221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1183794
Tiền ồ ạt đổ vào chứng khoán, VN-Index lên sát 300 điểm
1
Article
null
Tiền ồ ạt đổ vào chứng khoán, VN-Index lên sát 300 điểm
,
- Đa số các cổ phiếu tiếp tục tăng giá rất mạnh kéo chỉ số VN-Index vọt lên sát ngưỡng 300 điểm. Nhiều người tiếc nuối vì đã không mua vào lúc giá rẻ.

Thị trường tiếp tục tăng mạnh. (Ảnh: LAD)

Rất nhiều cổ phiếu tăng giá kịch trần với dư bán bằng 0 khi kết thúc phiên giao dịch sáng nay (2/4), trong đó có các mã blue-chips như FPT, HPG, ITA, PPC, SAM, SSI… bất chấp cũng có lúc lượng đặt bán tăng vọt.


Chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) tăng mạnh 7,78 điểm (2,69%) lên 297,3 điểm.

Trong tổng số 177 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE, có 132 mã tăng giá (70 mã tăng trần), 26 mã giảm giá (3 giảm sàn) và 21 mã đứng giá. Khối lượng và giá trị giao dịch khớp lệnh tăng gần 50% lên 29,2 triệu đơn vị và 650,1 tỷ đồng.

“Thị trường đang diễn biến theo chiều hướng khá tốt, tích cực hơn nhiều so với các phiên trước đó”, một chuyên viên phân tích chứng khoán tại TP.HCM cho biết.

Theo chuyên viên này, các chỉ báo phân tích kỹ thuật đều đang cho thấy xu hướng đi lên. Đặc biệt, khối lượng giao dịch trong vài ngày qua đạt mức cao hơn nhiều so với trung bình từ đầu năm tới nay.

Hơn thế nữa, khối lượng giao dịch giảm dần ở các phiên giảm điểm và tăng mạnh ở các phiên tăng điểm cho thấy dòng tiền đang có xu hướng chảy vào thị trường, hơn là đi ra. “Không có dấu hiệu tháo chạy của các nhà đầu tư”, chuyên viên này cho biết.

Thực tế, trên nhiều sàn giao dịch sáng nay, nhiều người tỏ ra nuối tiếc vì đã không mua vào lúc rẻ, trong khi có người buồn vì bán ra quá sớm.

“Thị trường mạnh không ngờ. Tăng hai đợt sóng liên tục từ 235 điểm và giờ đang là đợt thứ 3. Bán ra quá sớm, giờ thì có thể đã lỡ mất cơ hội”, anh Hưng - một nhà đầu tư tại sàn giao dịch SeABank nói.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư khác cho rằng, đây vẫn là thời điểm tốt để mua vào.

“Thị trường còn tăng điểm, có thể còn lên 350 điểm nếu diễn biến trên thế giới thuận lợi. Mua vào lúc này có thể ăn nửa con sóng thứ 3, còn về dài hạn thì tất nhiên là tốt rồi”, ông Hữu Lô, một nhà đầu tư nói.

Còn theo nhận định của một chuyên viên phân tích chứng khoán TSC, thị trường trong ngày mai có thể dễ dàng vượt qua ngưỡng 300 điểm nếu chứng khoán thế giới không bị ảnh hưởng mạnh sau cuộc họp thượng đỉnh G20 vào tối nay.

Theo đó, 300 điểm chỉ là một ngưỡng tâm lý trong khi đó các chỉ báo phân tích kỹ thuật đang có xu hướng đi lên mạnh và ngưỡng cản gần nhất là 320 điểm.
 
Về xu hướng mua-bán của khối các nhà đầu tư ngoại, theo chuyên viên này, chưa thể xác định được chỉ sau một phiên bán ròng hôm qua (1/4).

“Các nhà đầu tư ngoại vẫn mua ròng trong hơn 1 tháng trước đó. Phiên hôm qua là một mốc khá quan trọng do là thời điểm chuyển giao sang một năm tài chính mới (kết thúc 31/3) nhưng việc bán ròng của họ cũng chưa thể nói lên điều gì”.

“Trong phiên giao dịch sáng nay, họ đang mua vào rất mạnh, tập trung vào các mã như DPM của Đạm Phú Mỹ, PPC của Nhiệt điện Phả Lại, PVT của Vận tải dầu khí với khối lượng mỗi mã lên tới 4-500.000 đơn vị. Rất có thể hôm nay lại là một phiên mua ròng của khối này”.

Tuy nhiên, một điểm được nhiều chuyên gia lưu ý là đà tăng giá của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể chậm lại hoặc bị kéo xuống do tác động của những kết quả của cuộc họp G20 đêm nay.

Trở lại diễn biến trong phiên giao dịch sáng nay (2/4), trong nhóm các cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất thị trường, chỉ có STB của Ngân hàng Sacombank và VIC của Vincom giảm giá nhẹ; HAG của Hoàng Anh Gia Lai và PVF của Tài chính dầu khí đứng giá, còn lại đều tăng.

Trong đó, FPT của Tập đoàn FPT, HPG của Tập đoàn Hoà Phát, ITA của Itaco, PPC của Nhiệt điện Phả Lại, SSI của Chứng khoán Sài Gòn tăng giá kịch trần với dư bán bằng 0.

Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng tăng giá trần với dư bán không có như: DQC của Điện Quang, REE của Cơ điện Lạnh, SAM của Cáp và vật liệu viễn thông, , TDH của Nhà Thủ Đức, TAC của Dầu Tường An, HSG của Hoa Sen Group..

Ở chiều ngược lại, chỉ có 3 mã giảm sàn gồm MPC của Minh Phú (do bị đưa vào diện kiểm soát sau khi có báo cáo tài chính kiểm toán lỗ), BAS của CTCP BASA và chứng chỉ quỹ MAFPF1.

Về khối lượng giao dịch, dẫn đầu là STB của Sacombank với 2,88 triệu đơn vị. SAM của Sacom theo sau với 1,81 triệu. SSI của Chứng khoán Sài Gòn đứng ở vị trí thứ 3 với 1,73 triệu. DPM của Đạm Phú Mỹ và PVT của PV Trans đứng ở các vị trí tiếp theo với 1,34 và 1,24 triệu đơn vị.

Trên Sàn chứng khoán Hà Nội, chỉ số HASTC-Index tăng điểm phiên thứ 3 liên tiếp và đứng vững trên ngưỡng 100 điểm.

Cụ thể, chỉ số HASTC-Index tăng 1,83 điểm (1,81%) lên 102,66 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch thành công trên sàn Hà Nội sáng 2/4 tăng khoảng 30% lên 16,5 triệu đơn vị, trị giá 315 tỷ đồng.
  • Hà Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,