- Các ngân hàng tiếp tục gia tăng lãi suất, đỉnh cao nhất đã lên đến 9,5% nhưng xét thực tế tình hình cạnh tranh huy động vốn hiện nay, khả năng lãi suất huy động tiến đến 10% là hoàn toàn có thể diễn ra trong thời gian tới.
Cuộc đua huy động vốn thêm nóng khi các ngân hàng lớn tham gia ngày càng nhiều và các chiêu hút vốn dài hạn đang được các ngân hàng tung ra.
Đỉnh mới 9,5%
Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết, họ đang có kế hoạch hai tháng tới sẽ huy động khoảng 1.000 tỷ đồng vốn thông qua phát hành chứng chỉ tiền gửi tiền VND. Trong đó, 500 tỷ đồng là ngắn hạn và 500 tỷ đồng dài hạn.
Cách đây chưa đầy một tháng, ngân hàng này đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đồng ý kế hoạch phát hành 5.000 tỷ đồng giấy tờ có giá dài hạn để huy động vốn trong năm 2009. Lãi suất của chứng chỉ tiền gửi cũng đã được đẩy lên cao nhất là 9,1% cho kỳ hạn 36 tháng. Việc liên tiếp đưa ra các chương trình huy động vốn dài hạn đang là cách mà nhiều ngân hàng thực hiện để tăng mức huy động vốn.
Đỉnh lãi suất đã lên đến 9,5%. (Ảnh: VNN)
Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) cách đây vài tuần dẫn đầu thị trường khi đưa ra chương trình khuyến mãi huy động vốn với lãi suất cao nhất là 9,3%. Nhưng từ đầu tháng 5, chính ngân hàng này lại quyết định tăng lãi suất tiền gửi VND và USD ở hầu hết các loại kỳ hạn. Lãi suất tăng mạnh ở các kỳ hạn dài đều trên 9% và 36 tháng đã lên đến đỉnh 9,5%.
Đỉnh lãi suất 9,5% hiện nay còn được nắm giữ bởi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển nhà TP.HCM (HDBank), khi ngân hàng này áp dụng lãi suất cao nhất lên tới 9,5%/năm, kỳ hạn 36 tháng; các kỳ hạn 18 và 24 tháng cũng có mức cao, 9,1% và 9,3%.
Tham gia vào làn sóng tăng lãi suất muộn nhưng Techcombank đã gây chú ý khi có mức tăng mạnh lên đến 1,3% so với trước đây. Mức lãi suất cao nhất là trên 9%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng và lãi suất huy động VND áp dụng tại khu vực miền Nam cao hơn khu vực miền Bắc và miền Trung 0,1%. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng tung ra chương trình tặng lãi suất cho khách hàng với mức 0,07% khi tham gia gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Chương trình được kéo dài đến tháng 4/2010.
Sức ép lợi nhuận
Bà Dương Ánh Tuyết – Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân của Maritime Bank cho biết: Mục đích chính của đợt tăng lãi suất tiền gửi lần này là nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn của ngân hàng trong thời gian tới, khi nhu cầu tín dụng đang có dấu hiệu phục hồi dần.
Quyết định tăng lãi suất của các ngân hàng đều dựa trên nhu cầu tín dụng tăng mạnh trong tháng vừa qua và đang có xu hướng tăng lên khi gói hỗ trợ lãi suất thứ 2 cho vốn trung và dài hạn bắt đầu được triển khai mạnh trên thực tế.
Ngoài ra, do sức ép cạnh tranh, các ngân hàng không thể đứng yên trước xu hướng tăng lãi suất của ngân hàng khác nêu không muốn mất khách hàng. Hơn nữa, các chỉ tiêu kinh doanh khả quan trong quý 1 đã giúp ngân hàng mạnh tay hơn trong các quyết định tăng lãi suất.
Lãi suất huy động tăng cao, ngân hàng tính lại bài toán lợi nhuận. (Ảnh: VNN) |
Vào thời điểm này, khi lãi suất cơ bản tiếp tục được giữ nguyên ở mức 7%/năm, lãi suất cho vay VND doanh nghiệp mà các ngân hàng áp dụng tối đa chỉ được 10,5%/năm. Chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay đang được rút ngắn còn khoảng 2%, thậm chí chỉ còn 1%.
Trong khi đó, chưa có bất cứ động thái nào cho thấy Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất cơ bản trong thời gian gần.
Trong hoàn cảnh đó, lợi nhuận từ tín dụng - hoạt đông cơ bản của các ngân hàng là rất nhỏ, thậm chí lỗ nặng nếu không trông chờ vào khoản hỗ trợ lãi suất từ Chính phủ. Tuy nhiên, khi việc tăng lãi suất huy động được cho là phải làm vì nhiều lý do thì bài toán lợi nhuận, ngoài việc đẩy mạnh cho vay hỗ trợ lãi suất thì các ngân hàng đang đẩy mạnh kinh doanh các mảng khác. Những ngân hàng có thế mạnh tiếp tục trông chờ vào dịch vụ, cho vay tiêu dùng. Bên cạnh đó, đối với nhiều ngân hàng, đầu tư trái phiếu mang lại nguồn lợi lớn cho năm 2008 thì đầu tư vàng và mua bán ngoại tệ đang được kỳ vọng sẽ là nguồn thu lợi nhuận lớn cho năm 2009 này.
Giải ngân 200 triệu USD cho vay nông thôn
|
-
Phước Hà