221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1186620
Niêm yết giá hàng hoá bằng USD: Buông lỏng đến bao giờ?
1
Article
null
Niêm yết giá hàng hoá bằng USD: Buông lỏng đến bao giờ?
,

 - Tại sao lại có chuyện hàng hoá tiêu thụ trên Việt Nam nhưng lại được mua bán với đồng ngoại tệ chứ không phải là đồng tiền Việt Nam? Pháp luật đã quy định rõ về sai phạm này nhưng gần như bị bỏ quên đến mức “khó tin”.

 

USD hoá ngay trong cách nghĩ

 

Theo lý giải của các doanh nghiệp ôtô, vì lý do các doanh nghiệp đều phải nhập khẩu linh kiện bằng ngoại tệ USD, chi phí đầu vào được tính bằng tiền USD nên nếu để đầu ra là tiền VND thì các doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại khi tỷ giá tăng. Nhất là khi, tỷ lệ nội địa hoá của hầu hết các hãng ôtô sản xuất trong nước hãy còn khiêm tốn. Ngay như hai hãng lớn là ôtô Honda Việt Nam với mẫu xe Civic từng được niêm yết bằng tiền VND cũng chỉ đạt 23%, hãng Toyota Việt Nam có tỷ lệ nội địa hoá cao nhất trong các hãng xe, cũng chỉ đạt 17- 37%.

 

USD đã trở nên thông dụng trong cách mua bán của nhiều người (ảnh: VNN)
Trên thị trường, niêm yết bằng đồng USD đã trở nên phổ biến đến mức, rất ít người tiêu dùng biết đến qui định niêm yết đơn vị tiền tệ này là sai. Từ những đồ giá trị nhỏ như chiếc USB, con chuột máy tính, loa… đến các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như hàng quần áo, giày dép, đồ ăn trong các nhà hàng cũng được nhiều nơi niêm yết bằng USD.

 

Vì sao lại có sự vi phạm ngang nhiên này? Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả thị trường nói: “Quy định phải niêm yết bằng VND thì đã rõ nhưng ở Việt Nam, lại quá buông lỏng. Ngay cả các chương trình quảng cáo, khuyến mại cũng đều công bố bằng tiền USD. Không đâu xa, gói kích cầu của Chính phủ cũng được nhắc đến là “1 tỷ USD” chứ ít nói là 17.000 tỷ đồng.”

 

“Cái gốc vấn đề này là ở chỗ, ở mọi nơi, từ cơ quan quản lý nhà nước đến người dân đều “sính” USD, trong các câu chuyện trao đổi, người ta cũng thường quy ra USD. Chúng ta đặt ra quy định nhưng lại quên béng là đã có quy định như vậy,” Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận xét.

 

Ông kể: “Tôi đã đi nhiều nước nhưng chưa thấy ở nước nào, việc dùng tiền USD lại phổ biến và dễ dàng như ở Việt Nam. Ngay tại các cửa hàng miễn thuế tại Thái Lan, Singapore đều niêm yết bằng đồng bản tệ. Trung Quốc là một điển hình áp dụng quy định dùng bản tệ cũng rất nghiêm ngặt, vi phạm là phạt”.

 

Cũng chung đánh giá này, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Trưởng Ban nghiên cứu kinh tế hội nhập quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nói, đây còn là câu chuyện về tâm lý người tiêu dùng. Nhiều người Việt Nam vẫn có thói quen nhắc tới giá trị hàng hoá bằng USD như là một sự khẳng định về đẳng cấp của sản phẩm.  

 

Chuyện nhỏ nhưng tác động lớn

 

Trước lý giải của các doanh nghiệp, ông Võ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp không thể đẩy mọi rủi ro về tăng giảm tỷ giá VND/USD cho người tiêu dùng.

 

Tác động tỷ giá đến giá thành sản phẩm là chuyện của các nhà sản xuất kinh doanh. Lẽ thường, khi quyết định giá bán ra ở mức nào thì doanh nghiệp đó đều đã phải tính toán mọi tác động tới giá thành sản phẩm, dịch vụ, trong đó có cả biến động về tỷ giá.

Cần thay đổi nhận thức về sử dụng tiền VND (ảnh: Phạm Huyền)

 

Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu đều phải chấp nhận chịu tác động của chính sách tiền tệ này thì không có lý do gì, các hãng sản xuất hàng hoá khác như ôtô lại nằm ngoại lệ.

 

Ông Võ Văn Quyền cũng phân tích, một điểm bất hợp lý khác là, nếu như người tiêu dùng Việt Nam phải đi đổi sang tiền USD để mua hàng thì câu chuyện niêm yết tiền USD này không còn là vấn đề giao dịch hàng hoá, thiệt thòi cho người tiêu dùng nữa mà còn ảnh hưởng xấu tới thị trường ngoại hối.

 

Tiến Vũ Đình Ánh bức xúc: Nếu tiếp tục để các doanh nghiệp “nhờn” luật một cách công khai thì nghĩa là, cơ quan quản lý nhà nước đã mặc nhiên để tính nghiêm minh của pháp luật bị xâm phạm.

 

Trong quản lý ngoại hối, việc niêm yết và mua bán bằng đồng USD phổ biến như hiện nay sẽ ảnh hưởng mạnh tới sự chủ động của Nhà nước trong chính sách tiền tệ. Điều này còn liên quan đến vấn đề điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát thị trường, vấn đề lạm phát. Ông Vũ Đình Ánh nhấn mạnh: “Nếu chúng ta để cho đồng USD có chức năng như tiền VND thì sẽ ảnh hưởng rất xấu tới chính sách tiền tệ của quốc gia”.

 

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Triệu Quang Thìn, Trưởng phòng Tổng hợp đối ngoại, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, cho đến nay, Cục Quản lý thị trường chỉ kiểm tra các sai phạm nói chung trong việc niêm yết giá chứ chưa coi việc niêm yết sản phẩm bằng tiền USD là nội dung chính. Các sai phạm này chưa được thống kê.

 

Theo ông Thìn, mới chỉ có vài Chi cục Quản lý thị trường tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM kiểm tra vấn đề này. Đầu năm 2008, khi nhập siêu bắt đầu tăng, chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có kiểm tra việc niêm yết bằng tiền USD nhưng báo cáo về Cục thì cho thấy, chưa phát hiện vi phạm?!

 

Vả lại, xử lý các sai phạm này thuộc trách nhiệm chính là phía thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Cách lý giải này dường như chưa thuyết phục khi mà, các sai phạm niêm yết tiền USD là chuyện “thường ở huyện” trong nếp mua bán hiện nay trên thị trường Việt Nam.

 

Nói về giải pháp, ông Vũ Đình Ánh cho rằng, đây là việc đã được quy định rõ ràng trong pháp luật, phải được chấp hành nghiêm. Cơ quan chủ trì việc này là Ngân hàng Nhà nước phải xem xét, thắt chặt lại, xử lý nghiêm minh. Về lâu dài, cần phải có sự tuyên truyền, thay đổi nhận thức về việc sử dụng ngoại tệ, nội tệ ngay từ cơ quan quản lý Trung ương. 

 

 

Theo Điều 29, Nghị định 160/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Pháp lệnh Ngoại hối, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp như các giao dịch với tổ chức tín dụng và tổ chức khác được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối.

Giao dịch bằng ngoại hối được áp dụng đối với trường hợp người cư trú là tổ chức được điều chuyển vốn nội bộ bằng ngoại tệ chuyển khoản, người cư trú được góp vốn bằng ngoại tệ để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; được nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản theo hợp đồng uỷ thác xuất, nhập khẩu; là nhà thầu trong nước, nhà thầu nước ngoài, là tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm được nhận ngoại tệ chuyển khoản của người mua bảo hiểm đối với các loại hàng hoá và dịch vụ phải mua tái bảo hiểm ở nước ngoài; là tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế; là cơ quan hải quan, công an cửa khẩu; là cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự; là người nước ngoài được nhận lương, thưởng và phụ cấp bằng ngoại tệ…

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, sẽ phạt tiền từ 5-12 triệu đồng đối với vi phạm hành chính về niêm yết bằng ngoại tệ và thu đổi ngoại tệ. Nếu tiếp tục tái phạm mức phạt sẽ cao hơn.

  •   Phạm Huyền

 

                    

Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
 hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !

Đường dây nóng:               (091)356-4657        hoặc (04)3772-2729
Email:
bvkh@vietnamnet.vn

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,