- Tháng 4/2009, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội và TP.HCM đều nhích lên đáng kể so với tháng 3. Cụ thể, CPI của Hà Nội tăng 0,13% và CPI của TP.HCM tăng 0,49%.
Theo Cục Thống kê của hai thành phố, so với cùng kỳ năm trước, tính đến nay, CPI của Hà Nội tăng 10,7% và TP.HCM tăng 10,2%.
Trong 10 nhóm hàng hoá và dịch vụ được thống kê, chỉ số giá của nhóm phương tiện đi lại và viễn thông của 2 thành phố đều tăng rõ rệt.
Tại Hà Nội, nhóm hàng hoá này tăng 0,28% và tại TP.HCM tăng 0,91%. Với TP.HCM, đây là nhóm dịch vụ có mức tăng chỉ số giá lớn nhất. Nguyên nhân là do vừa qua, mặt hàng xăng đã có 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp với tổng mức tăng lên 1.000đ/lít.
Giá tiêu dùng đã nhích lên nhiều so với tháng 3 (ảnh: Phạm Huyền)
Về các nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng, Hà Nội tăng nhẹ dao động trong tỷ lệ từ 0,1% - 0,38%. Cụ thể, nhóm đồ uống và thuốc lá có mức tăng cao nhất là 0,38%, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,35%, kế đến là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,29%, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,26%.
TP.HCM có mức tăng giá cao hơn nhiều so với Hà Nội với tỷ lệ tăng dao động từ 0,06% đến 0,91% như nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,83%, đồ uống và thuốc lá tăng 0,46%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%.
Về các nhóm hàng hoá và dịch vụ có mức giảm, Hà Nội chỉ có duy nhất 1 nhóm hàng có mức giảm là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, giảm sâu tới 0,83%. Khác biệt với Hà Nội, đây lại là nhóm có mức tăng giá khá mạnh của TP.HCM trong tháng 4 với tỷ lệ tăng tới 0,59%.
TP.HCM có 2 nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm văn hoá, thể thao du lịch giảm tới 2,33% và nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,04%. Điều này cho thấy, người tiêu dùng đang tiếp tục xu hướng tiết kiệm chi tiêu, giảm bớt nhu cầu giải trí trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Trong tháng này, chỉ số giá vàng của Hà Nội tăng 1,17%, chỉ số giá ngoại tệ USD có mức tăng 0,9%, tương ứng tại TP.HCM là 1,18% và 0,83%.
-
Phạm Huyền