giảm 5,7%, thấp hơn so với mức dự đoán 6,1% trước đó. Quý 4/2008, kinh tế Mỹ suy giảm 6,3%.
Đà suy giảm của kinh tế Mỹ dự kiến sẽ chững lại trong quý 2/2009. Lượng hàng tồn kho đã giảm, lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện, tuy vậy các doanh nghiệp vẫn tiếp tục cắt giảm chi tiêu.
Lợi nhuận doanh nghiệp 3 tháng đầu năm nay tăng 3,4% so với quý 4/2008. Đây là lần đầu tiên trong 2 năm lợi nhuận doanh nghiệp tăng trở lại.
Hôm 30/5, sau hơn 6 giờ đàm phán, Đức đã đạt được một thỏa thuận với hãng Magna International của Canada nhằm mua lại Opel, chi nhánh châu Âu của GM, chấm dứt cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát Opel giữa nhiều hãng xe hàng đầu thế giới, trong đó có cả Fiat của Italy.
Với việc mua lại Opel, Magna dự kiến mở rộng hoạt động kinh doanh ở châu Âu và Nga. (Ảnh: AFP) |
Việc Magna được chọn lựa không phải là một điều bất ngờ, vì từ một tuần lễ nay, hãng này không những nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Đức và General Motors mà còn cả của các công đoàn Đức vì dự kiến với Magna, số công nhân bị sa thải có thể sẽ ít hơn với Fiat.
-
Đ.T (Theo THX, Bloomberg, CNBC, BBC)