- Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước cho biết, nguồn vốn khả dụng USD của các ngân hàng thương mại hiện đang dư thừa. Với nguồn vốn này, các ngân hàng thương mại đang rất muốn tham gia vào đợt đấu giá trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ của Chính phủ.
Trong khi đó, diễn biến tại các ngân hàng thương cho thấy họ không còn mặn mà với việc huy động vốn ngoại tệ do nguồn vốn hiện có khá dồi dào mà đầu ra thì không khả quan. Lãi suất USD hiện tục bị hạ xuống và hiện chỉ còn khoảng 2,5-2,6%/năm.
Thực tế, nguồn ngoại tệ này huy động qua tiền gửi ở ngân hàng tăng lên trong thời gian qua, trong khi người vay thì lại không muốn vay bằng ngoại tệ vì sợ biến động tỷ giá.
Dư thừa vốn USD, các ngân hàng muốn mở đầu ra qua trái phiếu ngoại tệ. (Ảnh: VNN) |
Nguồn vốn khả dụng USD đang được các ngân hàng hướng đến việc mua trái phiếu. Bởi vì, nếu ngâm nguồn vốn lâu trong ngân hàng thì không ổn vì không sinh lãi. Song, nếu tiếp tục hạ thấp lãi suất huy động ngoại tệ thì người dân sẽ không gửi mà chuyển sang dùng cho mục đích khác, hoặc tích trữ ở bên ngoài.
Với nguồn vốn USD khá dồi dào trong ngân hàng thương mại hiện nay, các quan chức của của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cho biết, họ đã có trao đổi và tính toán kỹ về khối lượng phát hành trái phiếu ngoại tệ và định trần lãi suất để huy động vốn ngoại tệ nhưng không gây ra những tác động xấu cho thị trường ngoại hối như: tăng tỷ giá hay tăng lãi suất quá cao.
Chính vì thế, huy động vốn thông qua ngoại tệ được cho là biện pháp khai thông nguồn lực trong giai đoạn hiện nay.
Trái phiếu ngoại tệ: không sợ "Đô la hóa", Ông Lê Đức Thúy - Chủ tịch UB Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng, nhìn nhận “Đô la hóa” là khi chúng ta dùng nhiều Đô la trong nền kinh tế, nhất là đồng Đô la ấy nằm trong dân cư. Còn việc huy động được USD qua hệ thống ngân hàng, qua hệ thống ngân sách là một giải pháp chống “Đô la hóa” vì tiền vào ngân hàng đang tăng lên, USD trôi nổi ngoài thị trường đã được đi vào hệ thống chính thức. Mặt khác, Chính phủ huy động bằng ngoại tệ nhưng không dùng đến thì có thể bán ngoại tệ đó lấy nội tệ để chi tiêu. Và ngoại tệ đó cần và sẽ được bán cho những người cần dùng một cách chính thức, nên không phải lo cho tình trạng “Đô la hóa”. Mặt khác, tổng giá trị của lượng VND dùng để mua lượng ngoại tệ đó không lớn để có thể tác động đến cung cầu vốn VND trên thị trường. |
-
Phước Hà