221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1174254
Sữa bột ào ạt tăng giá
1
Article
null
Sữa bột ào ạt tăng giá
,

 - Các loại sữa bột từ hai ngày nay bắt đầu tăng giá đáng kể. Điều lạ là ngay sau khi Bộ Tài chính có quyết định tăng thuế sữa tươi, thì đối tượng tăng giá lại là sữa bột.

Nhiều nghi ngờ đặt ra, có phải các DN sữa bột đã nhân cơ hội này để "tát nước theo mưa", còn người tiêu dùng vốn "sính" sữa ngoại nên đắt cũng phải mua?

Khi Bộ NN-PTNT kiến nghị về việc tăng thuế nhập khẩu sữa, rất nhiều ý kiến lo ngại tăng thuế sẽ khiến giá sữa ngoại tăng theo. Chính vì những lo ngại này, Bộ Tài chính đã quyết định duy trì mức thuế rất thấp cho sữa bột  với hy vọng giúp các DN giảm chi phí đầu vào, không tăng giá bán.

Tát nước theo mưa

Chị Linh Mai ở Cầu Giấy (Hà Nội) hôm qua (9/3) ra chợ Thành Công để mua sữa XO số 4 cho con trai gần 2 tuổi, quá bất ngờ khi chủ cửa hàng thông báo giá sữa đã tăng thêm 28.000 đồng/hộp, từ 302.000 lên 330.000 đồng hộp 900g.

Chị bán hàng thông báo, giá các loại sữa khác của Abbott, Neslte... cũng tăng khoảng 5%. Mấy hôm trước, chị Mai mới nghe phong thanh chuyện tăng thuế sữa, song, đinh ninh là giá sữa bột không bị ảnh hưởng nhiều nên bỏ qua việc mua dự trữ, bây giờ thấy tiếc hùi hụi.

Giá sữa bột nhập ngoại đã tăng lên 4-5%. Ảnh chụp tại cửa hàng số 216 phố Tây Sơn chiều 10/3 (ảnh Nguyễn Nga)

Chủ một cửa hàng sữa ở phố Ngọc Hà cho biết, một số công ty sữa đã thông báo tăng giá sữa, bất kể đó là sữa tươi hay sữa bột, trong khi quyết định tăng thuế của Bộ Tài chính chỉ nhắm vào sữa tươi.

Khảo sát tại thị trường Hà Nội cho thấy, các đại lý kinh doanh sữa bột đã đồng loạt dán biển giá mới cho các mặt hàng của Abbott, XO, Friso. Nhìn chung, giá các loại sữa bột tăng khoảng 4-5%.

Tin từ Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 2/2009, giá nguyên liệu sữa nhập khẩu tiếp tục giảm 100 USD/tấn, ở mức từ 1.750-1.900 USD/tấn.

Giá sữa nội ổn định, riêng một số loại sữa nhập ngoại, giá bán lẻ trên thị trường có xu hướng tăng. Cụ thể, các sản phẩm của Abbott tăng 5-7%, sữa cho người tiểu đường tăng 5%, sữa Hươu cao cổ, sữa dành cho phụ nữ mang thai tăng 4%...

Chẳng hạn, sữa Enfagrow cho trẻ trên 1 tuổi tăng từ 290.000 lên 304.000 hộp 900g; sữa Nan của Nestle loại 900g cho trẻ trên 1 tuổi cũng tăng từ 320.000 tăng lên 336.000; sữa Gain Plus Advance IQ 3, loại 900g tăng từ 295.000 lên 307.000 đồng. Sữa Pedia Sure hộp 900 gam, trước giá 357.000 nay lên 366.000 đồng.

Một chuyên gia trong ngành sữa cho rằng, tâm lý người tiêu dùng Việt Nam là sính sữa ngoại, đặc biệt với sữa bột. Trên thực tế, việc Bộ Tài chính tăng thuế sữa tươi chỉ là cái cớ để các DN khác "tát nước theo mưa", đẩy giá lên cao nếu hai "đại gia" đang chiếm lĩnh thị phần sữa bột tại Việt Nam là Mead Johnson và Abbott - mỗi hãng chiếm trên 20% - tăng giá.

Cùng với Neslte, Dumex và một số hãng khác của Hàn Quốc, Nhật Bản, các công ty nước ngoài chiếm gần 60% thị trường sữa bột trong nước. Ghi nhận của chúng tôi, khoảng 80% số mặt hàng sữa bột nhập ngoại đã tăng giá. Trong khi đó, một số hãng khác như Dumex... cho biết, tất cả các nhãn sữa của hãng này sẽ không tăng giá bán ít nhất đến hết tháng 5/2009.

Có sự nhầm lẫn?

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Tuấn Khải, Giám đốc Công ty CP Sữa Quốc tế, cho rằng, giá sữa tươi mà các DN đang thu mua không giảm đáng kể (ở mức 7.200 đồng/kg), và so với giá nhập khẩu là quá cao. Giá này lại không được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), thành ra DN phải chi tới 8.000 đồng/kg, vì nông dân không có hoá đơn đỏ nên công ty không thể hoàn thuế VAT được.

TIN LIÊN QUAN
Trong khi đó, sữa bột nhập khẩu được trả chậm 45-60 ngày, còn mua sữa tươi phải trả trong vòng 15 ngày. Hơn nữa, việc thu mua sữa tươi phức tạp, mất nhiều công sức về quản lý, hệ thống thu mua tốn kém, kiểm soát chất lượng vất vả. Chính vì vậy, việc nhập sữa bột về chế biến được các DN coi là tối ưu, vừa dễ làm, vừa dễ thu lời.

Song, thuế nhập khẩu sữa tươi bắt đầu tăng, đồng nghĩa với việc các DN tập trung vào mặt hàng sữa bột, nơi đang cho lợi nhuận cao hơn bao giờ hết.

Thậm chí, giám đốc một công ty sữa phía Bắc bức xúc nói, việc đánh thuế sữa tươi chẳng khách nào bốc nhầm thuốc, bởi không ai dại gì mà nhập sữa tươi, nhất là khi thuế lại tăng tới 20%. Nhờ mức thuế 3-7%, các DN chế biến thời gian tới sẽ còn tăng cường nhập sữa bột về hoàn nguyên nhằm hưởng lợi nhuận cao nữa. Người tiêu dùng thiệt, còn nông dân nuôi bò còn đáng lo ngại hơn.

Trao đổi với báo giới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, nếu chỉ nâng thuế sữa tươi mà không điều chỉnh thuế sữa bột thì chưa thật thỏa đáng.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN và Môi trường của Quốc hội, lập luận, việc tăng thuế như thế nào cần cân nhắc đến việc cân bằng lợi ích của cả 3 bên: người tiêu dùng, chăn nuôi và sản xuất. Trong đó, phải coi người tiêu dùng là trung tâm, bởi không có thị trường sẽ không có sản xuất.

Hiện sữa bột nhập ngoại chiếm 60% thị phần trong nước (ảnh N.Nga)
Để lành mạnh hoá thị trường phải có sự vào cuộc của Bộ Tài chính, mà cụ thể là Tổng cục Thuế. Bởi trước khi đóng thuế, các DN buộc phải có báo cáo tài chính về doanh thu, lợi nhuận. Khi đó, cơ quan nhà nước sẽ biết chính xác cơ cấu giá thành, trong đó có giá nhập khẩu là bao nhiêu.

Phía DN chế biến sữa trong nước, ông Nguyễn Tuấn Khải kiến nghị, nên đánh thuế sữa nguyên liệu nhập khẩu ở mức 70% so với cam kết của WTO. Thông qua nguồn thuế thu được, hỗ trợ nông dân để bà con bán giá sữa tươi thấp hơn 3.000-4.000 đồng/kg so với hiện nay, đến khi sữa nhập khẩu giá cao sẽ bãi bỏ hỗ trợ.

Đồng thời, đề nghị Nhà nước không thu thuế VAT sản phẩm bán ra dùng sữa tươi trong nước. Nói cách khác, Nhà nước cho khấu trừ thuế VAT giống như đầu vào là sữa bột, bằng chứng từ thu mua sữa tươi, thay cho hoá đơn đỏ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn từng khẳng định, “Nhà nước không coi thuế từ sữa là nguồn thu chính. Mà điều quan trọng là chính sách thuế đó giúp cho người dân Việt Nam được tiếp cận với sữa giá rẻ”. Như vậy, mặc ngân sách thất thu, mặc người tiêu dùng phải móc thêm hầu bao, các hãng sữa vẫn quyết định tăng giá bán trong sự bất lực của cơ quan quản lý.

Sữa tươi trong nước giữ giá

Chủ các cửa hàng sữa số 190, 192 và 216 trên phố Tây Sơn và cửa hàng số 40, Vũ Trọng Phụng chiều 10/3 đều khẳng định, các loại sữa bột, sữa nước của nội và ngoại còn lại đến nay chưa có thông tin tăng giá nào.

Mới nhập thêm sữa nước của hãng Vinamilk và Dutch Lady từ sáng nay, chị Mến, nhân viên cửa hàng số 216 Tây Sơn cho biết giá vẫn như cũ. Hiện tại giá bán ra loại sữa tươi 100% hộp 180 ml của Vinamilk vẫn ở mức 4.500 đồng/hộp; sữa túi ở mức 4.000 đồng/túi. Sữa Dutch Lady đường và sôcôla loại 180ml cũng có giá 4.500 đồng/hộp.

Tại cửa hàng thực phẩm nhập khẩu NTA trên phố Láng Hạ, chị Hà nhà ở quận Thanh Xuân đang chọn mua hai bịch sữa tươi nhãn hiệu Frishly của Đức và Smart Milk của Úc giá lần lượt là 30.000 và 33.000 đồng/lít.

So với mức giá từ cuối năm ngoái, chị Hà cho biết vẫn không có gì thay đổi. Chị Trang, chủ cửa hàng này cũng cho biết thêm, chị chưa nhận được thông tin sẽ tăng giá các loại sữa này từ các nhà cung cấp.

Tại TP.HCM, hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết,  hai công ty sữa của VN là Vinamilk và Dutch Lady cam kết không tăng giá sữa đến hết tháng 5/2009. 

  • Nhóm PV Kinh tế

    Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
     hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !

    Đường dây nóng:               (091)356-4657        hoặc (04)3772-2729
    Email:
    bvkh@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,