- Mục tiêu ban đầu của chương trình Ấn tượng Việt Nam là hút khách quốc tế, song, 4 tháng đầu năm nay, lượng khách này vẫn suy giảm 18% trong khi khách nội địa vẫn đổ xô đi du lịch. Do vậy, thời gian tới, chương trình giảm giá này sẽ nhắm tới du khách nội địa.
Khách nước ngoài đến VN 4 tháng đầu năm giảm 18%.
(ảnh patavietnam)
Tour ngoại vẫn có sức hút mạnh
Sơ kết giai đoạn một chiến dịch Ấn tượng Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, phụ trách Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), cho biết, từ khi phát động chương trình, một lượng lớn du khách trong nước đã đổ về miền Trung (như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang... ) và khu vực ĐBSCL.
Thống kê sơ bộ cho thấy, có DN tại TP.HCM đã đón được trên 2.000 đoàn khách; hay trên địa bàn Đà Nẵng, các DN đã tổ chức được cho 5.000 đoàn khách nội địa đi theo tour giá rẻ. Với việc tham gia của hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), 30 DN đã tổ chức tour khuyến mại nội địa bằng đường hàng không cho 4.250 khách.
Vì thế, mục tiêu của giai đoạn hai chương trình là nhắm tới khách du lịch nội địa, đặc biệt là trong mùa hè này.
Mặc dù vậy, ông Bình đánh giá, yếu tố giá vẫn làm cho tour nội địa chưa thực sự hấp dẫn du khách nội địa, trong khi các nước lân cận cũng giảm mạnh mà Việt Nam không theo kịp. Du khách Việt chưa đi nước ngoài lần nào chắc chắn sẽ rủ nhau "chộp" lấy cơ hội này.
"Chẳng hạn, giá tour từ TP.HCM đi Hà Nội trước 7,8-8,5 triệu đồng/khách (trong một tuần), nay chỉ còn 5-5,5 triệu đồng/khách, tuy đã giảm 30-40% nhưng vẫn đắt hơn so với đi nước ngoài... Các DN cần phải có giá tour cạnh tranh và phải thắng được giá tour ngoại. Cũng nên khuyến khích người dân trước khi chọn điểm du lịch "ngoại" nên tìm hiểu về cảnh đẹp đất nước", ông Bình nói.
Điều khó là, theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm Lữ hành Hanoi Redtours, làm tour nước ngoài thuận lợi hơn nhiều so với tour nội địa, nhất là trong việc hợp tác với hàng không, từ đặt vé, xuất vé đến không cần báo tên khách ngay khi đặt chỗ...
Hơn nữa, dịch vụ ở nước ngoài luôn có tiêu chuẩn rõ ràng, trong khi ở Việt Nam giữa khách sạn 2-3 sao, thậm chí 4 sao... vẫn rất nhập nhằng hay không thông báo cụ thể mức tiền ăn để khách biết.
Miễn phí thị thực để kéo khách quốc tế
Do ảnh hưởng sâu sắc của suy thoái kinh tế toàn cầu và việc phát động chương trình Ấn tượng Việt Nam muộn, lượng khách quốc tế đến Việt Nam không được cải thiện nhiều. Đến tháng 5, mới có một đoàn khách nước ngoài đầu tiên, hơn 500 người từ châu Âu, sang Việt Nam theo chương trình này.
Sau hơn 4 tháng thực hiện, trong khi khách đi tour nội địa tăng tới 35-50% so với cùng kỳ năm trước thì khách quốc tế vẫn giảm tới 18%.
Chưa kể, tại Hàn Quốc, một trong những thị trường khách trọng điểm của Việt Nam, Chính phủ nước này năm nay còn hạn chế khoảng 3 triệu khách có nhu cầu ra nước ngoài du lịch và tìm mọi cách tăng thu của du khách nước ngoài.
Một yếu tố bất lợi khác là dịch cúm A (H1N1) đã lây ra hơn 20 quốc gia. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Tổng cục Du lịch, khuyến cáo các DN luôn phải theo dõi sát diễn biến tình hình, khuyến cáo khách không đi tới các vùng có dịch (trừ trường hợp bắt buộc).
Ông Cường lo ngại, nếu dịch cúm nâng lên mức báo động 6 (mức cao nhất), du lịch Việt Nam còn bị thiệt hại nặng nề hơn. Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch vẫn chưa có động thái gì về việc hạ chỉ tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế năm nay.
Để tháo gỡ khó khăn, mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý miễn lệ phí thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam theo chương trình Ấn tượng Việt Nam đến hết tháng 9 (khoảng 25 USD/người cho nhập cảnh một lần, 50 USD/người loại nhiều lần).
Hiện Tổng cục Du lịch đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng xây dựng quy chế để thực hiện trong thời gian tới.
-
Hà Yên