- Gói “Chương trình xúc tiến thương mại nội địa năm 2009” trị giá hơn 50 tỷ đồng của Bộ Công Thương sẽ chỉ là cú hích cho doanh nghiệp (DN) trong việc chiếm lĩnh lại thị trường nội địa.
Sáng nay (22/4), ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì buổi họp báo công bố chương trình này.
Nước xa có cứu được lửa gần?
Dư luận vừa qua đã cho rằng, các hoạt động nghiên cứu thị trường luôn đòi hỏi mất nhiều thời gian. Liệu nhóm hoạt động này có phát huy được tác dụng trong tình thế cấp bách hiện nay, khi mà các DN đang đình đốn sản xuất, sức tiêu thụ đang chững lại và suy giảm?
Ông Võ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã lý giải: “Chúng tôi muốn nhân tình thế kinh tế khó khăn này để kích thích các DN nhận diện lại thị trường nội địa. Cần phải biết, thị trường cần gì, người tiêu dùng muốn gì thì DN mới bán được hàng”.
Sẽ có Tuần hàng Việt Nam tại các siêu thị. (Ảnh: VNN) |
Với các hoạt động bán hàng lưu động về nông thôn, ông Quyền khẳng định: “Đó không phải là gánh hàng rong hay là một trào lưu bán hàng nhất thời như nhiều người lo ngại!
Thực tế hiện nay, 75% người dân sống ở nông thôn, 60% hàng hóa lưu thông tại khu vực này trong khi, hệ thống phân phối lại quá kém. Qua các hoạt động bán hàng này, chúng tôi hi vọng là các DN sẽ đặt nền móng cho việc bán hàng lâu dài ở đây.”
Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ chính sách thị trường trong nước bổ sung thêm: “Các DN sẽ xác định được phân khúc thị trường qua kết quả điều tra, từ đó, có cơ sở để tính toán cách ứng xử với nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương không có tham vọng điều tra được toàn bộ nhu cầu về các loại hàng hoá của cả nước.”
"Đặc biệt, Bộ Công Thương không chỉ định DN nào phải bán hàng hoá về nông thôn. Việc này dựa trên ý chí tự nguyện và phải phù hợp với chiến lược kinh doanh của từng DN”, ông Xuân nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm CLB hàng Việt Nam chất lượng cao, nguyên Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM lưu ý: “Những DN lớn như Tân Hiệp Phát, Vinamilk mỗi năm chi ra 1 triệu USD để mua tin về nhu cầu của người tiêu dùng.
Bộ chỉ bỏ ra có 6 tỷ đồng cho hoạt động này, nghĩa là Bộ cũng chỉ làm đoạn đầu. Sau đó, các DN cần xem có hướng sử dụng đào sâu thêm thông tin điều tra được như thế nào?
Đảm bảo hàng về nông thôn giá hấp dẫn và an toàn
Không chỉ hỗ trợ DN làm thương mại, điều quan trọng để chương trình thành công là phải đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam than thở: "Người tiêu dùng Việt Nam vẫn là thường là thế yếu, ít thông tin, không có quyền định đoạt giá cả, luôn phải chịu mọi sự rủi ro như mất an toàn vệ sinh, hàng giả, hàng kém…
Gói Chương trình xúc tiến thương mại nội địa 2009 gồm 3 nhóm hoạt động lớn:
Nhóm hoạt động hỗ trợ năng lực doanh nghiệp thực hiện trong quý II, quý III. Nhóm này bao gồm các hoạt động điều tra khảo sát thị trường, các hội thảo, các hội chợ nông sản.
Nhóm hoạt động thứ 2 là đẩy mạnh bán hàng Việt về nông thôn và các khu công nghiệp, khu đô thị lớn thực hiện từ quý II.
Nhóm hoạt động thứ 3 là truyền thông quảng cáo cho hàng Việt Nam.
Ngoài ra, từ ngày 27/4 đến 3/5, sẽ diễn ra Tuần hàng việt Nam trên hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên toàn quốc và Hội chợ làng Việt Nam chất lượng cao tại TP HCM. |
Do đó, Bộ cần phải giám sát xem, liệu hàng hoá về nông thôn có đạt chất lượng hay lại chỉ là hàng ế thừa ở thành thị mang về, hàng quá hạn sử dụng… vì người nông dân ít có điều kiện tiếp cận thông tin như ở thành thị.”
Ông Hoàng Thọ Xuân khẳng định, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chống hàng nhái, hàng giả là việc thường xuyên của Bộ phải làm, không chỉ ở riêng cho chương trình này.
Trước câu hỏi người nông dân nghèo, lấy đâu ra tiền để mua hàng hoá trong khi nông sản của họ còn đang dư thừa và làm sao để người nông dân phân biệt hàng Việt với hàng nhập ngoại giá rẻ của Trung Quốc?
Ông Xuân nói tiếp: “Các DN sẽ có khuyến mại, giảm giá. Giá hàng hoá có thể chưa rẻ lắm nhưng điều quan trọng là, chất lượng sẽ tốt và an toàn”.
"Ngoài ra, cách bán hàng sẽ thuận tiện hấp dẫn nhất cho người dân. Bản chất của gói chương trình này là tìm ra con đường làm sao để hàng hoá Việt Nam tiêu thụ nhanh nhất, gắn bó lâu dài, “thủy chung” với người Việt Nam”, ông Hoàng Thọ Xuân bày tỏ.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tồng thư ký hiệp hội bán lẻ Việt Nam cam kết, các DN bán lẻ sẽ sát cạnh thực hiện chương trình này. Bởi lẽ, điều tra năng lực phân phối hàng hoá cũng là một nội dung thiết thực, quan trọng của gói chương trình.
Về con số 50 tỷ đồng, ông Xuân nói, đây chỉ là kinh phí trang trải cho việc chương trình mang tính kỹ thuật, không có chuyện phân bổ cho sở, ban, ngành nào cả. Phát triển thị trường nội địa là câu chuyện mang tính căn cơ, lâu dài, không phải là giải pháp tình thế trong lúc xuất khẩu suy giảm.
Như Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đã kết luận, chương trình này chỉ là cú hích của cơ quan quản lý nhà nước cho các DN để phát triển thị trường này. Người thực hiện chương trình này chính là các Hiệp hội và các doanh nghiệp là chủ yếu, không phải là các bộ ngành.
-
Phạm Huyền