- Lo ngại thời gian tới không còn nhà nhỏ, đất nhỏ vì quyết định của UBND TP.HCM không cho tách thửa nhỏ, người dân đổ xô đi mua nhà đất loại này. Và bỗng chốc, nhà ổ chuột, đất mảnh vụn lại trở nên có giá, được săn tìm.
Trong ngày 9/3, ngõ vào con hẻm 146 Vũ Tùng, phường 2, quận Bình Thạnh, người ra vào tấp nập. Người ta tìm mua căn nhà 146/59/18/24 bis, được rao trên báo.
Những ngôi nhà diện tích nhỏ đang được lùng sục mua, bất kể có giấy hồng hay chưa có giấy. Ảnh: Đặng Vỹ |
Tranh mua, tranh bán
Lô đất này được rao bán giá 250 triệu đồng, với miêu tả “Gần chợ Bà Chiểu, 3,5m x 10m, nhà nát, tiện xây mới, giấy tờ hợp lệ”, và còn chua thêm “miễn trung gian”.
Qua 3 con hẻm, căn nhà nằm sâu trong con hẻm hẹp chưa tới 1m. Thực ra cái được gọi “căn nhà” là một miếng đất đổ xà bần lấn đoạn rạch Cầu Bông, thuộc đoạn cuối của kênh Nhiêu Lộc, một con kênh đen nổi tiếng ở TP.HCM. Không còn hình dáng nhà, chỉ còn một vài trụ gỗ, tường vách xiêu đổ. Thế nhưng với những cư dân thu nhập trung bình và nghèo ở TP.HCM, thông tin này cực kỳ hấp dẫn bởi giá quá rẻ.
Một công chức trẻ, thu nhập 5 triệu/tháng cho biết, anh đã gom góp dành dụm nhiều năm nay được một ít tiền, không bao giờ nghĩ là mua được nhà nội thành dù nhà nát hay nhà nhỏ. Vì vậy, anh quyết tâm mua cho bằng được căn nhà này. Ngay buổi trưa nắng cháy, anh vẫn ngồi bên vệ đường, chờ đến đầu buổi chiều để vào UBND phường hỏi thông tin sớm, trước người khác.
Thông thường trước khi mua đất, người mua thường phải kiểm tra thông tin ở UBND phường hoặc phòng Công thương, nhưng vì sợ người khác mua mất ngôi nhà này, có người đòi đặt cọc 5 triệu đồng để trong thời gian vài tiếng đồng hồ đến UBND phường tìm hiểu thông tin, chủ nhà không được bán cho người khác.
Những khoảnh ruộng được chia nhỏ như thế này, sắp tới sẽ không được xây dựng. Ảnh: Đặng Vỹ |
Tại xã Xuân Thới Thượng, ông Nguyễn Ngã đấm ngực thùm thụp vì hụt mua căn nhà có kích thước 10m x15m. Trước Tết, chủ nhà rao bán căn nhà với giá 450 triệu đồng. Nhà xây không phép, không chủ quyền, việc mua bán chỉ viết giấy tay với nhau. Tuy nhiên, chưa thỏa thuận được nên ông Ngã chưa mua.
Hôm nay quay lại, ông Ngã té ngửa vì cách đây 3 hôm chủ nhà đã cắt đôi khuôn viên, bán cho người khác khoảnh sân 50m2 lọt lòng giữa ngôi nhà xây hình chữ L. Chủ nhà cho biết, vừa rồi thành phố có những chủ trương không cho tách thửa nhỏ, trong khi người nghèo không có tiền để mua nhà có diện tích đất lớn, nên ông phải lo xé nhỏ miếng đất ra bán.
Đất nhỏ lên ngôi
Nghĩa, một cò đất ở xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, cho biết những ngày qua anh nhận được khá nhiều đơn đặt hàng của người đi tìm mua những ngôi nhà, nhờ giới thiệu những khu đất nhỏ. Nghĩa giới thiệu một căn nhà 5m x 20m ở thôn Nam Thới, xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn, hồi đầu tháng 3 có giá 350 triệu, nay lên 400 triệu.
Theo Quyết định số 19 UBND TP.HCM vừa ban hành, khu vực các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, thửa đất tách ra phải có diện tích tối thiểu là 120m2 và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 7m; đất có nhà ở hiện hữu, diện tích tối thiểu là 80m2 và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 5m.
"Sắp tới đây không còn cơ hội tách thửa, tìm mua nhà nhỏ không dễ đâu", Nghĩa nói với khách mua nhà.
Từ đó, những ngày gần đây, giá các ngôi nhà và khoảnh đất nhỏ ở những vùng ngoại thành đã nhúc nhích tăng giá, vài chục ngàn một mét vuông đất ruộng, đất thổ vườn, vài trăm ngàn đồng một mét vuông nhà. Ngôi nhà chữ L đã bị bán khoảnh sân nói trên, phần còn lại chủ nhà vẫn bán với giá 450 triệu đồng như nguyên căn nguyên lô trước đây.
Trong khi đó, người ít tiền không có tiền mua đất rộng. Ở TP.HCM, không chỉ trong khu đô thị, ngay cả vùng ven, giá đất dù thấp những người nghèo vẫn không thể với tới. Người có đất ruộng xin chuyển mục đích lên thổ vườn, và chia từng lô có bề ngang 4 - 5m, dài 20 - 25m, bán vài trăm triệu đồng một lô.
Những khu đất ruộng ở TP.HCM hiện không mấy nơi còn trồng lúa hay hoa màu, tất cả đều chia lô thửa với những hàng gạch nhỏ. Không xin được giấy phép, người ta cứ tự xây những ngôi nhà và ở, dần dần tìm cách hợp thức hóa. Nếu rủi ro bị quy hoạch công trình công cộng, thì được đền bù giá đất nông nghiệp, còn công trình xây dựng trên đất bị mất.
Chỉ là nhất thời?
Quan sát trong những ngày qua, có thể thấy người đi mua đất chủ yếu là người có thu nhập thấp, giới công chức, nhân viên nghèo. Quân, một công chức có thu nhập 5-6 triệu tháng, cho rằng đây là thời điểm tốt nhất với những người ít tiền có cơ hội kiếm được nhà để ở, giá nhà đất có thể đã xuống đến mức thấp nhất, nếu mua không kịp sẽ không còn dịp nào khác.
Tuy nhiên, theo ông Tường, một cò đất lâu năm ở quận Bình Chánh, mọi việc rồi cũng sẽ đâu vào đấy. Ông Tường cho rằng, văn bản của TP.HCM ban hành là để quản lý việc chia lô tách thửa, song người nghèo không tiền thì vẫn theo cách tự chia, tự cắt và tự xây trái phép, nếu hợp thức hóa được thì làm, nếu không được thì vẫn ở tạm và mua bán sang tay không đến chính quyền.
Theo cò đất có nhiều kinh nghiệm này, vì vậy có thể sau một thời gian, mọi việc sẽ trở lại bình thường và nếu không có gì biến động, giá nhà đất cùng ven rồi sẽ trở lại giá cũ.
Một giám đốc công ty kinh doanh địa ốc cũng nhận xét tương tự, quyết định của UBND TP.HCM sẽ có tác dụng với các dự án xây dựng khu đô thị, vì nếu không theo đúng quy định sẽ không được duyệt, chứ không thể ngăn cản nổi việc người dân tự chia lô, chia khoảnh mảnh đất của nhà mình.
Chủ tịch UBND một xã ở Bình Chánh, nhận xét rằng, quyết định mới đây của UBND TP.HCM tích cực ở chỗ hạn chế loại nhà ống, nhà ổ chuột, vốn dĩ đã làm nát bét bộ mặt của Thành phố. Song theo ông, vấn đề quan trọng là phải làm thế nào để quản lý cho được việc chia cắt đất nông nghiệp, làm nhà trái phép ở quận huyện ngoại thành.
- Đặng Vỹ