- Buổi tọa đàm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI trước tình hình xuất khẩu sụt giảm đáng kể do Bộ Công Thương, tổ chức ngày 3/4 tại Hà Nội, đã nhanh chóng biến thành diễn đàn “tố khổ” về hải quan và thuế.
Điều đó cho thấy, dường như “cú sốc” cắt giảm thị trường tiêu thụ từ bên ngoài không khiến doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mệt mỏi bằng những khó khăn “đầu vào” từ cơ chế bên trong.
“Không ngờ hải quan bị kêu nhiều thế”
Hải quan bị "đấu tố" doanh nghiệp FDI nhiều nhất - Ảnh VNN
Đại diện đến từ Tổng cục Hải quan, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát quản lý, đã phải thốt lên như vậy sau cả buổi sáng nghe doanh nghiệp FDI than phiền về hải quan và thuế.
“Đầu tàu” đang… đuối Giữ vị trí đầu tàu xuất khẩu cả nước song các tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các các doanh nghiệp FDI không những không tăng mà còn giảm 8,8%.
Bộ Công thương dự báo nếu không có giải pháp tích cực thì năm 2009, mức độ sụt giảm có thể lên đến 10-15%. “Đầu tàu XK” chỉ kéo về được 19-20 tỷ USD trong khi mục tiêu XK cả nước năm 2009 là 71-72 tỷ USD.
Năm 2008, khu vực FDI đạt 34,5 tỷ USD xuất khẩu, chiếm tới 55% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (không kể dầu thô).
Theo Bộ Công Thương, hết quý I, kim ngạch xuất khẩu cả nước mới đạt 13,5 tỷ USD, chỉ tăng 2,4 % so với cùng kỳ. |
Chị Hiếu đến từ công ty Suncall Technology, Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long thẳng thắn “thủ tục hải quan quá nhiều giấy tờ rườm rà”.
Chị dẫn chứng, Khu công nghiệp, chế xuất Thăng Long sử dụng hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ với giải thích từ phía hải quan là đỡ phải kiểm hóa.
Quy định thế nhưng có những lúc hải quan lại yêu cầu kiểm hóa đầu nhập. “Tôi thấy rất khó, chúng tôi giao hàng cho Cannon hàng ngày"- chị nói.
Một vướng mắc nữa mà hầu hết các doanh nghiệp FDI đều kêu ca là thủ tục hải quan thiếu đồng bộ. Đại diện Công ty TNHH công nghiệp BROTHER Việt Nam tỉnh Hải Dương kêu ca “chúng tôi muốn đơn giản hóa thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu. Cơ chế hải quan còn nhiều chỗ chưa đồng bộ”.
Cụ thể hơn, chị Hiếu công ty Suncall Technology cho biết Công ty chị từng bị kẹt giữa chi cục Hải quan Bắc Thăng Long với Chi cục Hải quan KCX Tân Thuận tới … 4 tháng.
Kết quả là công ty không những phải tốn chi phí lưu kho 4 tháng mà còn không có hàng để giao cho đối tác, khi xong thủ tục phải bỏ thêm tiền vận chuyển bằng đường hàng không vì quá trễ.
Mong thuế xuất khẩu bằng 0%
Giữ vị trí đầu tàu về xuất khẩu nên khu vực FDI cũng là nơi bị ảnh hưởng mạnh nhất từ khủng hoảng kinh tế. Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, nhu cầu nhập khẩu và khả năng thanh toán tại các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật có xu hướng giảm.
Giữa lúc đó, sức ép cạnh tranh từ các nước châu Á lại càng gia tăng, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thuỷ sản, dệt may, giầy dép điện tử…Một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản…đã hạ thuế xuất khẩu bằng 0% với nhiều mặt hàng.
Vì thế, bà giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Yang Sin Việt Nam tỏ ra “tị nạnh” khi bị áp thuế xuất khẩu 5%. Bà than vãn: “Năm 2008 chúng tôi xuất khẩu được 8,6 triệu USD kim ngạch, dự định năm nay tăng gấp đôi lên 16 triệu nhưng khoản thuế 5% mới áp dụng từ cuối năm ngoái khiến kế hoạch này phải suy nghĩ lại”.
Theo bà để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Chính phủ nên hạ thuế xuống 0% như Nhật Bản và Malaysia. “Chứ giờ xuất khẩu khó khăn, tiêu thụ ít nên chúng tôi đã phải cắt giảm nhiều lao động”- bà cho hay.
Không đòi hạ thuế 0% nhưng ông Lee Young Ea, Công ty Sanyo Việt Nam tỏ ra bất bình vì cách làm việc của ngành thuế. “Chúng tôi xuất khẩu từ năm 2006, không nói thu thuế bao nhiêu rồi đến năm 2008 lại truy thu, sao ngành thuế lại không thực hiện ngay?”
Ngoài ra còn rất nhiều ý kiến khác nêu những vướng mắc cụ thể mà doanh nghiệp thường xuyên gặp phải liên quan đến các chính sách giãn, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, lao động, giảm thiểu thời gian cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá, xuất xứ C/O…
Nhiều doanh nghiệp FDI mong thuế xuất khẩu bằng 0%. Ảnh VNN |
Có mặt tại tọa đàm, đại diện một số cơ quan chức năng như Hải quan, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công Thương đã ghi nhận, giải đáp một số ý kiến, Tuy nhiên, những thắc mắc của doanh nghiệp vẫn còn quá nhiều, đến nỗi Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã phải kêu gọi doanh nghiệp gửi bằng văn bản đến các cơ quan chức năng để tháo gỡ.
Có vẻ như, sức ép của cuộc khủng hoảng kinh tế, suy giảm thị trường xuất khẩu vẫn không thể “nóng” bằng vấn đề “khổ lắm, nói mãi” là thuế và hải quan. Nhiều doanh nghiệp đã đề nghị các cơ quan chức năng cần tổ chức thường xuyên những tọa đàm để có giải quyết khúc mắc.
Cuộc gặp với các doanh nghiệp FDI phía Nam sẽ được tổ chức tại TPHCM vào ngày 8-4 tới.
-
Phan Hùng