221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1185398
Chứng khoán sáng 7/4: Tranh mua, tranh thủ bán
1
Article
null
Chứng khoán sáng 7/4: Tranh mua, tranh thủ bán
,
- Nối tiếp xu hướng từ trước đợt nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương, thị trường chứng khoán tập trung sáng 7/4 tiếp tục sôi sục với hàng vạn người đổ xô mua cổ phiếu vào, trong khi cũng có rất nhiều người tranh thủ bán ra.

Điểm nổi bật nhất sáng nay tiếp tục là cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank với hơn 6,7 triệu cổ phiếu được giao dịch thông qua khớp lệnh.

Đa số các cổ phiếu, đặc biệt là các mã blue-chips kết thúc phiên giao dịch tăng giá hết biên độ cho phép hiện tại là 5% và dư bán đều bằng 0.

Sàn HOSE tiếp tục chứng kiến kỷ lục về khối lượng giao dịch mới được thiết lập.

Có tới hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ đang quay trở lại thị trường chứng khoán. (Ảnh: LAD)

Sau một phiên nhẹ nhàng vượt qua ngưỡng tâm lý 300 điểm, chỉ số VN-Index sáng nay cũng khá dễ dàng vượt qua ngưỡng cản quan trọng đầu tiên là 320 điểm.


Cụ thể, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) sáng 7/4 tăng mạnh phiên thứ 4 liên tiếp với 12,08 điểm (3,89%) lên 322,36 điểm.

Trong tổng số 177 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE, có 156 mã tăng giá (107 mã tăng trần), 10 mã giảm giá (1 giảm sàn) và 15 mã đứng giá.

Khối lượng giao dịch tăng vọt lên mức cao kỷ lục mọi thời đại là hơn 42,4 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, trị giá 972,6 tỷ đồng.

“Thị trường tưng bừng. Tình hình này hôm nay chắc lại phá kỷ lục về khối lượng giao dịch”, anh Hoà - một nhà đầu tư tại VCBS cho biết ngay khi sàn HOSE bước vào đợt giao dịch khớp lệnh liên tục (đợt 2).

Sau ba ngày nghỉ liên tiếp, các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn khi chỉ số VN-Index bất ngờ tăng vọt 3 phiên liên tiếp từ 280 điểm lên trên 310 điểm. Trong đợt 1, chỉ số này chỉ tăng khá khiêm tốn 3,21 điểm (1,03%) lên 313,49 điểm. Tuy nhiên sức mua và bán đều lớn khiến khối lượng giao dịch ngay trong đợt đầu tiên đã lên tới hơn 10,2 triệu đơn vị. Đây cũng là cơ sở để các nhà đầu tư ào ào đổ tiền ra để mua vào trong đợt 2 và đợt 3.

“Hay không mua nhà nữa, đổ tiền vào chứng khoán để hai tháng sau có hai cái nhà nhỉ”, một nhà đầu tư bông đùa khi thấy hầu hết các mã đang chuyển từ xanh (tăng giá) sang tím (tăng giá kịch trần) và dư mua trống trơn.

Trái ngược với tâm lý phấn khởi của những người đã chuyển phần lớn tiền sang mua cổ phiếu vào trước đợt sóng thứ 3 này, những người có dự định nhưng chưa mua được cổ phiếu hoặc mua được một lượng ít tỏ ra khá sốt ruột.

“Cổ phiếu tăng nhanh quá. Có lẽ sẽ lại vượt 350 điểm. Giờ người người đang vào chứng khoán. Hầu hết các mã, đặc biệt cổ phiếu có P/E thấp hơn P/E trung bình thị trường đều cháy hàng”, anh Hưng - một nhà đầu tư có mặt tại CTCK ĐNA sáng nay nói.

Thậm chí, theo nhà đầu tư này, thị trường có thể còn ấm tới hết tháng tư sau khi nghe dự đoán của một chuyên gia chứng khoán nước ngoài khá nổi tiếng đang làm việc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có không ít các nhà đầu tư đang tỏ ra phân vân với xu hướng tiếp theo của thị trường.

“Thị trường nóng quá. Nóng như này cũng mệt. Vừa rồi “kiếm” được 2.500 HPG giá 29.100. Giờ cũng đang định bán (HPG đóng cửa sáng nay ở mức 37.100 đồng/cp - PV). Nhưng nó cứ tăng như thế này không hiểu nên để hay bán. Bán rồi không biết mua gì”, anh Nguyễn Anh Dũng - một nhà đầu tư có mặt tại Công ty chứng khoán Hải Phóng nói.

Theo anh Dũng, sức cầu đang rất mạnh nhưng sức cung cũng không thua kém nhiều. Đặc biệt, rất nhiều các lệnh bán ra là lệnh lô lớn chứng tỏ nhiều nhà đầu tư lớn đang xả hàng.

“Thị trường tăng. Nhiều khả năng, đây là cơ hội để các công ty chứng khoán và một số quỹ tranh thủ bán ra để lấy tiền bù đắp cho những thua lỗ và chi phí lớn trong thời gian vừa qua”, anh Dũng nói.

Vừa qua, khá nhiều công ty chứng khoán phải rút bớt nghiệp vụ hoặc co gọn hoạt động của mình do thị trường rơi vào thời kỳ giao dịch trầm lắng, đi xuống.

Trở lại diễn biến trong phiên giao dịch sáng nay (7/4), trong nhóm các cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất thị trường, toàn bộ đều tăng giá trần với khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Cụ thể, DPM của Đạm Phú Mỹ tăng 1.800 đồng lên 38.100 đồng/cp; FPT của Tập đoàn FPT và HAG của Hoàng Anh Gia Lai cùng tăng 2.500 đồng lên lần lượt 54.000 đồng/cp và 58.500 đồng/cp; STB của Sacombank tăng 800 đồng lên 18.400 đồng/cp; HPG của Hoà Phát tăng 1.700 đồng lên 37.100 đồng/cp; PVD của PV Drilling tăng 3.000 đồng lên 69.000 đồng/cp; PVF của Tài Chính Dầu Khí tăng 1.000 đồng lên 21.200 đồng/cp; VIC của Vincom tăng 2.100 đồng lên 45.700 đồng/cp..

Rất nhiều mã blue-chips khác tăng giá mạnh với lượng dư bán trống trơn khi kết thúc phiên như: REE của Cơ điện Lạnh, SAM của Sacom, ITA của ITACO, SJS của Sudico, SSI của Chứng khoán Sài Gòn, VSH của Thuỷ điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh, HSG của Hoa Sen Group, TAC của Dầu Tường An, TDH của Nhà Thủ Đức…

Trong các cổ phiếu giảm giá, VKP của CTCP Nhựa Tân Hoá giảm mạnh nhất (giảm sàn), còn lại đều giảm khá nhẹ TPC của Nhựa Tân Đại Hưng, DXP của Cảng Đoạn Xá, SHC của Hàng Hải Sài Gòn, VST của CTCP Vận tải và Thuê tàu Biển Việt Nam…

Về khối lượng giao dịch, dẫn đầu là STB của Sacombank với 6,7 triệu đơn vị. VF1 của VFMVF1 theo sau với 1,87 triệu. DPM của Đạm Phú Mỹ đứng ở vị trí thứ 3 với 1,57 triệu. FPT của Tập đoàn FPT và SAM của Sacom đứng ở các vị trí tiếp theo với 1,55 và 1,47 triệu đơn vị.

Trên Sàn chứng khoán Hà Nội, chỉ số HASTC-Index tăng điểm phiên thứ 5 liên tiếp.

Cụ thể, chỉ số HASTC-Index tăng 5,45 điểm (5,01%) lên 114,3 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch thành công trên sàn Hà Nội sáng 7/4 tiếp tục tăng lên 23,7 triệu đơn vị, trị giá 499,5 tỷ đồng.
 
  • Hà Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,