- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, cùng một thời điểm (từ 10/6-14/6), ba sự kiện là Hội chợ triển lãm làng nghề, Hội thi sản phẩm thủ công và Festival nghề truyền thống Huế 2009 sẽ được tổ chức nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, cứu nguy cho các làng nghề.
Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, lâu nay, Hội chợ triển lãm làng nghề thường niên vẫn diễn ra tại Hà Nội nên đã hạn chế đáng kể việc giao lưu, trao đổi thông tin, giới thiệu sản phẩm làng nghề giữa các vùng, miền cả nước.
Sản phẩm gốm sứ của làng nghề Bát Tràng (ảnh phusa)
Năm nay, Ban tổ chức quyết định chuyển vào tổ chức tại Huế, nhân sự kiện Thành phố này kỷ niệm 110 năm cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba bằng Festival nghề truyền thống.
Như vậy, đây là cơ hội để thị trường 80 triệu dân nội địa tiếp cận được sản phẩm của các làng nghề. Sau Huế, Hội chợ triển lãm làng nghề sẽ được tổ chức luân phiên ở nhiều địa phương cả nước.
Hội chợ 2009 sẽ có khu trưng bày và bán sản phẩm theo nhóm ngành nghề, với khoảng 200 gian hàng gốm sứ, điêu khắc, khảm trai, sơn mài... khu tôn vinh các sản phẩm đoạt giải Hội thi sản phẩm thủ công lần thứ VI, khu trưng bày nghề dệt thổ cẩm truyền thống và triển lãm ảnh, triển lãm chuyên đề.
Thứ trưởng Tần cho biết, Bộ NN&PTNT quyết định hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng, chi phí vận chuyển và ăn nghỉ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề tham gia hội chợ trong tình hình các làng nghề gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Thông tin từ Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), cách đây hơn một tháng, Bộ NN&PTNT phối hợp các Bộ: Công Thương, LĐTB-XH đã đề xuất Chính phủ các gói biện pháp giải cứu cho làng nghề, song, đến nay làng nghề vẫn đang mong chờ được... cứu.
Số liệu cách đây cả tháng cho thấy, có 9 làng nghề đã phá sản, 124 làng nghề tạm ngừng sản xuất và 468 DN làng nghề hoạt động cầm chừng.
Tại Bắc Ninh, hầu hết các làng nghề gặp khó khăn, nhất là đối với các làng nghề sắt, giấy và thép. 80% trong số 200 DN làng gỗ Đồng Kỵ phải đóng cửa, hàng tồn đọng giá trị lên đến 20 triệu USD. Còn tại làng giấy Phong Khê có đến 50% số DN đã "đắp chiếu".
Trong thời gian tới, các làng nghề sẽ tiếp tục gặp khó khăn do không tiêu thụ được sản phẩm.
Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung kinh phí để thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại để tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ, ngành nghề nông thôn, trước mắt là 120 tỷ đồng cho Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT ngay trong năm 2009-2010.
-
Hà Yên