Cách đây đúng 10 năm, vào năm 1999, khi ấn bản đầu tiên của cuốn “Sự trở lại của Kinh tế học Suy thoái” mà kinh tế gia lừng danh Paul Krugman (chủ nhân Nobel kinh tế 2008) là tác giả ra mắt, những luận điểm của cuốn sách đã trở thành đề tài tranh luận nóng bỏng.
Một số nhà kinh tế học ủng hộ quan điểm thị trường tự điều tiết lúc đó đã cho rằng những cảnh báo của Paul Krugman về nguy cơ “bẫy thanh khoản” là không cần thiết, bởi thị trường có khả năng tự điều tiết và giải quyết những vấn đề của nó.
Nhưng đến hôm nay, khi bóng đen của cuộc khủng hoảng đang mở rộng mức độ bao phủ của nó trên phạm vi toàn cầu, cái tên Paul Krugman lại được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết. Và khi hàng loạt giải pháp đã từng được áp dụng một cách hiệu quả trong hai cuộc khủng hoảng gần đây nhất được mang ra “xài lại” mà cuộc khủng hoảng bắt đầu từ tháng 12/2007 vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, người ta thực sự tin rằng đã đến lúc cần phải có một cách tư duy khác về khủng hoảng.
Từ hội chứng “niềm tin ảo” …
Paul Krugman (chủ nhân Nobel kinh tế 2008) và những luận điểm đã trở thành đề tài tranh luận nóng bỏng. |
Ông chỉ trích những quyết định được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng chỉ nhằm mục đích đối phó, gia tăng niềm tin của thị trường, chứ không phải là những điều mà nền kinh tế đang thực sự cần.
Và một khi không xuất phát từ những lý do thực sự vững chắc, “trò chơi niềm tin” ấy sẽ nhanh chóng lụi tàn, thậm chí còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Cách tạo dựng niềm tin thực sự mà Paul Krugman đưa ra có thể sẽ khiến những ai ủng hộ quan điểm thị trường tự điều tiết phải … nhăn mặt. Bởi quan điểm của ông là niềm tin cần được bảo vệ bởi các thể chế và luật lệ tài chính chặt chẽ.
Paul Krugman cho rằng sau một thời gian dài nền kinh tế tài chính toàn cầu vận hành trong êm đềm, người ta bắt đầu trở nên lạc quan quá mức và tin rằng các quy luật của thị trường tài chính luôn luôn có khả năng giúp nó nhanh chóng trở lại quỹ đạo bình thường. Và người ta cũng thường chỉ để mắt đến hoạt động của các ngân hàng chứ ít khi bận tâm đến các tổ chức hoạt động tương tự như ngân hàng.
Trong khi đó, nếu các tổ chức này sụp đổ, nó cũng sẽ gây ra ảnh hưởng to lớn đối với hệ thống tài chính và gánh nặng giải cứu cũng lại đè lên vai chính phủ như như bất kỳ một ngân hàng nào khác.
Vì vậy, đã đến lúc cần phải siết chặt sự giám sát đối với các tổ chức này, đặc biệt là đối với những tổ chức có đòn cân nợ cao. Thực tế đã cho thấy, việc đặt các tổ chức này trong tình trạng kiểm soát một cách lỏng lẻo chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay.
… đến cách tư duy lại khủng hoảng
Cùng Paul Krugman bàn về khủng hoảng ngay tại Việt Nam Paul Krugman, chủ nhân Nobel kinh tế 2008 là một trong những tên tuổi nổi bật nhất của nền kinh tế học đương đại. Ông là “cha đẻ” của thuyết thương mại mới và thuyết địa kinh tế mới, là bậc thầy về toàn cầu hóa và tài chính toàn cầu. Ông còn được mệnh danh là “nhà cảnh báo khủng hoảng của thế giới” Ngày 21/05/2009, Paul Krugman sẽ đến Việt Nam theo lời mời của Trường Doanh Nhân PACE để chủ trì một hội thảo quốc tế với chủ đề “Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng”. Hội thảo cũng sẽ dành phần lớn thời gian cùng chia sẻ, bàn bạc và tìm kiếm lời giải cho “bài toán khủng hoảng” hiện nay. |
Theo Paul Krugman, một trong những định kiến mà các nhà hoạch định chính sách thường gặp phải đó là “nỗi sợ thâm hụt”. Trong bối cảnh bình thường, thâm hụt ngân sách là một điều đáng lo lắng.
Nhưng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang trên đà trầm trọng, sự lo lắng này lại phản tác dụng. Đơn cử như những nỗ lực nhằm cân bằng ngân sách của tổng thống Franklin Roosevelt vào năm 1937 suýt chút nữa đã phá hủy chương trình New Deal mà ông đưa ra nhằm phục hồi kinh tế trong cuộc Đại khủng hoảng thập niên 30.
Một quan điểm “khác người” khác mà Krugman đưa ra là trong bối cảnh khủng hoảng, thận trọng chưa chắc đã tốt. Bởi trong lúc chúng ta đang chần chừ quyết định xem có nên áp dụng giải pháp này hay không, cuộc khủng hoảng có thể đã trở nên tồi tệ hơn.
Ở thời điểm bình thường, một giải pháp cần được “gọt giũa” chừng nào thì tốt chừng đó. Nhưng, khủng hoảng không dành thời gian cho bất cứ ai!
Ông cũng cho rằng “thà làm quá nhiều còn hơn là làm quá ít”. Bởi nếu nền kinh tế trở nên quá nóng và dẫn đến lạm phát thì vẫn còn “cứu chữa” được bằng cách tăng lãi suất. Nhưng nếu không đủ mức độ “ép phê”, các kế hoạch giải cứu có thể trở thành vô nghĩa.
Những quan điểm nêu trên của Paul Krugman có thực sự phát huy tác dụng trong thực tế hay không, chúng ta còn phải đợi câu trả lời từ chính diễn biến của cuộc khủng hoảng. Nhưng hiện tại, đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới đang sử dụng các gói kích cầu trên quy mô lớn như một “vũ khí” để chống lại đà suy thoái hiện nay, bỏ qua “nỗi sợ” thâm hụt ngân sách và cả sự chỉ trích của các nhà kinh tế học bảo thủ.
-
Thảo Lê